Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xử thải kém trong nuôi tôm, môi trường biển lãnh đủ

Xử thải kém trong nuôi tôm, môi trường biển lãnh đủ
Ngày đăng: 27/07/2015

Biển… đen

Chỉ tính từ thôn 10, 11 (xã Điền Hòa) đến các thôn Hải Thế, Đông Hải (xã Phong Hải) trên chiều dài khoảng 5km dọc bờ biển đã có hàng trăm ống nước kích cỡ lớn được đấu nối với máy bơm công suất lớn để lấy nước từ biển vào hồ nuôi và khoảng chục mương nước với màu nước đen ngòm, bốc mùi hôi nồng nặc chảy ra phía biển.

Tại các thôn Hải Thế, Đông Hải, bờ biển đang bị “băm nát” bởi những đường ống lấy nước từ biển vào hồ nuôi giăng mắc chằng chịt. Để giữ vững những đường ống này, hàng trăm cọc cừ tre được đóng xuống biển để “gia cố”. Phía trong những đường ống này, có một “hào” được dùng để chứa chất thải của các hồ nuôi tôm. Nước thải ngấm dần từ đây rồi chảy ra biển, tạo thành một vùng sình lầy bốc mùi hôi nồng nặc.

"Đầm lầy" ô nhiễm ven biển tại thôn Hải Thế, xã Phong Hải do nước thải nuôi tôm gây ra

Ông Trần Quý (53 tuổi, thôn Đông Hải) bức xúc: “Từ khi các hồ tôm đi vào hoạt động đến nay, lượng cá tôm gần bờ mất hẳn. Nước từ hồ nuôi thải ra đen ngòm, ai xuống biển tắm khu vực này đều thấy bị ngứa, khó chịu. Đó là chưa nói, các hộ dân ở trong vùng biển phải chịu ảnh hưởng mỗi khi nước hồ tôm xả.”.

Ông Quý trước đây có thuyền máy đánh bắt cá gần bờ. Mỗi ngày hộ gia đình ông cũng kiếm được 1 - 2 tạ các loại hải sản, bán được vài trăm ngàn đồng đến cả triệu bạc. Từ khi vùng nuôi tôm gây ô nhiễm biển, các loại cá cứ thưa dần. Ngư dân ở đây đi biển thua lỗ đành bán thuyền, bỏ nghề. Theo thống kê, thôn Đông Hải trước đây có khoảng 30 chiếc thuyền công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ, là nguồn sinh kế của hàng chục hộ dân. Đến nay, vì môi trường biển ô nhiễm chỉ còn 1 đến 2 chiếc đánh bắt thường xuyên.

Nước biển tại các vùng xả thải của các hồ tôm đổi màu, bốc mùi hôi thối

Dọc vùng nuôi tôm các thôn 10, 11 xã Điền Hòa, trên chiều dài khoảng 2km có 3 - 4 điểm có mương xả thải ra biển từ các hồ tôm. Nước biển ở đây đổi màu, bốc mùi hôi thối do nước thải từ hồ nuôi tôm. Các mương xả thải này không hề được lót bạt hay đúc bê tông làm tình trạng ô nhiễm tràn lan ở khu dân cư. Anh Hồ Duy Hoàn (thôn 11, xã Điền Hòa) lo lắng: “Nhà tui ở gần biển nhưng từ nhỏ đến giờ tui chưa thấy khi nào mà biển vùng Điền Hòa bị ô nhiễm nặng như ri. Mấy năm trước ra biển tắm thoải mái, giờ ngay cả bà con làm nghề ngư cũng ngại ra biển chứ đừng nói người nơi khác tới. Từ khi diện tích hồ nuôi tôm tăng ồ ạt đến nay, không biết vì lý do gì mà ở thôn 10, 11 xã Điền Hòa muỗi xuất hiện nhiều, nước ngầm cũng bị ảnh hưởng.”.

Cạnh đó, bãi biển xã Điền Lộc, năm 2010 được quy hoạch và chỉnh trang thành khu nghỉ dưỡng với chiều dài 1km cũng bị ảnh hưởng ô nhiễm từ các bãi biển lân cận.

