Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xoài Trái Vụ Mất Mùa

Xoài Trái Vụ Mất Mùa
Ngày đăng: 22/12/2013

Nhiều chủ vườn ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã và đang rơi vào tình trạng kiệt quệ khi từ đầu năm 2013 đến nay, cả hai vụ xoài đều mất mùa. Xót nhất là xoài trái vụ năm nay đã bị mất trắng khi thời kỳ xoài ra hoa đậu quả gặp mưa liên tục do ảnh hưởng của các cơn bão số 13, 14, 15 và áp thấp nhiệt đới…

Mất mùa do mưa nhiều

Vụ xoài trái vụ này, hộ ông Diệp Thế Thanh (thôn Tân Hải, xã Cam Hải Tây) đã làm nhiều cách để cho xoài ra hoa sau khi thu hoạch vụ chính vào tháng 6 âm lịch. Ông Thanh có gần 2ha xoài trái vụ, chủ yếu là 3 giống mới cho sản lượng và bán được giá cao, gồm: xoài Úc, cát Hòa Lộc và bồ trắng. Ông cho biết: “Chỉ tính riêng tiền mua thuốc chăm bón lá, kích thích xoài ra hoa trái vụ đã tốn khoảng 20 triệu đồng.

Đến đầu tháng 9 âm lịch, xoài trái vụ ra hoa dày đặc; sau vài tuần thì đậu quả khá nhiều. Tuy nhiên, khi quả xoài đang còn nhỏ thì gặp mưa liên tục nên bị rụng hết”. Theo Hội Nông dân xã Cam Hải Tây, toàn xã có 930ha xoài; trong đó các chủ vườn chủ động cho xoài ra hoa trái vụ hàng trăm héc-ta. Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích xoài trái vụ ở xã Cam Hải Tây đều bị mất mùa.

Cùng với xã Cam Hải Tây, thị trấn Cam Đức cũng là địa phương có diện tích xoài trái vụ lớn nhất huyện. Những ngày này, đi dọc con đường từ Bãi Dài vào thị trấn Cam Đức vẫn thấy những vườn xoài trái vụ xanh tốt nhưng tuyệt nhiên không có lấy một quả.

Ông Đặng Văn Thành - một chủ vườn ở thị trấn Cam Đức, cho biết: “Sau vụ xoài chính “mất mùa, mất giá”, nhiều chủ vườn trông đợi cả vào vụ xoài trái vụ này nhưng cũng mất hết. Cả hai vụ xoài đều mất mùa khiến chủ vườn bị thua lỗ nặng. Nhiều chủ vườn còn chưa trả hết nợ tiền phân bón, thuốc... ở vụ chính, nay lại thêm khoản nợ từ vụ này”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Cam Lâm, đến nay, toàn huyện có 3.400ha xoài; trong đó các giống xoài mới được đưa vào trồng trong vài năm trở lại đây khoảng 1.100ha; diện tích còn lại là xoài canh nông của địa phương. Năm nay, có trên 500ha trong khoảng 1.100ha xoài giống mới được các chủ vườn chủ động cho ra hoa trái vụ; trong đó tập trung chủ yếu ở xã Cam Hải Tây và thị trấn Cam Đức.

Lãi lớn nhưng nhiều rủi ro

Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện Cam Lâm, giống xoài trái vụ cho hiệu quả kinh tế cao nhất là cát Hòa Lộc với thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/ha, cao gấp 2 - 3 lần so với vụ chính. Bên cạnh đó, nhiều chủ vườn cũng chủ động cho các giống xoài Úc và bồ trắng ra hoa trái vụ. Xoài trái vụ vẫn cho năng suất cao khoảng 10 tấn/ha nếu được chăm sóc tốt và gặp thời tiết thuận lợi.

Ông Nguyễn Ta - Phó Phụ trách Phòng NN-PTNT huyện Cam Lâm cho biết: “Vào dịp Tết Nguyên đán, các loại xoài trái vụ trên địa bàn như xoài Úc, cát Hòa Lộc... không có đủ để bán. Các thương lái thường mua xoài vận chuyển đi các tỉnh, thành khác để tiêu thụ trong dịp Tết, nhờ vậy, giá xoài trái vụ thường rất cao, bình quân hơn 30.000 đồng/kg”.

Xoài trái vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng gặp không ít rủi ro do phụ thuộc gần như hoàn toàn vào điều kiện thời tiết. Theo ông Ngô Văn Thành - Phòng NN-PTNT huyện, chỉ riêng tiền phân bón lá, chất ức chế sinh trưởng... mỗi héc-ta xoài trái vụ, chủ vườn đã tốn hàng chục triệu đồng.

