Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xuất Khẩu Đồ Gỗ Có Thể Đạt 6,5 Tỷ USD

Xuất Khẩu Đồ Gỗ Có Thể Đạt 6,5 Tỷ USD
Ngày đăng: 18/07/2014

Từ đầu năm đến nay, ngành hàng gỗ chế biến chủ yếu xuất khẩu đạt khoảng 3 tỷ USD. Đa phần các DN đã có đơn hàng cho đến hết năm 2014. Dự báo xuất khẩu đồ gỗ có thể đạt 6,5 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2013.

Hiện nay, sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 100 thị trường nước ngoài. Những thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam (chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ) là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2013, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất ASEAN, đứng thứ hai tại châu Á và thứ 6 trên thế giới với kim ngạch đạt trên 5,5 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ chế biến đạt khoảng 3 tỷ USD, nhiều DN đã có hợp đồng sản xuất cả năm nên mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD cả năm 2014 hoàn toàn có khả năng đạt được. Triển vọng xuất khẩu gỗ trong năm 2014 hứa hẹn rất nhiều ở những thị trường như Úc và một số nước trong khối ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia…

Ông Nguyễn Quốc Khanh- Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa) cho biết sở dĩ tình hình thị trường khả quan là do nhiều nhà nhập khẩu đồ gỗ lớn đã đến Việt Nam đặt hàng chứ không chọn Trung Quốc như trước do giá nhân công ở Trung Quốc cao gấp nhiều lần so với Việt Nam.

Ngoài ra, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế tại thị trường châu Âu, giá thành tăng không cạnh tranh được nên nhiều nhà máy của các quốc gia sản xuất đồ gỗ lớn như Ý, Đức, Mỹ đã thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa.

Riêng đồ gỗ xuất khẩu của một số nước bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao nhất làm mất lợi thế cạnh tranh. Đây thực sự là cơ hội vàng để mở rộng thị trường và thị phần cho ngành gỗ Việt Nam.

Xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ hiện đứng thứ 5 trong 10 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nếu có giải pháp đúng và chính sách hỗ trợ hiệu quả thì Việt Nam có thể xuất khẩu đạt 15 - 20 tỷ USD trong 10 năm tới.

Ở trong nước, những năm trước thị trường đồ gỗ trong nước phần lớn là hàng Trung Quốc, Malaysia... thì nay hàng Việt đã khẳng định vị thế trên sân nhà. Tỷ lệ sản phẩm nội thất phục vụ thị trường nội địa của các DN VN đã tăng từ 20% lên 40%, hàng ngoại đã mất dần ưu thế.

Với quy mô thị trường Việt Nam với dân số 90 triệu, bình quân nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ trong 4 năm gần đây khoảng 1,98 tỷ USD. Trong đó, tiêu dùng đồ gỗ người dân thành thị chiếm khoảng 30% cho hộ gia đình, 40% cho các công trình dự án mới và 30% thị phần còn lại đến từ 70% dân cư nông thôn.

Nâng cao năng lực ngành gỗ

Nhận định tại một một thảo ngành chế biến gỗ gần đây, ông Chad Ovel- Phó tổng giám đốc Quỹ Đầu tư Mekong Capital cho biết để ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam nắm bắt được cơ hội phát triển, Việt Nam cần sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đóng góp nhiều giá trị gia tăng hơn thông qua nâng cao hiệu suất sản xuất và kỹ năng của lực lượng lao động.

Ông Khanh cho biết thêm, hiện DN đồ gỗ Việt Nam chủ yếu thực hiện sản xuất theo hình thức gia công, do đó lợi nhuận không cao. Hiện chỉ có khoảng 3- 5% DN đang sản xuất theo hình thức ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán thành phẩm).

Vì thế các DN cần chú trọng tìm kiếm những nhà thiết kế, nghiên cứu kỹ hệ thống hải quan của nước sở tại, tích cực tìm kiếm và ký kết hợp tác với một nhà phân phối uy tín, tham dự các hội chợ chuyên dùng và đặc biệt quan tâm đến marketing và đào tạo đội ngũ tiếp thị sản phẩm.

Ngoài những vấn đề bản thân từng DN phải tập trung giải quyết ở tầm vĩ mô còn phải chú trọng đến các vấn đề nâng cao tỷ lệ hiệu dụng gỗ và giảm chi phí vận chuyển bằng sự sản xuất trung gian (các loại ván nhân tạo, gỗ ghép…) tại các vùng trồng rừng tập trung; gỗ hợp pháp và trách nhiệm giải trình nguồn gốc hợp pháp; kiểm soát hàng tạm nhập và tái xuất để lấy xuất xứ sau khi Việt Nam ký TPP…


Có thể bạn quan tâm

Thêm Sức Sống Cho Đồng Ruộng Thêm Sức Sống Cho Đồng Ruộng

Vai trò không thể phủ nhận của phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp là mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân và cây trồng, giảm bớt sự ô nhiễm môi trường, bảo vệ đất, nguồn nước, làm cho lương thực, thực phẩm được an toàn. Những ưu điểm này đã được các nhà khoa học nghiên cứu, ứng dụng để đem về sức sống cho đồng ruộng, sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

02/01/2015
Hậu Giang Vì Sự Phát Triển Bền Vững Hậu Giang Vì Sự Phát Triển Bền Vững

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Chánh cho rằng: Trong điều kiện còn nhiều khó khăn của cả nước, cùng sự tác động suy thoái kinh tế và khủng hoảng thị trường thế giới, nhưng 4 năm qua, nền kinh tế Hậu Giang vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, tạo tiền đề quan trọng để phát triển chung cho cả giai đoạn 2011-2015.

02/01/2015
Vị Thủy Thắng Lợi Trong Sản Xuất Lúa Vị Thủy Thắng Lợi Trong Sản Xuất Lúa

Với những thuận lợi về hệ thống đê bao khép kín, kết hợp áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã thúc đẩy nền nông nghiệp ở huyện Vị Thủy đạt cả 3 mặt. Năm 2014, là năm thứ 14 huyện Vị Thủy có sản lượng lúa đạt trên 200.000 tấn/năm.

02/01/2015
Trực Hùng Tập Trung Hoàn Thiện Hệ Thống Hạ Tầng Kỹ Thuật Phục Vụ Sản Xuất Nông Nghiệp Trực Hùng Tập Trung Hoàn Thiện Hệ Thống Hạ Tầng Kỹ Thuật Phục Vụ Sản Xuất Nông Nghiệp

Là vùng đất thuần nông nhưng diện tích gieo cấy 2 vụ lúa của xã Trực Hùng (Trực Ninh) lại hạn chế (313,37ha). Do vậy xã đã xác định đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nâng cao hiệu quả sản xuất trên diện tích đất canh tác là định hướng trọng tâm phát triển nông nghiệp.

02/01/2015
Vụ Bản Phát Triển Kinh Tế Trang Trại, Gia Trại Vụ Bản Phát Triển Kinh Tế Trang Trại, Gia Trại

Thực hiện Nghị quyết số 07 của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XVIII về phát triển kinh tế trang trại, gia trại, huyện Vụ Bản chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, gia trại gắn với quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp và quy hoạch xây dựng NTM.

02/01/2015