Khó xử lý triệt để

Ông Nguyễn Đăng Xuân, Chủ tịch UBND xã Điền Hòa thừa nhận: “Hiện nay, hệ thống xử lý nước thải nuôi tôm của các công ty và nhóm hộ trên địa bàn xã đều chưa đảm bảo, làm môi trường biển nhiều nơi bị ô nhiễm. Trên địa bàn có 20 ha tôm của các công ty và 9,7 ha của các nhóm hộ. Từ trước đến nay, việc lấy nước, xử lý nước thải giữa các hồ nuôi đang bộc lộ những bất cập làm nước biển ô nhiễm cũng như tình trạng dịch bệnh trên tôm xảy ra nhiều nơi.”.

Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết, toàn xã có 65 ha tôm thẻ chân trắng (theo quy hoạch sẽ có 163 ha). Tuy nhiên, do mùa vụ vừa qua giá tôm xuống thấp cộng với dịch bệnh, hiện nay các hộ dân chỉ mới thả “dè chừng” khoảng 1/3 diện tích. Theo ông Khánh, dù ở địa phương đã được xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng mương bê tông cho vùng nuôi tôm nhưng ở một số nhóm hộ, việc chấp hành đảm bảo môi trường biển ở vùng nuôi tôm vẫn chưa được đảm bảo.

Theo người dân cũng như chính quyền địa phương ở vùng Ngũ Điền và xã Phong Hải (huyện Phong Điền), các xã Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) tình trạng ô nhiễm môi trường biển là do hệ thống xử lý nước thải ở vùng nuôi tôm đang bị “thả nổi” hoặc không “kham” nổi bởi vùng nuôi đang ngày một “phình” to, vượt tầm kiểm soát.

Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh cho biết: “Tính đến thời điểm tháng 7/2015, trên địa bàn tỉnh đưa vào thả nuôi hơn 400 ha tôm thẻ chân trắng, tôm sú và 3.800 ha nuôi xen ghép các loại thủy sản. Việc nuôi tôm gây ô nhiễm môi trường biển là do ở một số vùng nuôi, công tác quy hoạch đi sau phát triển sản xuất. Nước thải từ vùng nuôi chưa đạt quy trình xử lý đã thải ra bờ biển.”

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường ven biển đối với những vùng nuôi tôm, chi cục thường xuyên kết hợp cùng thanh tra Sở Tài nguyên môi trường, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và có biện pháp xử lý kịp thời các cơ sở, điểm nóng thường xảy ra ô nhiễm. Năm 2014, chúng tôi đã “mạnh tay” với tình trạng này và đã xử lý một số trường hợp. (Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trưởng tỉnh)


Có thể bạn quan tâm

Nạn Cắt Trộm Dây Tiêu Hoành Hành Nạn Cắt Trộm Dây Tiêu Hoành Hành

Thời gian gần đây, hàng chục hộ dân ở thôn 11, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin - Dak Lak) “đứng ngồi không yên” khi vườn tiêu 3-4 năm tuổi đang bước vào thời kỳ kinh doanh bị kẻ gian cắt trộm dây về làm giống, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

12/05/2014
Cá Tra Khởi Sắc Cá Tra Khởi Sắc

Không chỉ giá bán tăng, người nuôi bắt đầu có lãi mà xuất khẩu cá tra cũng đang có dấu hiệu khởi sắc khi phục hồi tại thị trường Mỹ

12/05/2014
Khánh Hòa Trồng Thí Điểm Thành Công Cây Mắc-Ca Khánh Hòa Trồng Thí Điểm Thành Công Cây Mắc-Ca

Thời gian qua, một số nông dân huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã trồng thí điểm thành công cây mắc-ca, một loại cây trồng có giá trị kinh tế rất cao, xuất xứ từ nước Úc.

12/05/2014
Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) Lúa Chín Vàng Ươm Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) Lúa Chín Vàng Ươm

Hiện tại, hơn 4 ngàn ha lúa vụ đông – xuân của huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) vàng ươm một màu. Với năng suất bình quân toàn huyện đạt 63 tạ/ha, có nơi đạt đến 72 tạ/ha, có thể nói, đây là vụ mùa bội thu nhất từ trước đến nay.

12/05/2014
Vải Chín Sớm Mô Hình Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Đông Triều (Quảng Ninh) Vải Chín Sớm Mô Hình Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Đông Triều (Quảng Ninh)

Vào những ngày này, mặc dù rất bận rộn với công việc thu hoạch quả nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Thành ở xã An Sinh (Đông Triều - Quảng Ninh) vẫn rất phấn khởi bởi mô hình trồng vải chín sớm của gia đình luôn cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với vải thu chính vụ.

12/05/2014