Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xử thải kém trong nuôi tôm, môi trường biển lãnh đủ

Xử thải kém trong nuôi tôm, môi trường biển lãnh đủ
Ngày đăng: 27/07/2015

Biển… đen

Chỉ tính từ thôn 10, 11 (xã Điền Hòa) đến các thôn Hải Thế, Đông Hải (xã Phong Hải) trên chiều dài khoảng 5km dọc bờ biển đã có hàng trăm ống nước kích cỡ lớn được đấu nối với máy bơm công suất lớn để lấy nước từ biển vào hồ nuôi và khoảng chục mương nước với màu nước đen ngòm, bốc mùi hôi nồng nặc chảy ra phía biển.

Tại các thôn Hải Thế, Đông Hải, bờ biển đang bị “băm nát” bởi những đường ống lấy nước từ biển vào hồ nuôi giăng mắc chằng chịt. Để giữ vững những đường ống này, hàng trăm cọc cừ tre được đóng xuống biển để “gia cố”. Phía trong những đường ống này, có một “hào” được dùng để chứa chất thải của các hồ nuôi tôm. Nước thải ngấm dần từ đây rồi chảy ra biển, tạo thành một vùng sình lầy bốc mùi hôi nồng nặc.

"Đầm lầy" ô nhiễm ven biển tại thôn Hải Thế, xã Phong Hải do nước thải nuôi tôm gây ra

Ông Trần Quý (53 tuổi, thôn Đông Hải) bức xúc: “Từ khi các hồ tôm đi vào hoạt động đến nay, lượng cá tôm gần bờ mất hẳn. Nước từ hồ nuôi thải ra đen ngòm, ai xuống biển tắm khu vực này đều thấy bị ngứa, khó chịu. Đó là chưa nói, các hộ dân ở trong vùng biển phải chịu ảnh hưởng mỗi khi nước hồ tôm xả.”.

Ông Quý trước đây có thuyền máy đánh bắt cá gần bờ. Mỗi ngày hộ gia đình ông cũng kiếm được 1 - 2 tạ các loại hải sản, bán được vài trăm ngàn đồng đến cả triệu bạc. Từ khi vùng nuôi tôm gây ô nhiễm biển, các loại cá cứ thưa dần. Ngư dân ở đây đi biển thua lỗ đành bán thuyền, bỏ nghề. Theo thống kê, thôn Đông Hải trước đây có khoảng 30 chiếc thuyền công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ, là nguồn sinh kế của hàng chục hộ dân. Đến nay, vì môi trường biển ô nhiễm chỉ còn 1 đến 2 chiếc đánh bắt thường xuyên.

Nước biển tại các vùng xả thải của các hồ tôm đổi màu, bốc mùi hôi thối

Dọc vùng nuôi tôm các thôn 10, 11 xã Điền Hòa, trên chiều dài khoảng 2km có 3 - 4 điểm có mương xả thải ra biển từ các hồ tôm. Nước biển ở đây đổi màu, bốc mùi hôi thối do nước thải từ hồ nuôi tôm. Các mương xả thải này không hề được lót bạt hay đúc bê tông làm tình trạng ô nhiễm tràn lan ở khu dân cư. Anh Hồ Duy Hoàn (thôn 11, xã Điền Hòa) lo lắng: “Nhà tui ở gần biển nhưng từ nhỏ đến giờ tui chưa thấy khi nào mà biển vùng Điền Hòa bị ô nhiễm nặng như ri. Mấy năm trước ra biển tắm thoải mái, giờ ngay cả bà con làm nghề ngư cũng ngại ra biển chứ đừng nói người nơi khác tới. Từ khi diện tích hồ nuôi tôm tăng ồ ạt đến nay, không biết vì lý do gì mà ở thôn 10, 11 xã Điền Hòa muỗi xuất hiện nhiều, nước ngầm cũng bị ảnh hưởng.”.

Cạnh đó, bãi biển xã Điền Lộc, năm 2010 được quy hoạch và chỉnh trang thành khu nghỉ dưỡng với chiều dài 1km cũng bị ảnh hưởng ô nhiễm từ các bãi biển lân cận.

Khó xử lý triệt để

Ông Nguyễn Đăng Xuân, Chủ tịch UBND xã Điền Hòa thừa nhận: “Hiện nay, hệ thống xử lý nước thải nuôi tôm của các công ty và nhóm hộ trên địa bàn xã đều chưa đảm bảo, làm môi trường biển nhiều nơi bị ô nhiễm. Trên địa bàn có 20 ha tôm của các công ty và 9,7 ha của các nhóm hộ. Từ trước đến nay, việc lấy nước, xử lý nước thải giữa các hồ nuôi đang bộc lộ những bất cập làm nước biển ô nhiễm cũng như tình trạng dịch bệnh trên tôm xảy ra nhiều nơi.”.

Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết, toàn xã có 65 ha tôm thẻ chân trắng (theo quy hoạch sẽ có 163 ha). Tuy nhiên, do mùa vụ vừa qua giá tôm xuống thấp cộng với dịch bệnh, hiện nay các hộ dân chỉ mới thả “dè chừng” khoảng 1/3 diện tích. Theo ông Khánh, dù ở địa phương đã được xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng mương bê tông cho vùng nuôi tôm nhưng ở một số nhóm hộ, việc chấp hành đảm bảo môi trường biển ở vùng nuôi tôm vẫn chưa được đảm bảo.

Theo người dân cũng như chính quyền địa phương ở vùng Ngũ Điền và xã Phong Hải (huyện Phong Điền), các xã Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) tình trạng ô nhiễm môi trường biển là do hệ thống xử lý nước thải ở vùng nuôi tôm đang bị “thả nổi” hoặc không “kham” nổi bởi vùng nuôi đang ngày một “phình” to, vượt tầm kiểm soát.

Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh cho biết: “Tính đến thời điểm tháng 7/2015, trên địa bàn tỉnh đưa vào thả nuôi hơn 400 ha tôm thẻ chân trắng, tôm sú và 3.800 ha nuôi xen ghép các loại thủy sản. Việc nuôi tôm gây ô nhiễm môi trường biển là do ở một số vùng nuôi, công tác quy hoạch đi sau phát triển sản xuất. Nước thải từ vùng nuôi chưa đạt quy trình xử lý đã thải ra bờ biển.”

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường ven biển đối với những vùng nuôi tôm, chi cục thường xuyên kết hợp cùng thanh tra Sở Tài nguyên môi trường, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và có biện pháp xử lý kịp thời các cơ sở, điểm nóng thường xảy ra ô nhiễm. Năm 2014, chúng tôi đã “mạnh tay” với tình trạng này và đã xử lý một số trường hợp. (Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trưởng tỉnh)


Có thể bạn quan tâm

Nhức Nhối Chuyện Bán Điều Non Ở Bình Phước Nhức Nhối Chuyện Bán Điều Non Ở Bình Phước

Với hơn 150 nghìn ha, tỉnh Bình Phước được coi là "thủ phủ điều của cả nước". Cây xóa đói, giảm nghèo một thời, nay vì mất giá, cho nên người dân chặt bỏ. Nhiều hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số không có vốn đầu tư, đất bạc màu là còn chung thủy với cây điều. Nhưng cơn lốc của thị trường, lại nảy sinh tình trạng bán điều non, gây nhức nhối ở các xã vùng sâu tỉnh Bình Phước.

14/05/2013
Triển Vọng Từ Hướng Trồng Rau Trong Nhà Lưới Triển Vọng Từ Hướng Trồng Rau Trong Nhà Lưới

Nhằm giúp nghề trồng rau phát triển bền vững, tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, lần đầu tiên tỉnh ta đã đưa mô hình trồng rau an toàn (RAT) trong nhà lưới theo hướng VietGap vào sản xuất trên diện tích gần 40 ha tại các địa phương trọng điểm về trồng rau của tỉnh là An Hải (Ninh Phước), Hộ Hải (Ninh Hải) và phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) mở ra triển vọng mới cho người trồng rau.

29/07/2013
Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cá Diêu Hồng Thương Phẩm Tại Huyện Ninh Sơn Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cá Diêu Hồng Thương Phẩm Tại Huyện Ninh Sơn

Tháng 8-2012, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện triển khai mô hình “Nuôi thử nghiệm cá diêu hồng” tại thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn. Sau 5 tháng thực hiện, mô hình đạt hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao.

29/07/2013
Ninh Sơn Phát Triển Chăn Nuôi Theo Hướng Nâng Cao Chất Lượng Tổng Đàn Ninh Sơn Phát Triển Chăn Nuôi Theo Hướng Nâng Cao Chất Lượng Tổng Đàn

Để đạt được tốc độ tăng trưởng 11% trong năm 2013, bên cạnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, huyện Ninh Sơn xác định tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, nâng cao chất lượng tổng đàn.

29/07/2013
Phát Triển Đàn Bò Thịt Ở Phước Tuy (Bến Tre) Phát Triển Đàn Bò Thịt Ở Phước Tuy (Bến Tre)

Tổng đàn bò của huyện Ba Tri (Bến Tre) hiện có khoảng 71 ngàn con, trong đó xã Phước Tuy có trên 3.600 con. Ông Nguyễn Văn Lư - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Phước Tuy, chia sẻ: “Những năm gần đây, nghề nuôi bò thịt phát triển mạnh, xã có hơn một ngàn hộ nông nghiệp thì hầu như nhà nào cũng nuôi từ một đến hai con bò, có nhà nuôi năm, bảy con đến cả chục con”. Nghề nuôi bò sinh sản, bò thịt vỗ béo đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo và nhân rộng số hộ khá, giàu tại xã.

21/05/2013