Xoài Cao Lãnh Không Đủ Hàng Xuất Ngoại

Vào “vương quốc” xoài xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, chúng tôi bất ngờ bởi đâu đâu cũng thấy những vườn xoài đang ra hoa, nối tiếp vườn xoài trái oằn cành. Ở đây, có hàng chục vựa xoài, vựa nào cũng ken đầy cần xé xoài chờ đưa lên xe tải đi tiêu thụ.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Cao Lãnh có trên 3.600ha trồng xoài, trong đó có trên 90ha đang được các nhà vườn sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGap và theo hướng an toàn với phần lớn là xoài cát Hòa Lộc và cát Chu chiếm trên 85%, sản lượng hàng năm cung cấp ra thị trường trên 35 ngàn tấn.
Năm 2011, Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương được thành lập, có 42 xã viên, trong đó 25 hộ với 20ha sản xuất xoài theo chuẩn VietGAP và GlobalGAP. HTX đã tạo được mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ ổn định. Sản phẩm của mỗi xã viên đều có mã số truy nguyên nguồn gốc.
Theo ông Huỳnh Thanh Bá - HTX Xoài Mỹ Xương, trồng xoài lãi xuất gấp 5 lần trồng lúa. Hiện nay giá xoài cát Hòa Lộc lên đến 80 - 85.000 đồng/kg, trung bình mỗi công thu hoạch khoảng 500kg, thu nhập 25- 30 triệu đồng, cá biệt 60 - 70 triệu đồng/công; xoài cát Chu loại 1 có giá 22 - 24.000 đồng/kg, trung bình đạt 1,5 tấn/công.
Ông Huỳnh Thanh Bá nói: “Trong năm 2014, trái xoài tươi của HTX được xuất khẩu sang Hàn Quốc, sắp tới là Nhật. Các công ty đặt thu mua của HTX khoảng 100 tấn/tháng, nhưng hiện nay HTX chưa đáp ứng được nhu cầu lượng hàng xuất khẩu.
Nói chung sản lượng xoài trong dân rất là nhiều, nhưng do hiện nay khâu bảo quản trái xoài của các nhà vườn chưa đạt yêu cầu xuất khẩu, thường bà con bao 2 trái cùng một bao nên xoài có vết cọ dính nhau, bao không kỹ nước vào, xoài bị bệnh thán thư, bị đen trái, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu”.
Ông Đỗ Văn Tới ở ấp Mỹ Hưng Hòa cho biết: “Khi tham gia sản xuất xoài theo mô hình VietGAP, GlobalGap nhà vườn được rất nhiều lợi thế như giá bán cao hơn ngoài thị trường từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, cách sử dụng thuốc, chăm sóc, kỹ thuật... có cán bộ chuyên môn ở huyện, tỉnh xuống chỉ dẫn. Với 3.000m2 xoài, tôi thu nhập mỗi năm khoảng 150 - 160 triệu đồng”.
HTX xoài Mỹ Xương đã sản xuất xoài theo hướng an toàn, áp dụng bao trái, tỉa cành, tạo tán và bón phân sinh học; đưa trái xoài tới một số thị trường trên thế giới như: New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc...
Ông Huỳnh Thanh Bá cho biết thêm, sắp tới HTX sẽ liên kết với các công ty, xí nghiệp để lo đầu ra của bà con nhà vườn ở huyện Cao Lãnh, đồng thời HTX kiến nghị bà con nên sản xuất xoài đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để có hiệu quả vượt trội so với sản xuất thông thường.
HTX cũng đang từng bước sắp xếp lại lịch thời vụ, đồng thời mở rộng vùng trồng xoài, vì với diện tích hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu của các đối tác. Được biết, để thương hiệu xoài Cao Lãnh vươn xa, tỉnh Đồng Tháp đang hỗ trợ huyện mở rộng diện tích sản xuất xoài đạt chuẩn GlobalGAP, đồng thời xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng xoài cát tỉnh Đồng Tháp.
Có thể bạn quan tâm

Đây là một trong những quy định tại Quy chế quản lý cá tra bố mẹ chọn giống do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ký quyết định ban hành.

Với tập quán chăn nuôi truyền thống, từ bao đời nay đa phần người dân vùng nông thôn vẫn làm chuồng nuôi lợn ở vị trí thấp. Cũng chính vì cách chăn nuôi truyền thống này mà mỗi khi có lũ lớn xảy ra, người chăn nuôi thường bị thiệt hại rất nhiều.

Bất cứ ai có dịp về thăm mô hình chăn nuôi lợn nái kết hợp trồng bưởi của gia đình chị Mầu Thị Yến - thôn Tam Hợp, xã Cát Quế (Hà Nội), đều không khỏi ngỡ ngàng trước hiệu quả trong phát triển. Đây là mô hình mẫu cho nhiều cá nhân trong và ngoài địa phương đến học tập.

Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Đức Minh ở thôn Hộ Diêm 1, xã Hộ Hải (huyện Ninh Hải) vượt qua những thất bại, vươn lên làm giàu nhờ nuôi ốc hương và chim bồ câu.

Do hạn hán kéo dài, không đủ nước sản xuất lúa nên vụ hè-thu năm nay, anh Lê Quang Thành, thôn Láng Me, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) đã chuyển đổi 9 sào ruộng lúa nước sang trồng dưa hồng xiêm.