Xây Dựng Nông Thôn Mới Ở Tân Hợp

Nằm trên trục Hành lang Kinh tế Đông- Tây, là một trong những xã thuộc Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện, có một di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia... với những thuận lợi đó, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đang trên đà phát triển về mọi mặt, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, diện mạo của xã ngày một khang trang.
Tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Hợp đang nỗ lực phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới với quyết tâm sẽ là xã đầu tiên của huyện “cán đích” trong năm 2015.
Những ngày đất trời vào xuân, đi trên những con đường bê tông phẳng lỳ rộng thênh thang trải dài tới từng thôn xóm của xã Tân Hợp, chúng tôi cảm nhận rất rõ sự thay đổi của xã miền núi này. Những ngôi nhà khang trang, kiên cố mọc lên san sát, những vườn cà phê, hồ tiêu xanh mướt là tín hiệu về một cuộc sống no ấm đã hiện diện nơi mảnh đất này.
Bà Nguyễn Thị Thái, cựu chiến binh kháng chiến chống Mỹ ở thôn Tân Xuyên phấn khởi cho biết: “Trước đây, cuộc sống của người dân Tân Xuyên gặp rất nhiều khó khăn.
Đường làng, ngõ xóm chật hẹp, lầy lội. Từ ngày các tuyến đường nội thôn, liên thôn được bê tông hóa và mở rộng, việc đi lại đỡ vất vả, nhiều dịch vụ nhờ đó cũng phát triển theo để phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt, đời sống của người dân ngày khấm khá hơn trước nhiều. Rồi trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cũng được nhà nước quan tâm đầu tư xây mới khang trang, phục vụ tốt nhu cầu của người dân”.
Để có được thành quả đó, bên cạnh sự nỗ lực không mệt mỏi của người dân thì sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cũng góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo xã Tân Hợp như ngày hôm nay.
Đồng chí Võ Viết Sinh, Chủ tịch UBND xã Tân Hợp cho biết, xã có 5 thôn, bản, trong đó bản Tà Đủ có 100% đồng bào Vân Kiều cư ngụ từ bao đời nay, 4 thôn còn lại phần lớn là người Kinh lên định cư sau ngày thống nhất đất nước, gồm: Tân Xuyên, Quyết Tâm, Lương Lễ và Hòa Thành.
Với thế mạnh có vị trí gần trung tâm thị trấn, người dân lại nhạy bén với thương trường nên tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ phát triển, chiếm 60% trong cơ cấu kinh tế của xã và đang tiếp tục tăng trưởng đã đóng góp không nhỏ vào việc cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân.
Chính quyền xã luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để các cơ sở kinh doanh phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, hướng tới tạo điều kiện giúp người dân vươn lên làm giàu chính đáng.
Hiện toàn xã có 193 cơ sở sản xuất, kinh doanh vừa và nhỏ đang hoạt động hiệu quả, lĩnh vực vận chuyển hành khách và hàng hóa phát triển mạnh mẽ với hơn 30 đầu xe khách và xe tải hoạt động hầu như trên tất cả các tuyến đường nội tỉnh và liên tỉnh, gần 200 tiểu thương đang tham gia buôn bán tại chợ Khe Sanh...
Bên cạnh đó, với tỷ trọng chiếm 40%, ngành nông nghiệp cũng đóng góp không nhỏ vào việc phát triển kinh tế của xã trong những năm qua. Toàn xã có hơn 350 ha cà phê đang thời kỳ khai thác với sản lượng năm 2014 ước tính gần 2.000 tấn quả tươi, chăn nuôi tiếp tục phát triển với tổng số đàn trâu, bò, dê… hơn 2.000 con, gần 10.000 con gia cầm các loại, sản lượng xuất chuồng ước tính gần 200 tấn thịt mỗi năm.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện xã đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc Trung học cơ sở giai đoạn 2011 – 2015 và đạt chuẩn quốc gia Y tế cấp độ 2 giai đoạn 2015 – 2020, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Đồng chí Võ Viết Sinh cho biết thêm: “Đến thời điểm này toàn xã chỉ còn 45 hộ nghèo, chiếm 3,79% và 34 hộ cận nghèo, chiếm 2,68%. Năm 2015 xã phấn đấu sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 3% và hộ cận nghèo dưới 2%”.
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua xã Tân Hợp tập trung mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” xã đã huy động được 270 triệu đồng từ các nguồn khác nhau để đầu tư xây dựng các tuyến đường nội thôn.
Bên cạnh đó người dân đã hiến gần 2.000 m2 đất để mở đường và xây dựng trường học. Đến nay, tỷ lệ cứng hóa đường giao thông của xã đạt 85%. Hệ thống giao thông nông thôn đã giúp kết nối điểm du lịch sân bay Tà Cơn với đường Hồ Chí Minh, phục vụ giao thông đi lại thuận tiện, dễ dàng cho người dân và khách du lịch. Hiện nay chỉ còn đường trục giao thông nội thôn Quyết Tâm đang đợi bố trí nguồn vốn và dự kiến triển khai trong năm 2015 sẽ hoàn thiện nốt hệ thống giao thông của xã, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã trong thời gian tới.
Đồng chí Trần Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hợp cho biết: Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã đạt các tiêu chí về môi trường, hộ nghèo, thu nhập, y tế, giáo dục… Đến nay Tân Hợp là xã duy nhất của huyện Hướng Hóa đạt 16/19 tiêu chí.
Đối với 3 tiêu chí còn lại gồm hệ thống giao thông, cơ sở vật chất văn hóa và trường học xã phấn đấu sẽ hoàn thành trong năm 2015 để Tân Hợp trở thành xã đạt nông thôn mới đầu tiên của huyện Hướng Hóa. Để mục tiêu sớm trở thành hiện thực, cấp ủy và chính quyền xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của việc xây dựng nông thôn mới đến từng hộ dân để mọi người chung sức, chung lòng xây dựng.
Sắp tới xã sẽ đánh giá lại hiện trạng các tiêu chí chưa đạt để từ đó đề ra những giải pháp cụ thể nhằm huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Bên cạnh đó, xã tiếp tục tập trung đầu tư phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập của người dân, trong đó duy trì tỷ trọng các ngành kinh tế, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/ năm. Phối hợp với ngành chức năng của huyện, tỉnh triển khai dự án trồng cây mắc ca tại bản Tà Đủ…
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, Tân Hợp sẽ tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh kinh tế của xã gắn với xây dựng nông thôn mới. Về thương mại - dịch vụ, tiếp tục khuyến khích mở rộng quy mô, ngành nghề của các cơ sở kinh doanh. Đối với nông nghiệp, hiện nay ngoài cây cà phê đang là cây trồng chủ lực của xã thì trong năm 2015 xã sẽ tiến hành triển khai dự án trồng cây mắc ca, loại cây có giá trị kinh tế cao, hứa hẹn đánh thức tiềm năng của vùng đất tả ngạn sông Rào Quán lâu nay chưa được khai thác.
Có thể bạn quan tâm

