Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xây dựng nông thôn mới ở Tam An chung sức, chung lòng

Xây dựng nông thôn mới ở Tam An chung sức, chung lòng
Ngày đăng: 14/09/2015

Cánh đồng chuyên canh rau sạch của người dân xã Tam An mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ những chiều thứ Bảy

Nhiều năm nay, cánh cửa hội trường UBND xã Tam An vẫn luôn rộng mở ngay cả trong những chiều thứ Bảy. Đó là nơi cán bộ, chính quyền xã gặp gỡ, tiếp nhận và xử lý những thông tin từ phản hồi của người dân, nhất là trong ngày đầu triển khai xây dựng NTM.

Ông Bùi Kim Anh (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tam An trong suốt hai nhiệm kỳ trước) vẫn đều đặn đến cơ quan chờ đợi người dân vào những ngày thứ Bảy như thế.

Bởi theo ông, đây là kênh thông tin hữu hiệu nhất nối kết chính quyền với cơ sở, để từ đó kịp thời điều chỉnh, khắc phục thiếu sót trong quá trình thực thi chủ trương, chính sách. “Xuất phát từ sự gợi ý của một cán bộ lão thành, chúng tôi đã luôn tận dụng ngày thứ Bảy để được gặp, được nghe, được thấu hiểu những băn khoăn lẫn góp ý của người dân đối với chính quyền.

Chỗ nào sai, chưa phù hợp, hoặc người dân không hiểu, không nắm vấn đề gì cũng đều dựa vào đó để nhanh chóng xử lý” - ông Anh chia sẻ.

“Gắn bó với quê hương, với công cuộc triển khai xây dựng NTM trong suốt thời gian vừa qua, tôi cho rằng bên cạnh chủ trương đúng đắn của Đảng, của Nhà nước, thành công mà Tam An có được là nhờ gần dân, sát dân, kịp thời lắng nghe và giải quyết những nguyện vọng của dân.

Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã tổ chức triển khai, sơ kết từng giai đoạn để công khai, minh bạch việc thực hiện, kịp thời nhìn nhận và khắc phục thiếu sót. Những bài học dù là nhỏ nhất đã tạo nên sự đồng thuận để từ đó chủ trương, chính sách được áp dụng vào thực tiễn và thành công”. (Ông Bùi Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Tam An)

Từ những điều nhỏ nhặt nhất sau lũy tre làng đến các chủ trương lớn như xây dựng cánh đồng mẫu, vùng chuyên canh rau sạch, huy động đóng góp xây cầu, làm đường, mọi ý kiến đều được chính quyền xã lắng nghe, tổng hợp.

Ông Anh vẫn còn nhớ, khi có chủ trương mở rộng đường giao thông nông thôn, nhiều gia đình buộc phải chặt bỏ lũy tre già để nhường đất làm đường. Không phải gia đình nào cũng đồng ý, với lý do lũy tre là dấu tích của bao đời, là hình ảnh của xóm làng, gắn với truyền thống “giữ làng, giữ đất”.

Họ đem băn khoăn đó chia sẻ với Bí thư Đảng ủy xã. Vậy là ông xuống thôn, cùng họ đi theo con đường cũ ra cánh đồng, chỉ cho họ thấy lợi ích của việc mở đường, từ phục vụ sản xuất, đưa máy móc ra đồng, phục vụ sự đi lại, sinh hoạt. Ông họp dân, cùng họ bàn cách “quy hoạch” con đường sao cho vừa cố gắng giữ gìn tài sản của dân, vừa đáp ứng được yêu cầu mở rộng đường.

Dần dà, tự người này tìm cách vận động, thuyết phục người kia, thôn này làm trước cho thôn kia làm theo. “Sự đồng thuận đi từ những điều nhỏ nhất như thế.

Nếu dân chưa đồng tình, một là do cách làm chưa phù hợp, hai là do anh cán bộ chưa thực sự gắn bó, chia sẻ với dân. Xuất phát từ nguyện vọng của dân, lắng nghe dân, thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót thì dân chắc chắn ủng hộ chính quyền” - ông Anh nói.

Cánh đồng của lòng dân

Tam An là một xã nông nghiệp với lợi thế về nguồn lao động, diện tích canh tác và truyền thống sản xuất lâu đời. Thời gian qua, địa phương tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tìm hướng thay đổi, cải thiện chất lượng và năng suất dựa trên những tiềm năng của mình.

Dấu ấn của quá trình ấy là sự ra đời của 2 cánh đồng mẫu gần 100ha lúa, cánh đồng mẫu trồng hoa màu hơn 2ha và chuyển đổi 30ha đất canh tác 2 vụ lúa sang canh tác 1 vụ lúa - 2 vụ màu.

