Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xây Nhà Lầu Nuôi Chim Yến

Xây Nhà Lầu Nuôi Chim Yến
Ngày đăng: 02/11/2013

Trong suy nghĩ của tôi, cứ tưởng rằng chim yến là loài hoang dã chỉ quen sống ở những vùng biển khơi, hải đảo… Không ngờ loài chim “quý tộc”- được xem như sứ giả của mùa xuân ấy lại có thể chọn vùng đất biên giới Tân Biên để làm chỗ “định cư”.

Theo quốc lộ 22 đi lên hướng cửa khẩu Xa - Mát, ngang qua ấp Tân Tiến, xã Tân Lập huyện Tân Biên (Tây Ninh) vào lúc sáng sớm hay chiều tối, người ta sẽ nghe những âm thanh rộn rã phát ra từ đàn chim yến đang bay lượn quanh một ngôi nhà cao tầng. Đó là ngôi “biệt thự dành cho chim yến” của anh Trần Văn Hạnh, 56 tuổi- một nông dân, thương nhân vốn là Việt kiều Campuchia. Anh xây nó lên cách nay đã hơn 2 năm.

Theo lời anh Hạnh, trong những lần qua lại Campuchia vì công việc kinh doanh, anh thấy ở huyện Krết (tỉnh Kongpong Cham) có rất nhiều chim yến tụ tập trên cây thốt nốt, anh loé lên ý tưởng: sao không tìm cách “dụ” chúng về quê mình? Anh tin rằng sẽ không quá khó khăn để thực hiện điều đó bởi khoảng cách từ huyện Krết bên kia biên giới đến xã Tân Lập bên này chỉ khoảng hơn 5km.

Nghĩ là làm, anh Hạnh quyết định mời chuyên gia về nuôi chim yến ở tỉnh Khánh Hoà vào khảo sát, tư vấn và hướng dẫn xây nhà nuôi chim yến.

Được sự tư vấn của chuyên gia và qua tìm hiểu thêm tài liệu trên mạng internet, anh Hạnh biết rằng chim yến là loài chỉ thích sống nơi “cao sang”, yên tĩnh. Vì thế năm 2011 anh mua một phần đất nằm khuất sau quốc lộ 22, đối diện nhà anh ở để xây một ngôi nhà lầu 5 tầng với tổng diện tích trên 1.000m2. Tổng số tiền anh đầu tư để xây dựng nhà, trang bị hệ thống giữ nhiệt độ và các thiết bị âm thanh kêu gọi chim yến là hơn 3 tỷ đồng. Ngôi “biệt thự” cao sang nhưng bên trong thì tối như mực, bởi nếu có ánh sáng thì chim yến không thèm ở và kế hoạch của anh sẽ bị “phá sản”!

Vừa kể chuyện, anh Hạnh vừa rọi đèn pin, dẫn đường cho chúng tôi lần bước trong những gian phòng của ngôi “biệt thự chim yến”, quan sát từng đôi chim đang ấp trứng trong tổ cặp theo trần nhà. Để biết nơi nào chim yến xây tổ nhiều có thể căn cứ vào lượng phân chim dưới nền nhà. Điều cần nhớ là tuyệt đối không được hốt dọn phân chim yến, mặc dù phân chim yến bán rất có giá (khoảng 20 USD/kg)- anh Hạnh “bật mí”. Anh vui vẻ cho biết chúng tôi là những người đầu tiên được “mục sở thị” ngôi nhà đặc biệt này, còn thường ngày- ngoại trừ chủ nuôi yến ra, không có người lạ nào được bước vào đây, vì khi “đánh hơi” có mùi lạ, chim yến sẽ bỏ đi.

Bỏ tiền tỷ ra xây nhà cho chim ở mà không biết chúng có chịu tìm về hay không, thời gian đầu vợ chồng anh Hạnh cũng hồi hộp lắm. “Chiều nào hai vợ chồng cũng ngồi trước cửa nhà mình ngóng sang nóc ngôi nhà lầu 5 tầng để đếm xem có bao nhiêu cặp chim yến bay về.

Mới đầu chỉ thấy có hai cặp quần lượn trên nóc nhà, mấy ngày sau số lượng chim tăng lên 5 - 6 cặp, rồi dần dần đông hơn. Bây giờ thì không đếm nổi nữa rồi”- chị Dung, vợ anh Hạnh phấn khởi khoe. Thời gian đầu, cứ 2 tháng chị Dung mở cửa “biệt thự chim yến” để thu hoạch tổ yến một lần, về sau này trung bình mỗi tháng thu hoạch một lần.