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 7 tháng đầu năm 2014, Việt Nam chi hơn 1,45 triệu USD cho nhập khẩu 1.656 con lợn giống, tăng 1,7 lần về giá trị và 1,9 lần về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong 7 tháng, Việt Nam đã nhập khẩu 944.965 con giống gia cầm với tổng trị giá hơn 3,67 triệu USD.

Đặc biệt, tại huyện Đơn Dương - nơi chăn nuôi bò sữa tập trung của tỉnh Lâm Đồng, cá biệt có hộ chăn nuôi bò sữa đạt năng suất bình quân 22 lít/con/ngày (trên 6 tấn/chu kỳ/con như mức bình quân của tỉnh). Với mức thu mua 14.000 đồng/lít sữa như hiện nay, tại Lâm Đồng, bình quân mỗi chu kỳ một con bò sữa cho nông dân thu nhập khoảng 85 triệu đồng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động thủy sản.

Mưa lớn trên diện rộng kết hợp với nước lũ từ thượng nguồn đổ về trong những ngày qua không chỉ khiến tỷ lệ hao hụt trong thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng cao, mà còn làm chi phí sản xuất bị đội lên khá nhiều.

Hiện nay, Hưng Nguyên có tổng đàn bò trên 16.320 con, trong đó có 58,9% con bò lai sind được chăn nuôi trên địa bàn 23 xã, thị trấn. Bò lai sind sau nhiều năm triển khai và mở rộng địa bàn chăn nuôi đã và đang đưa lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân.