Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xuân Phú Tập Trung Chuyển Dịch Cơ Cấu Cây Trồng, Vật Nuôi

Xuân Phú Tập Trung Chuyển Dịch Cơ Cấu Cây Trồng, Vật Nuôi
Ngày đăng: 15/08/2013

Hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, thời gian qua xã Xuân Phú (Xuân Trường) đã chọn lựa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương, đồng thời tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đẩy mạnh thâm canh tăng vụ trong trồng trọt, khuyến khích phát triển chăn nuôi.

Xã Xuân Phú có diện tích 383ha cấy 2 vụ lúa. Nhằm tạo ra giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp, Đảng uỷ, UBND xã tập trung chỉ đạo thực hiện đề án dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) kết hợp làm thuỷ lợi nội đồng, cải tạo chỉnh trang đồng ruộng để quy hoạch các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, hoàn thiện hệ thống tưới tiêu thuỷ lợi nội đồng, đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình DĐĐT, các hộ chủ động ký hợp đồng với các doanh nghiệp tư nhân dùng máy đào đắp các kênh mương, đồng thời tự nguyện đóng góp đất để làm đường giao thông, thuỷ lợi nội đồng.

Từ vụ xuân 2013, xã đã triển khai xây dựng CĐML ở xóm 6, xóm 7 với tổng diện tích hơn 50ha, thu hút 398 hộ tham gia. Để nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân, xã xây dựng cơ cấu mùa vụ hợp lý và hướng dẫn nông dân gieo cấy các giống lúa ngắn ngày có tiềm năng năng suất cao, chất lượng gạo khá như các giống lúa thuần là RVT, TBR45 và giống lúa lai TH3-3.

Hội Nông dân xã đã phối hợp với Ban Nông nghiệp xã tổ chức 2 lớp tập huấn cho 400 lượt nông dân các kỹ thuật thâm canh lúa, gieo sạ hàng, quy trình bón phân chăm sóc lúa theo mô hình CĐML. Kết quả, năng suất lúa vụ xuân của xã đạt 70,5 tạ/ha, tăng 1,46 tạ/ha so với năng suất lúa bình quân toàn tỉnh. Từ thắng lợi của vụ xuân, vụ mùa năm 2013, xã tiếp tục triển khai xây dựng thêm một mô hình CĐML với tổng diện tích hơn 30ha tập trung ở xóm 2, xóm 4.

Vụ mùa 2013, xã đã sử dụng giống lúa RVT để thay thế toàn bộ các giống lúa thuần đã không còn phù hợp. Xã chủ động đẩy nhanh tiến độ làm đất, đẩy sớm cơ cấu mùa vụ nhằm tạo quỹ đất trồng cây vụ đông. Đến nay, toàn bộ diện tích lúa mùa của xã đều sinh trưởng và phát triển tốt. Căn cứ vào tiến độ sinh trưởng, xã chỉ đạo bà con nông dân tập trung thu hoạch gọn lúa mùa bằng máy gặt đập liên hợp để nhanh chóng giải phóng đất, triển khai trồng các loại cây đậu tương, ngô, bí xanh và rau màu các loại. Đối với diện tích vườn tạp trong các khu dân cư, xã vận động người dân cải tạo để luân canh trồng rau màu, các loại cây cảnh.

Hiện tại, Hội Sinh vật cảnh của xã Xuân Phú đã có hơn 110 hội viên. Nhiều hộ có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm như hộ các ông: Tống Xuân Hưởng (xóm 2), Nguyễn Văn Quốc (xóm 13), Nguyễn Văn Hải (xóm 9). Với diện tích hơn 40ha đất chuyên màu, thời gian tới Ban nông nghiệp xã sẽ tham mưu cho UBND xã chủ động đăng ký với huyện xây dựng CĐML vụ đông trồng cây đậu tương trên đất 2 lúa với diện tích 50ha tại xóm 6, xóm 7.

Cùng với tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, cơ cấu đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã cũng từng bước chuyển biến tích cực theo hướng đa con, gắn với giá trị kinh tế cao. Hiện tại, tổng đàn lợn của xã là 4.270 con, đàn gia cầm hơn 25 nghìn con.