Theo tính toán của anh Hạnh, năm nay là năm thứ 3 kể từ khi xây xong “biệt thự chim yến”, mỗi tháng anh thu hoạch được gần 5kg tổ yến. Tổ yến thô có giá dao động từ 40 - 45 triệu đồng/kg, trong đó riêng tổ yến hồng hoặc yến huyết có giá từ 80 - 110 triệu đồng/kg. Hiện nay anh Hạnh mới chỉ bán tổ yến cho những người thân quen, hoặc những gia đình có nhu cầu.

Với kết quả thu được ngoài cả mong đợi, anh Hạnh cho biết sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những ai muốn đầu tư nuôi chim yến như mình. “Bí kíp” để “dụ” chim yến về là phải xây nhà cao tầng cho chúng ở (nhà càng nhiều tầng càng hiệu quả). Một khi yến đã về ở đông đúc, chúng có thể chấp nhận sống chung với người trong cùng nhà.

Điều đáng chú ý là chim yến khá chung thuỷ với nơi ở của mình, nên nếu có địa điểm tốt, chúng sẽ định cư mãi mãi. Vì thế chủ nuôi phải có sự đầu tư đến nơi đến chốn để “đất lành chim đậu”. Hiện nay đàn chim yến ở đây sinh sôi nảy nở rất nhiều, hằng ngày chúng đi kiếm ăn, cứ khoảng 17 - 18 giờ là rủ nhau trở về bay lượn trên nóc nhà, sau đó bay hết vào trong.

Ông Trần Đình Bộ- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập nhận định: việc nuôi chim yến của anh Hạnh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh. Theo ông, nghề này cũng góp phần bảo vệ và phát triển các loài động vật quý hiếm, đồng thời làm tăng thêm mặt hàng tiêu dùng và xuất khẩu có giá trị.

Tuy nhiên đây là một mô hình còn rất mới mẻ, địa phương vẫn còn đang theo dõi, chưa thể khuyến khích mọi người thực hiện. Một trong các lý do là nghề này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn.

Anh Hạnh cho chúng tôi hay, trong vài ngày tới anh sẽ sang tỉnh Kongpong Cham tìm vị trí đất đai thích hợp để xây thêm nhà nuôi chim yến tương tự ở Tân Lập.


Có thể bạn quan tâm

Dự Án Lúa Chất Lượng Cao Nỗi Lo Thiếu Vốn Dự Án Lúa Chất Lượng Cao Nỗi Lo Thiếu Vốn

Với hơn 74 nghìn hecta diện tích gieo sạ hằng năm nhưng hiện giờ, ngành nông nghiệp tỉnh vẫn chưa có được bản quyền của một loại giống lúa siêu nguyên chủng nào; trong khi Dự án hỗ trợ phát triển giống lúa thuần mới chất lượng cao (gọi tắt là Dự án) thì triển khai cầm chừng vì “khát” vốn!

12/09/2014
Vụ Lúa Hè Thu 2014 Những Điều Đọng Lại Vụ Lúa Hè Thu 2014 Những Điều Đọng Lại

Vụ hè thu này, nhiều hộ nông dân “bể bồ” lúa, khi ở Mộ Đức năng suất bình quân ước 64 tạ/ha, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành 63 tạ/ha…Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui chung thì nông dân một số địa phương cũng có những nỗi buồn riêng. Ấy là nhiều diện tích ruộng bị bỏ hoang vì thiếu nước hoặc sa bồi thủy phá do cơn lũ hồi giữa tháng 11.2013, nông dân “xé” quy trình kỹ thuật khiến kết quả sản xuất ở một số cánh đồng mẫu lớn (CĐML) không như mong đợi…

12/09/2014
Tăng Cường Quản Lý Xuất Khẩu Gạo Tăng Cường Quản Lý Xuất Khẩu Gạo

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa theo dõi sát tình hình sản xuất, sản lượng...

12/09/2014
Malaysia Mua 200.000 Tấn Gạo Của Thái Qua Thỏa Thuận Tư Nhân Malaysia Mua 200.000 Tấn Gạo Của Thái Qua Thỏa Thuận Tư Nhân

Nguồn tin từ các nhà xuất khẩu cũng cho biết BERNAS đang đàm phán để mua thêm 200.000 tấn gạo từ kho dự trữ thóc gạo của Chính phủ Thái Lan thông qua thỏa thuận liên chính phủ.

12/09/2014
Phát Triển Bò Lai Bán Thâm Canh Ở Hải Lăng Phát Triển Bò Lai Bán Thâm Canh Ở Hải Lăng

Là vùng thuần nông, đời sống của người dân huyện Hải Lăng (Quảng Trị) chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên nhìn chung thu nhập của người dân còn thấp. Để tìm hướng phát triển mới cho nông nghiệp, đặc biệt là trong chăn nuôi, thời gian qua huyện đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ để phát triển mạnh đàn bò lai trên địa bàn nhằm nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

12/09/2014