Để xoài ra hoa trái vụ, các chủ vườn phải thực hiện nhiều công đoạn như: cho ra đọt non; xử lý chất ức chế sinh trưởng Paclobutrazon; tạo chồi hoa, kích thích ra hoa. Tuy nhiên, các công đoạn trên chỉ làm cho xoài ra hoa. Còn xoài trái vụ chỉ được mùa khi trời nắng, khô ráo; nếu gặp mưa nhiều thì quả sẽ bị rụng.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Cam Lâm: 5 năm trở lại đây, chưa năm nào người trồng xoài ở Cam Lâm lại thất vọng như mùa xoài năm 2013. Ở vụ chính, xoài vừa giảm năng suất vừa mất giá nên chủ vườn không có lãi. Thời điểm vụ chính, xoài canh nông chỉ có giá từ 3.000 - 4.000 đồng/kg; xoài bồ xanh, bồ trắng từ 5.000 - 6.000 đồng/kg; xoài Úc đầu vụ còn bán được 30.000 đồng/kg, đến cuối vụ chỉ còn từ 15.000 - 18.000 đồng/kg. Mất cả hai mùa xoài trong năm, nhiều chủ vườn ở Cam Lâm đang lao đao ngay những ngày trước Tết Nguyên đán.


Có thể bạn quan tâm

Cà Mau Nuôi Sò Huyết Trong Vuông Tôm Cà Mau Nuôi Sò Huyết Trong Vuông Tôm

Không riêng gì gia đình anh Trạng, rất nhiều bà con trong vùng có nguồn thu nhập cao nhờ nuôi sò. Có hộ nuôi thành công nhiều năm nay và được bà con địa phương đặt cho cái biệt danh thật thân thương gắn liền với con sò. Ông Tám "sò" (ông Nguyễn Văn Tám, một trong những người nuôi sò đầu tiên ở Cái Nước) đã xây được nhà cửa khang trang. Cũng nhờ nuôi sò, ông mua thêm được 5 công đất.

31/01/2015
Huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) Đẩy Mạnh Nuôi Trồng Thuỷ Sản Huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) Đẩy Mạnh Nuôi Trồng Thuỷ Sản

Huyện đã triển khai thực hiện hàng loạt các quy hoạch liên quan như: Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản huyện Đầm Hà đến năm 2020, định hướng 2030; quy hoạch chi tiết phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch chi tiết khu nuôi trồng thuỷ sản bãi triều xã Tân Bình; quy hoạch vùng nuôi thuỷ sản an toàn…

02/02/2015
Tái Cơ Cấu Sản Xuất Từ Những Cách Làm Hiệu Quả Tái Cơ Cấu Sản Xuất Từ Những Cách Làm Hiệu Quả

Tết năm nay trên quê hương Năm Căn (Cà Mau) sẽ có nhiều đổi mới. Dọc theo những con đường bê-tông về các xã, đi vào từng ấp, hai bên đường cây ăn trái được trồng xen canh. Đây là chủ trương của huyện vận động Nhân dân tận dụng đất trống vườn nhà trồng rau màu, cây ăn trái. Phía sau những vườn cây, rau màu là những đầm tôm, rừng đước mênh mông.

02/02/2015
Đà Nẵng Hy Vọng Những Chuyến Biển Cuối Năm Đà Nẵng Hy Vọng Những Chuyến Biển Cuối Năm

Âu thuyền Thọ Quang những ngày cuối năm nhộn nhịp hẳn lên. Trên các cầu cảng, ngư dân khẩn trương vá lưới, buộc chì, buộc phao. Dưới tàu, các máy trưởng kiểm tra lại máy móc, các thiết bị liên lạc, máy dò cá… chuẩn bị sẵn sàng trước giờ vươn khơi. Trên các cầu cảng, nhiều xe chở dầu, lương thực, thực phẩm, nước uống đậu kín chờ bốc xuống tàu.

02/02/2015
Nuôi Cá Chiên Lồng Bè Trên Hồ Chứa Nuôi Cá Chiên Lồng Bè Trên Hồ Chứa

Trong 2 năm 2013-2014, Trung tâm Giống thủy sản Nghệ An đã thực hiện thành công dự án “Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá chiên trong lồng bè trên thủy vực lớn” cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra một hướng mới cho việc bảo tồn, phát triển các loài thủy sản bản địa có giá trị, đồng thời khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng diện tích mặt nước của các hồ chứa.

02/02/2015