Xây dựng nông thôn mới Phụng Hiệp

Đó là những thành tựu quan trọng mà huyện Phụng Hiệp đã đạt được sau 5 năm (2011-2015) xây dựng nông thôn mới (NTM).
Phụng Hiệp đang triển khai nhiều mô hình nhằm phát triển 2 cây trồng chủ lực của địa phương là mía và lúa.
Chú trọng công tác tuyên truyền
Là một trong những địa phương có diện tích lớn nhất của tỉnh (toàn huyện có 12 xã), do đó, khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, Phụng Hiệp gặp không ít khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất và đời sống của người dân.
Chính vì vậy, để chương trình thực sự đi vào cuộc sống cũng như tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, công tác tuyên truyền vận động, công khai, dân chủ luôn được các cấp ủy, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm, từ đó phát huy được sức mạnh, nguồn lực trong nhân dân.
Trong 5 năm qua, huyện đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép với các phong trào của địa phương được trên 4.000 cuộc xoay quanh việc phát huy vai trò của các đoàn thể và người dân trong xây dựng NTM.
Ông Trần Không Dận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Chúng tôi xác định rằng, công việc gì cũng vậy, nếu được khai thông từ ban đầu về mục đích, ý nghĩa của nó thì dù có khó khăn cũng hoàn thành.
Do đó, công tác tuyên truyền cả về chiều sâu, chiều rộng được xem là nhiệm vụ đầu tiên trong xây dựng NTM của Phụng Hiệp nhằm tạo niềm tin để phát huy được vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, nhất là trong việc huy động nguồn lực từ dân”.
Với việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên thời gian qua, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Phụng Hiệp và các xã luôn nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân trong việc hiến đất, hoa màu, đóng góp tiền của, công sức để xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng nông thôn.
Điển hình, trong tổng số nguồn vốn đầu tư cho NTM trong 5 năm qua trên địa bàn huyện khoảng 1.684,3 tỉ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp trên 347 tỉ đồng.
Từ sự đóng góp và sự đồng thuận của người dân, hiện nay, diện mạo nông thôn của Phụng Hiệp có nhiều đổi thay khi nhiều công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn được đầu tư ngày một khang trang.
Cụ thể, trong 5 năm qua, Phụng Hiệp đã nâng cấp, sửa chữa và làm mới gần 193km đường liên xã và đường trục xóm, ấp; thực hiện kiên cố hóa 202 phòng, nâng cấp, sửa chữa 91 phòng trên 36 trường học; sửa chữa 12 công trình trạm y tế xã; sửa chữa, xây dựng mới 3.050 căn nhà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn;...
Đến nay, có 100% xã đạt tiêu chí về giáo dục, hơn 90% đạt tiêu chí điện, 50% đạt tiêu chí về y tế, 5/12 xã đạt tiêu chí về trường học, 2/12 xã đạt tiêu chí về giao thông,...
Quan tâm nâng cao thu nhập
Là huyện thuần nông, trong đó, cây lúa và mía được xem là 2 cây trồng chủ lực của địa phương.
Thời gian qua, Phụng Hiệp đã tập trung triển khai nhiều mô hình, dự án nhằm từng bước phát triển 2 loại cây trồng này như: mô hình nhân giống lúa chất lượng, giống mía mới, trồng thâm canh mía; mô hình liên kết 4 nhà theo hướng cánh đồng lớn; thực hiện đề án cơ giới hóa nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận.
Đặc biệt, thực hiện Đề án 1.000 của ngành nông nghiệp tỉnh, Phụng Hiệp đã vận động người dân đẩy mạnh việc cải tạo vườn tạp sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao, mà điển hình là cây cam xoàn đã và đang cho người dân xã NTM Phương Phú nguồn thu nhập rất ổn định.
Ông Võ Văn Đê, Giám đốc Hợp tác xã cam xoàn, xã NTM Phương Phú, cho hay: “Hiện thu nhập từ cam xoàn đạt gần 1 tỉ đồng/ha/năm.
Với nguồn thu nhập hấp dẫn này, chỉ qua vài vụ bán trúng giá, nhiều hộ dân nơi đây đã trở nên khá giàu và đây được xem là cây xóa nghèo hiệu quả của người dân địa phương”.
Song song với việc phát triển vườn cây ăn trái, nhiều mô hình chuyển đổi khác cũng đang được người dân trên địa bàn huyện áp dụng như: mô hình “2 lúa 1 bắp”, “2 lúa 1 thủy sản”,…
Với sự đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng đa canh, đa con; ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi, sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và nguồn thu nhập đáng kể cho người dân Phụng Hiệp.
Hiện thu nhập bình quân đầu người của huyện ước đạt trên 21,8 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo dưới 13%.
Từ những kết quả đạt được trong xây dựng NTM trong 5 năm qua, hiện tại, Phụng Hiệp có 2/12 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đó là: xã Thạnh Hòa (xã điểm của tỉnh) và xã Phương Phú (xã điểm của huyện), đạt 100% kế hoạch đề ra; các xã còn lại đạt từ 5 tiêu chí trở lên.
Phấn đấu trong năm 2016 có thêm xã NTM Phương Bình.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2014, từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đã triển khai xây dựng mô hình “Sản xuất và thâm canh tổng hợp cho cây mía phục vụ chế biến đường công nghiệp” tại xã Xuân Châu (Thọ Xuân) với quy mô 5 ha, 5 hộ tham gia bằng giống mía Quế Đường 94-119.

Chỉ dẫn địa lý (geographical Indication- GI) trên sản phẩm sẽ chỉ rõ một sản phẩm có nguồn gốc ở một vùng hoặc một địa danh cụ thể và gắn liền với những phương thức sản xuất truyền thống có danh tiếng.

Trước đó, Bộ NN-PTNT cũng cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cho các loại bắp BĐG NK603 và MON 89034 của Công ty Dekalb VN; GA21 và MIR162 của Công ty Syngenta VN. Như vậy các quy trình cấp phép đã gần như hoàn tất và những giống bắp biến đổi gien có thể đưa vào sản xuất đại trà từ năm 2015.

Nhận biết được điều này, ngay từ đầu mùa mưa năm nay, bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang đổ xô về khu vực TP Buôn Ma Thuột (khu vực đóng chân của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm Tây Nguyên) để tìm mua cây giống.

Theo một số doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý, trong khó khăn, rủi ro khi làm ăn với Trung Quốc cũng có nhiều cơ hội để nâng tầm nông sản và cả phương thức mua bán của phía Việt Nam.