Xây Dựng Nông Thôn Mới Ở Thị Xã Công Nghiệp

Sau 2 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), 4/4 xã của T.X Sông Công đều đã hoàn thành công tác quy hoạch. Xã Vinh Sơn đã đạt được 11/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM; xã Bá Xuyên đạt 9/19 tiêu chí; Bình Sơn đạt 8/19 tiêu chí và Tân Quang đạt 6/19 tiêu chí.
2 năm qua, T.X Sông Công đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động phong trào thi đua để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, thị xã về xây dựng NTM. Thị xã đã ban hành 33 văn bản chỉ đạo, phê duyệt các chương trình xây dựng NTM của 4 xã; tổ chức 66 hội nghị quán triệt, phổ biến, tập huấn với gần 4 nghìn lượt người tham dự; tổ chức 5 đợt thăm quan học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn. Bên cạnh đó, thị xã cũng tổ chức phát động Phong trào thi đua “Sông Công chung sức xây dựng nông thôn mới” tới đông đảo tầng lớp nhân dân trên địa bàn giúp người dân nhận thức rõ hơn về vai trò chủ thể của mỗi cá nhân, từ đó có kêu gọi nhân dân tham gia bằng những hành động cụ thể, thiết thực…
Xác định công tác xây dựng cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng NTM, thị xã đã huy động các nguồn vốn (của tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia, của thị xã và xã, huy động từ nhân dân) được gần 60 tỷ đồng để đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế, đường bê tông ở 4 xã. Bên cạnh đó, thị xã cũng vận động nhân dân của 4 xã hiến 4,6 ha đất trị giá hàng chục tỷ đồng.
Vì vậy, trong 3 năm đã làm mới được 77 công trình đường giao thông, hoàn thành trên 33 km đường bê tông nông thôn; sửa chữa và làm mới 8 công trình thủy lợi; 9 công trình trường học; 8 công trình điện và 8 công trình văn hóa, y tế cho 4 xã. Ngoài ra, thị xã cũng dành 700 triệu đồng/năm hỗ trợ thực hiện các mô hình sản xuất, trợ giá giống lúa lai, ngô lai, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, chính sách hỗ trợ người dân vay vốn mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Từ đó, nhiều mô hình sản xuất mới được xây dựng, đem lại thu nhập cao cho người dân như: Mô hình trồng bí xanh tại xã Bá Xuyên cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha; mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại tại xã Bình Sơn; mô hình trồng khoai tây giống Simora vụ đông cho thu nhập 70 triệu đồng/ha... Qua đó, mức sống của dân cư khu vực nông thôn trên địa bàn ngày càng được cải thiện và đạt trên 13,4 triệu đồng/năm (năm 2012) tăng 2,5 triệu đồng so với năm 2011. Trong đó xã Bá Xuyên và xã Vinh Sơn có mức thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người/năm (vượt so với tiêu chí 2 triệu đồng); xã Tân Quang đạt 12,6 triệu đồng/người/năm, xã Bình Sơn đạt 11,1 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới trong khu vực nông thôn thị xã chỉ còn 6,85%. Đến nay, đã có 3/4 xã hoàn thành tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất, các xã trên địa bàn thị xã cũng hết sức chú trọng phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và môi trường; củng cố hệ thống tổ chức, bộ máy chính trị, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội. Chất lượng giáo dục, công tác y tế - khám chữa bệnh, đời sống văn hóa - tinh thần, chất lượng môi trường sống của người dân được duy trì, củng cố và từng bước nâng cao.
