Xây dựng nông thôn mới hiệu quả phong trào xã hội hóa

Có được kết quả đó, ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã thu hút được sự tham gia tích cực của nhiều doanh nghiệp và đông đảo nhân dân, tạo nguồn nội lực lớn giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình đề ra.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” của Chính phủ, UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng việc phát động phong trào thi đua “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2020.
Việc phát động phong trào này nhằm kêu gọi người dân, doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia ủng hộ cho các xã xây dựng NTM.
Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thực hiện, các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên đến làm việc và nắm bắt tình hình thực hiện ở cơ sở.
Các địa phương cũng tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, vận động nhân dân và kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp tham gia.
Trong các chuyến công tác tại cơ sở, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về sự tâm huyết của người dân đối với chủ trương xây dựng NTM.
Điều đáng nói là mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng khi đi kêu gọi ủng hộ, mở rộng đường làng ngõ xóm, người dân luôn sẵn sàng hiến đất làm đường, đóng góp kinh phí, ngày công.
Ông Võ Lý Minh, ở ấp Bảy Thưa, xã NTM Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, chia sẻ:
“Xác định xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn nên thời gian qua, tôi và bà con nơi đây đã tự nguyện hiến đất, hoa màu làm đê bao thủy lợi; góp tiền, ngày công mở lộ nông thôn;… nhờ đó, hiện toàn xã có nhiều tuyến đường được bê tông hóa, việc đi lại thuận tiện hơn, xe tải vào tận nhà chở hàng hóa nên kinh tế rất phát triển”.
Là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong xây dựng NTM thời gian qua, ông Đặng Văn Việt, Chủ tịch UBND xã NTM Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, cho hay:
“Không phải chương trình nào xã hội hóa cũng thành công, nhưng với xây dựng NTM, nếu biết khơi dậy sức dân, việc khó đến đâu cũng làm được… Sức dân ở đây chính là sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân.
Để làm được, khâu tuyên truyền phải đi trước, trong đó các hội, đoàn thể đóng vai trò quan trọng”.
Nhờ biết khơi dậy sức dân và làm tốt công tác tuyên truyền nên từ khi xây dựng NTM đến nay, xã Thạnh Hòa luôn nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị, tổ chức và mạnh thường quân trong và ngoài địa phương đóng góp để xây dựng quê hương ngày thêm đổi mới, nhất là về kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn.
Điển hình, địa phương xây dựng mới cầu Bà Triệu, kinh phí 350 triệu đồng do Hội doanh nhân trẻ Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ; cầu Rau Mui, kinh phí 350 triệu đồng do Công ty Nam Phát và một số cơ quan, đơn vị tài trợ; cầu ngang Trường Tiểu Thạnh Hòa 1, kinh phí 300 triệu đồng.
Trong đó, Hội từ thiện Chiêu Lâm Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ 180 triệu đồng, còn lại do người dân đóng góp vật tư, cừ tràm và ngày công lao động để thực hiện; đặc biệt, xây dựng tuyến lộ ô tô Rạch Chanh - Ranh Làng, dài 3,2km, kinh phí 4,2 tỉ đồng, trong đó, vận động một mạnh thường quân đóng góp 1 tỉ đồng;…
Có rất nhiều câu chuyện nhỏ, trong đó, ở xã NTM Thạnh Hòa là một ví dụ điển hình nhưng đã làm nên kỳ tích lớn trong xây dựng NTM ở tỉnh ta.
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, sau gần 5 năm xây dựng NTM (2011-2015), toàn tỉnh đã huy động nguồn vốn để xây dựng NTM gần 12.400 tỉ đồng, trong đó, vốn doanh nghiệp và nhân dân trong và ngoài tỉnh đóng góp hơn 2.700 tỉ đổng.
Từ nguồn kinh phí xã hội hóa huy động được cùng với nguồn ngân sách của Nhà nước, các địa phương đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, từ đó làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt với hệ thống điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa,...
được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đi lại cho người dân.
Cụ thể, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng được 69 tuyến đường với chiều dài 115km có chất lượng được bảo đảm theo quy định và xây dựng được 92 cây cầu; đến nay, toàn tỉnh có 52/54 xã có đường ô tô về đến trung tâm xã và 407/407 ấp có đường xe hai bánh đi lại được trong hai mùa mưa nắng.
Bên cạnh đó, các địa phương đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học, trạm y tế, xây dựng các thiết chế văn hóa,...
Theo đánh giá của nhiều địa phương xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, công tác xã hội hóa luôn là việc khó, nhưng nếu biết cách làm, phát huy mọi nguồn lực hiệu quả, nhất là vai trò chủ thể của nhân dân, thì việc khó đến mấy cũng thành công.
Một trong những bài học kinh nghiệm sâu sắc, được rút ra từ phong trào xã hội hóa xây dựng NTM trong những năm qua là: “Coi trọng và phát huy tối đa nội lực, nguồn lực của toàn xã hội, đặc biệt là nội lực trong nhân dân và từ doanh nghiệp, doanh nhân bằng các cơ chế chính sách phù hợp thì sẽ nhận được sự chung tay của cả cộng đồng”.
Phát biểu mới đây tại Hội nghị tổng kết 5 năm (giai đoạn 2011-2015) xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Chánh nhấn mạnh: Giai đoạn 2016-2020, nhiệm vụ đặt ra trong xây dựng NTM của tỉnh còn nặng nề, trong khi nguồn nhân lực về ngân sách lại khó khăn.
Vì vậy, tỉnh chủ trương khuyến khích các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chương trình xã hội hóa, huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn.
Vận động nhân dân tiếp tục hiến đất làm đường, lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, góp phần đạt các mục tiêu đề ra trong thời gian sớm nhất…
Có thể bạn quan tâm

Sâm Ngọc Linh - một loại dược liệu quý phân bố ở vùng núi cao giáp ranh giữa Quảng Nam và Kon Tum, đang được kỳ vọng trở thành cây thương phẩm có giá trị xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên vùng đất lúa nhiễm phèn nặng, năng suất thấp để cải thiện thu nhập là mục tiêu trọng tâm của chính quyền và nông dân ấp Ba Tiêu, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Mô hình trồng sen lấy ngó hiện đang được người dân Ba Tiêu ưa chuộng, bởi thời gian trồng, chăm sóc dễ dàng và cho thu hoạch nhanh. So với trồng lúa, mô hình này cho thu nhập cao hơn.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang khẩn trương xuống đồng đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa vụ hè thu 2015. Thiên tai, hạn hán kỷ lục vừa qua những tưởng vụ lúa thất bát, nhưng theo đánh giá của Sở Nông nghiệp, vụ hè thu này được mùa nhất so với mấy năm gần đây.

Đã gần 1 tháng nay, dù bắt đầu vào vụ kiệu mới nhưng giá kiệu giống tại huyện Phù Mỹ (Bình Định) vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân từ đầu vụ đến nay, kiệu tốt, chắc, lớn củ bình quân 25.000đ/kg (thấp hơn 10.000 - 15.000đ/kg); kiệu chất lượng trung bình bình quân 20.000đ/kg (thấp hơn 6.000 - 7.000đ/kg), kiệu nhỏ củ bình quân 15.000đ/kg (thấp hơn 5.000đ/kg).

Những ngày qua, nắng nóng kéo dài đã làm hàng ngàn ha cây trồng các loại trên địa bàn huyện Kbang (Gia Lai) bị hạn. Hiện một số cây trồng như lúa, bắp, mì… của người dân đang bị khô héo từng ngày vì thiếu nước. Trong thời gian tới nếu nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài thì nguy cơ đại hạn và vụ mùa trắng tay là điều rất khó tránh khỏi.