Xã có 41 hộ phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô gia trại; trong đó có các hộ nuôi có quy mô lớn từ 80-100 con lợn, hơn 300 con vịt, gà cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên như hộ các ông Tống Văn Hải ở xóm 2, Phạm Minh Sinh ở xóm 7, Đặng Văn Bích ở xóm 13, Nguyễn Đình Luận ở xóm 8…

Ông Đặng Văn Bích ở xóm 13 cho biết, gia đình ông đang gây giống đàn lợn nái ngoại từ 6-7 con để cải thiện chất lượng đàn lợn giống đã thoái hoá. Hiện đàn lợn giống nái ngoại được nhập từ tháng 5-2013 đều phát triển tốt, hứa hẹn sẽ giúp gia đình ông tăng thêm thu nhập trong thời gian tới…

Để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi, trong tháng 8-2013, xã chỉ đạo cán bộ thú y xã triển khai kế hoạch tiêm phòng dịch tả, tụ huyết trùng cho đàn lợn từ ngày 15 đến 30-8; đàn trâu bò tập trung tiêm từ ngày 1 đến 15-9. Riêng với đàn gia cầm, các hộ chủ động liên hệ với cán bộ thú y cơ sở lấy đủ lượng vắc xin để tự tiêm, không sử dụng các loại thuốc không có trong danh mục và không rõ nguồn gốc.

Trong thời gian tới, để vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng hệ số quay vòng sử dụng đất, UBND xã Xuân Phú tiếp tục tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông thuỷ lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hội Nông dân, HTXDVNN xã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tích cực tuyên truyền hướng dẫn, xây dựng thêm các mô hình giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tập trung quy hoạch vùng sản xuất, chú trọng phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại bảo đảm xa khu dân cư để đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh.


Có thể bạn quan tâm

An Giang xây dựng mô hình làng trồng nấm Bào ngư ứng dụng công nghệ cao An Giang xây dựng mô hình làng trồng nấm Bào ngư ứng dụng công nghệ cao

Hội đồng Khoa học Công nghệ tỉnh vừa nghiệm thu dự án “Xây dựng mô hình làng trồng nấm Bào ngư ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Thành, tỉnh An Giang”, do thạc sĩ Lê Trần Như Thảo, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thực hiện.

22/08/2015
Cam Lâm (Khánh Hòa) nguy cơ thiếu giống cây trồng Cam Lâm (Khánh Hòa) nguy cơ thiếu giống cây trồng

Nắng hạn kéo dài đã khiến nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) bị thiệt hại nặng, trong đó có mía và mì. Nông dân địa phương đang đứng trước nguy cơ thiếu giống mía, mì cho vụ sản xuất mới.

22/08/2015
Thành Phố Vĩnh Long chuyển đổi gần 123ha nhãn sang cây trồng khác Thành Phố Vĩnh Long chuyển đổi gần 123ha nhãn sang cây trồng khác

Dịch bệnh trên cây màu tăng Các loại cây chuyển đổi là: mít, dừa, bưởi, cam, xoài, nhãn Ido, chôm chôm, ổi, thanh long, đu đủ…

22/08/2015
Người trẻ hóa vườn xoài Người trẻ hóa vườn xoài

Ông Đinh Đoan Lởi, ngụ tại xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc) là một trong những nông dân đi tiên phong ở tỉnh Đồng Nai thành công trong việc ghép cải tạo, trẻ hóa vườn xoài già cỗi. Ông Lởi chia sẻ: “Những gốc xoài ba mùa mưa gần 20 năm già cỗi, giá giống xoài này lại thấp nên thường phải chặt bỏ. Nhưng tôi đã tận dụng những gốc xoài này để ghép các giống xoài cát Hòa Lộc, xoài Thái đang được thị trường ưa chuộng, bán với giá cao”.

22/08/2015
Kỹ thuật nuôi hàu Kỹ thuật nuôi hàu

Trong nuôi hàu, việc chọn vị trí nuôi rất quan trọng, quyết định thắng lợi của việc nuôi. Vùng nuôi phải là ở vùng cửa sông, ít sóng gió, có độ mặn 20-30 phần nghìn, pH thích hợp 7,5-8,5. Nguồn nước sạch, nước lưu thông (có dòng chảy nhẹ), màu nước xanh có nhiều sinh vật phù du. Độ sâu nên chọn vùng hạ triều, chất đáy tương đối cứng.

22/08/2015