Chúng tôi về xã Vinh Sơn để tìm hiểu thêm về việc thực hiện xây dựng NTM - đây là 1 trong 2 xã của thị xã được chọn làm điểm của tỉnh về xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015. Khi ấy, Vinh Sơn đang vào thời điểm thu hoạch lúa, chúng tôi thấy trên các cánh đồng, bên cạnh hình ảnh những người nông dân khom lưng gặt lúa quen thuộc, còn có chiếc máy gặt đập liên hợp ì ầm tiến lui trên đồng ruộng. Chúng tôi cũng nhận thấy bộ mặt nông thôn Vinh Sơn đang từng bước thay đổi. Trụ sở UBND xã được xây dựng lại khang trang, bề thế; trường học, trạm y tế đều đã đạt chuẩn; nhiều tuyến đường được mở rộng và đổ bê tông trải dài đến từng ngõ xóm.
Ông Đào Văn Thép, Chủ tịch UBND xã Vinh Sơn cho biết: Trong 2 năm qua, xã đã được đầu tư gần 11,5 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng và đã vận động người dân hiến gần 13 nghìn m2 đất trong đó có gần 2,6 nghìn m2 đất có hoa màu để làm đường bê tông nông thôn. Với nhiều biện pháp, xã Vinh Sơn đã nâng tổng số 4 tiêu chí đạt được năm 2010 lên 11/19 tiêu chí vào cuối tháng 4-2013. Bằng cách thâm canh, tăng vụ, đưa cây, con giống có năng suất cao vào sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất và chất lượng cây trồng, giá trị sản xuất nông nghiệp của xã tăng lên. Từ đó, thu nhập bình quân của người dân được nâng lên.
Giảm nghèo theo đúng tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 100% hộ dân trong xã đã được sử dụng điện lưới; giao thông được nâng cấp và xã có 2 trường đạt chuẩn Quốc gia. Cơ sở vật chất trường học được tăng cường, chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ học sinh đến lớp đạt 100%, dân số tham gia các hình thức bảo hiểm cao, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm…
Đồng chí Đặng Mộng Điệp, Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết, thị xã phấn đấu xây dựng hai xã điểm của tỉnh là Vinh Sơn, Bá Xuyên đạt tiêu chuẩn NTM vào năm 2015; hai xã còn lại là Bình Sơn và Tân Quang đạt tiêu chuẩn NTM trong giai đoạn từ 2015 đến 2020. Để thực hiện được mục tiêu đó, chúng tôi xác định một số giải pháp sau: Tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vì đây là yếu tố hết sức quan trọng và quyết định cho thành công của NTM; tiếp tục huy động các nguồn lực của cả nhà nước, xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia của các ngành đóng trên địa bàn thị xã và huy động nguồn lực trong nhân dân; chúng tôi đã chỉ đạo tới các xã triển khai đồng bộ thực hiện các tiêu chí còn lại nhưng với phương châm tiêu chí nào thuận lợi và dễ thì làm trước, tiêu chí nào khó thì triển khai thật cụ thể; chỉ đạo để tăng cường triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Có thể bạn quan tâm

5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trên các làng quê tỉnh Quảng Nam. Từ chỗ cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đến nay nhiều xã đã được đầu tư khá đồng bộ, mức sống của người dân nâng lên rõ rệt.

Ngày 10.11, Quốc hội đã dành gần 1 ngày để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh (NLTQD), giai đoạn 2004-2014.

Tại Hội chợ triển lãm Nông nghiệp quốc tế lần thứ 15 - Agroviet 2015 khai mạc tại Hà Nội hôm 7.11, gian hàng của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã thu hút được sự chú ý của nhiều bà con nông dân tham gia góp ý kiến.

Năm 2015, một số hộ nông dân ở thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, sau khi thanh lý vườn cao su già cỗi để chuyển sang loại cây trồng khác đã tận dụng trồng dưa leo. Hiệu quả từ loại cây ngắn ngày này đã mang lại nguồn thu không nhỏ nhờ năng suất cao, dễ tiêu thụ.

“Chăn nuôi bò công nghiệp cần 8-10 năm để chuẩn bị”. Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại tọa đàm về phát triển ngành chăn nuôi bò ở Việt Nam do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Hiệp hội Thịt và Gia súc Australia (MLA) tổ chức ngày 9.11 tại Hà Nội.