Xen Canh Trên Đất Trồng Cao Su Ở Bằng Lang

Là một xã vùng thấp của huyện Quang Bình, Bằng Lang có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH, xã có tổng diện tích đất tự nhiên là 7.514 ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm 2/3. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa XXI, xã đã thực hiện chủ trương quy hoạch phát triển trồng cây cao su để tạo ra nhiều cơ hội về công ăn việc làm cho người lao động.
Sau khi diện tích đất rừng được quy hoạch, Đảng ủy xã đã chỉ đạo chính quyền phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân, các hộ có đất trong vùng quy hoạch góp đất trồng cây cao su và đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Kết quả trong năm 2012 các hộ góp và bàn giao đất cho Công ty Cổ phần cao su Hà Giang được 432,34 ha, Công ty đã tiến hành khai hoang và thực hiện trồng mới 25 ha; năm 2013 tiếp tục trồng 85 ha, năm 2014 trồng 47 ha. Hiện diện tích cây cao su đã trồng trên địa bàn xã là 157 ha.
Trong thời gian thiết kế trồng cây cao su, Đảng bộ, chính quyền xã còn băn khoăn, vì rừng đã phát, đất đã giao nên không có nguồn thu phụ cho nông dân. Với những suy nghĩ đó Đảng ủy xã đã họp bàn thống nhất và chỉ đạo thực hiện chủ trương trồng xen các loại cây nông nghiệp ngắn ngày trên đất cao su vào thời gian đầu cây cao su chưa kịp khép tán đối với độ dốc từ 15 độ trở xuống.
UBND xã phối hợp với các ngành, đoàn thể của xã tuyên truyền, vận động các hộ đăng ký thực hiện. Bước đầu, việc tuyên truyền, vận động rất khó khăn do trình độ nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, mặt khác nhân dân chưa quyen với canh tác trên đất dốc...
Nhưng với sự kiên trì thuyết phục, lấy cán bộ đảng viên gương mẫu thực hiện trước để làm mô hình; bước đầu có 8 hộ đăng ký trồng ngô với diện tích 3,5 ha, kết quả đã có thu hoạch, từ đó đã tạo cho nhân dân niềm tin và hưởng ứng phong trào này.
Năm 2013 – 2014, thực hiện chủ trương và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp – PTNT và UBND huyện Quang Bình về triển khai trồng cây nông, lâm nghiệp ngắn ngày trên đất quy hoạch chưa trồng cây cao su, xã đã tuyên truyền, vận động được 14 hộ nông dân tự giác đăng ký thực hiện, với tổng diện tích là 19,98 ha, trong đó trồng 13 ha cây keo và cây xoan, 6 ha trồng cây sắn.
Với những kết quả bước đầu, tuy số lượng không nhiều nhưng đã giúp nhân dân nâng cao được nhận thức, tận dụng diện tích, thời gian đầu trồng xen cây nông, lâm nghiệp ngắn ngày vào diện tích cao su để tạo công ăn việc làm, nâng nguồn thu nhập, ổn định đời sống cho nhân dân; với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo bền vững từ hiệu quả của mô hình...
Để tiếp tục mở rộng các loại hình, mô hình sản xuất hiệu quả trong thời gian tới, đồng chí Hoàng Hữu Nghị, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bằng Lang cho biết: Để thực hiện tốt vấn đề này, trước hết xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến mở rộng mô hình, thực hiện áp dụng trồng xen cây ngắn ngày như: Trồng chuối, cỏ chăn nuôi trên đất trồng cây cam, quýt; trồng ngô, đỗ, vừng trên đất trồng cây cao su và trồng cây lâm nghiệp vào thời gian năm đầu; tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.
Mặt khác, thường xuyên củng cố các tổ chức quần chúng, các HTX, các tổ dịch vụ, đội ngũ cán bộ khuyến nông thôn bản hoạt động đồng bộ; đặc biệt là quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, cập nhật thông tin cho đội ngũ cán bộ cơ sở làm công tác tuyên truyền...
Tuy nhiên Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình, các chương trình phát triển kinh tế, tư vấn và bao tiêu sản phẩm nông sản cho nông dân; mặt khác cần tạo điều kiện cho vay lãi suất thấp, giúp cho các hộ dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn vay để phát triển kinh tế gia đình ổn định cuộc sống.
Nguồn bài viết: http://baohagiang.vn/?lang=V&func=newsdetail&newsid=32760&CatID=150&MN=26
Có thể bạn quan tâm

Hệ thống tưới nhỏ giọt “3 trong 1” cho cây tiêu của ông Nguyễn Xuân Sang ở thị xã Phước Long (Bình Phước) tiết kiệm được 40% lượng phân bón, 80% nhân công, 30% nước và tăng từ 15 - 20% năng suất.
Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật miền Trung – Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay các địa phương trong vùng có trên 90.578 ha cà phê bị nhiễm sâu bệnh, cao gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2014.

Nông dân trồng mía tại ĐBSCL đang rất phấn khởi do thu hoạch mía bán được giá cao hơn từ 200 - 300 đồng/kg so với hồi đầu vụ ép mía 2015 - 2016 (thời điểm tháng 9-2015) và tăng hơn bình quân khoảng 400 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Ngày 4-11, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị công tác bảo vệ thực vật miền Trung - Tây Nguyên và chỉ đạo phòng chống bệnh hại hồ tiêu.

Một trong những đặc sản nổi tiếng của Đồng Nai là trà Phú Hội. Trà trồng trên vùng đất thuộc xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) dù nấu lá uống tươi hay uống trà đã sao, phơi khô cũng đều thơm ngon, đậm đà hơn hẳn trà ở nơi khác.