Ông Bùi Văn Minh - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Tam An 1 tâm sự, mô hình sản xuất từ những ngày bao cấp đến sau đổi mới là một quá trình dài. Nhưng chỉ trong vài năm bắt đầu triển khai NTM, quy trình sản xuất và hiệu quả canh tác đã thực sự “lột xác” so với cách làm truyền thống trước đây. “Ví như trước đây gặt một sào ruộng theo lối thủ công, dân phải tốn ít nhất 3 công nữ, 2 công nam, cộng thêm tiền vận chuyển, công tuốt lúa, chi phí vào khoảng 600 - 700 nghìn đồng, thì nay thuê gặt đập liên hợp rồi vận chuyển về đến nhà chỉ chưa đến 200 nghìn đồng. Đó là chưa kể, một đêm máy gặt đập liên hợp có thể gặt 2,2ha lúa, nếu gặt chạy lũ, tránh dịch bệnh sẽ đỡ vất vả hơn” - ông Minh nói.

Những năm gần đây, cánh đồng rau diếp cá chuyên canh đang là sinh kế hiệu quả của nhiều người dân thôn An Thiện (xã Tam An). Thay thế cho lối canh tác manh mún, nhỏ lẻ trước kia, chủ trương dồn điền đổi thửa, xây dựng vùng chuyên canh dần nâng cao hiệu quả canh tác.

“Từ bỏ mảnh đất mình gắn bó, chăm chút suốt nhiều năm để đổi lấy một mảnh đất khác là một thử thách đối với bất cứ người nông dân nào. Tuy nhiên, từ những buổi gặp gỡ chính quyền, được xem trình chiếu quy hoạch, chính quyền xã giải thích, vận động và làm mẫu, dần dà người dân chúng tôi tự nguyện tham gia và đồng lòng hưởng ứng, vì thấy được lợi ích của chủ trương này” - ông Huỳnh Tấn Ban, người dân thôn An Thiện chia sẻ.

Những cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng chuyên canh từ đó ra đời bằng sức dân, bằng sự đồng thuận đã và đang từng bước thay đổi diện mạo vùng quê, cải thiện đời sống của từng nhà, từng hộ.


Có thể bạn quan tâm

Cây Bưởi Diễn Trên Đất Việt Đoàn (Bắc Ninh) Cây Bưởi Diễn Trên Đất Việt Đoàn (Bắc Ninh)

Tuy mới chỉ được người dân xã Việt Đoàn (huyện Tiên Du - Bắc Ninh) đưa vào trồng khoảng 7 đến 8 năm nay nhưng cây bưởi Diễn đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây.

23/01/2013
Tự Nhiên Nông Dân Mất Mùa Chuối Tết Ở Hà Nội Tự Nhiên Nông Dân Mất Mùa Chuối Tết Ở Hà Nội

Khác với tâm trạng mong chờ, háo hức tới phiên chợ Tết như mọi năm, thời điểm này, nhiều người trồng chuối xanh ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín (Hà Nội) tỏ ra buồn bã vì chuối mất mùa. Nguyên nhân là do cơn bão số 8 (10/2012) đã làm gãy, đổ phần lớn diện tích chuối trên địa bàn xã.

24/01/2013
750 Nông Hộ Tham Gia Trồng 50 Ha Tỏi An Toàn Ở Ninh Thuận 750 Nông Hộ Tham Gia Trồng 50 Ha Tỏi An Toàn Ở Ninh Thuận

Dự án cạnh tranh nông nghiệp và Trung tâm Tư vấn - phát triển công nghệ Nha Hố đã đầu tư 1,7 tỉ đồng cho 750 nông hộ xã Thanh Hải, Nhơn Hải (huyện Ninh Hải - Ninh Thuận) và phường Văn Hải (T.p Phan Rang Tháp Chàm) nhằm mở rộng 50 ha diện tích trồng tỏi an toàn trong vụ đông xuân 2012 – 2013.

25/01/2013
Thắc Thỏm Giữa Mùa Hành Tết Ở Vĩnh Châu Thắc Thỏm Giữa Mùa Hành Tết Ở Vĩnh Châu

Giá củ hành tím ở Sóc Trăng đã tăng trở lại và đang ngập ngừng ở mức 15.000 đồng/kg khiến một số nhà rẫy đang trong tâm trạng phập phồng càng nôn nao hơn. Bởi trước đó không lâu, từ tháng 10 âm lịch, giá hành đầu mùa bỗng nhảy lên 25.000 đồng/kg rồi lao dốc mạnh đã khiến người dân trồng hành đặc sản ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) hụt hẫng.

25/01/2013
Giá Giảm, Người Nuôi Gà Công Nghiệp Lại Lỗ Nặng Giá Giảm, Người Nuôi Gà Công Nghiệp Lại Lỗ Nặng

Giá gà công nghiệp lại giảm mạnh sau gần hai tháng giữ ở mức giúp người chăn nuôi có lãi 500 – 1.000 đồng/kg. Hiện, gà công nghiệp bán tại trại chỉ còn 27.000 đồng/kg, giảm từ 3.000 – 4.500 đồng/kg so với hồi đầu tháng, khiến cho người nuôi bị lỗ 3.000 đồng/kg.

26/01/2013