Xây Dựng Đời Sống Văn Hóa Để Xây Dựng Nông Thôn Mới Bền Vững

Ðộc Lập (Hưng Hà), quê hương của nhà bác học Lê Quý Ðôn là địa phương giàu truyền thống văn hóa, văn hiến. Năm 2014, xã được UBND tỉnh công nhận là xã nông thôn mới (NTM). Cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư, công tác văn hóa, y tế, giáo dục luôn được xếp trong tốp đầu toàn huyện; công tác văn hóa nhiều năm liền dẫn đầu phong trào văn hóa cơ sở, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen năm 2006, 2009.
Tiết mục văn nghệ của thôn Lộc Thọ, xã Ðộc Lập (Hưng Hà) tham gia Liên hoan nghệ thuật các câu lạc bộ thuộc nhà văn hóa thôn làng. (Ảnh do cơ sở cung cấp)
Ông Bùi Thái Dương, Chủ tịch UBND xã cho biết: Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung xây dựng NTM được đặt lên hàng đầu.
Gắn thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với xây dựng NTM từ đó đã tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, nhân dân trong xã đoàn kết, cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh, xây dựng NTM. Ðến nay, sau 4 năm triển khai, Ðộc Lập đã hoàn thành 18/19 tiêu chí NTM (không phải thực hiện tiêu chí chợ), đời sống người dân được nâng cao, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Thực hiện xây dựng NTM, nhân dân trong xã đã đóng góp hàng nghìn ngày công lao động cùng 41,01 tỷ đồng chỉnh trang đồng ruộng, cứng hóa giao thông và xây dựng các công trình phúc lợi khác.
Ðể nâng cao đời sống kinh tế cho nhân dân, Mặt trận Tổ quốc xã đã phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi. 3 cánh đồng mẫu với diện tích 158ha tập trung gieo cấy các giống lúa có giá trị cao theo hướng sản xuất hàng hóa được hình thành; trên 60ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, xây dựng 44 gia trại, nhiều hộ chuyển sang trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập gấp 3 - 4 lần cấy lúa. Toàn xã có 459 máy dệt, 195 máy may khăn công nghiệp tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Ðến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 27,7 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,49%.
Xác định được tầm quan trọng của văn hóa với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt là xây dựng NTM, Ðảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo xây dựng dòng họ văn hóa nhằm khơi dậy và phát huy tính nhân văn, nhân đạo và nhân bản.
Chú trọng xây dựng và hoàn thiện quy ước làng, đặc biệt là việc sưu tầm các văn bản, hương ước làng cổ xưa để làm tài liệu tuyên truyền và vận dụng phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhờ đó đã khơi dậy truyền thống ngay từ những gia đình, cộng đồng thôn làng.
Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa và việc xây dựng nếp sống văn minh được đẩy mạnh và nâng cao về chất lượng, được đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, hàng năm có trên 80% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; trên 60% dòng họ đạt tiêu chuẩn dòng họ văn hóa; năm 2013 - 2014 có 5/6 thôn đạt tiêu chuẩn làng văn hóa.
Nhà văn hóa xã có diện tích 500m2 có đầy đủ trang thiết bị, công trình phụ trợ cần thiết; sân thể thao xã có diện tích trên 8.000m2, 6/6 thôn đều có nhà văn hóa và sân thể thao đạt tiêu chuẩn là nơi sinh hoạt thường xuyên của các tổ chức chính trị, các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, là lớp học của cộng đồng thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Các di tích văn hóa, cảnh quan thiên nhiên được bảo tồn và tôn tạo, các hoạt động văn hóa tín ngưỡng truyền thống được quản lý chặt chẽ góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần và hạn chế những phong tục tập quán lạc hậu... Việc thực hiện nếp sống văn hóa trong đám cưới, đám tang được quản lý chặt chẽ theo quy ước chung của toàn xã, không có cưới tảo hôn, không có ca kèn khóc mướn.
Tổ chức thu gom xử lý rác thải tập trung, đường làng ngõ xóm được phân công cho các tổ chức đoàn thể, các tổ tự quản phụ trách tham gia quét dọn vệ sinh thường xuyên, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Các hoạt động văn hóa luôn là phương tiện để phát huy quyền dân chủ của nhân dân, tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật, quy định của địa phương. Là một trong những thôn nhiều năm liền đạt danh hiệu thôn làng văn hóa, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của thôn Bùi Xá luôn được đánh giá cao.
Bà Bùi Thị Ðép, Trưởng thôn Bùi Xá cho biết: Hội người cao tuổi, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh đều thành lập các câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao. Ngoài biểu diễn trong các ngày lễ còn tổ chức giao lưu các xã trong cụm huyện. Nhờ đẩy mạnh các phong trào văn hóa văn nghệ, thôn Bùi Xá không có người nghiện ma túy, mắc tệ nạn xã hội trong nhiều năm nay, trong phong trào xây dựng NTM cũng là một trong những thôn đi đầu từ dồn điền, đổi thửa, làm đường giao thông…
Ðược công nhận là xã đạt chuẩn NTM, song nhiệm vụ không dừng lại ở đó, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, Ðộc Lập tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” từ đó tạo nền tảng để giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng 18 tiêu chí NTM ở địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Là nông dân đầu tiên thực hiện mô hình nuôi cá rô đồng thâm canh của huyện Vĩnh Lợi, ông Đặng Thanh Phong, ngụ ấp Giồng Bướm B, xã Châu Thới chia sẻ: “Xuất pháp từ suy nghĩ cần phải thực hiện mô hình thủy sản nước ngọt nào vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mình, vừa để bà con trong xóm, ấp tham quan học hỏi để cùng thực hiện”.

Đến trại chim bồ câu Mạnh Trung (Tân Hiệp, Tân Văn, Lâm Hà, Lâm Đồng), ấn tượng đầu tiên là hàng trăm cặp chim bồ câu lông trắng, chân hồng được nuôi nhốt trong lồng xếp thành một dãy dài. Nhẹ nhàng bắt một con bồ câu ra, anh Phùng Mạnh Trung - chủ trại chim cho biết hiện trại có hơn 500 cặp bồ câu, tất cả đều là giống của Pháp. Ít ai nghĩ trại chim có giá trị hơn nửa tỉ đồng này là của một thanh niên mới ngoài đôi mươi.

UBND huyện Chương Mỹ cùng Chi cục Thủy sản Hà Nội vừa phối hợp tổ chức mít tinh bảo vệ nguồn lợi thủy sản và trực tiếp thả hơn 150kg cá giống (trên 6.000 con cá chép, cá chày mắt đỏ và cá trôi) xuống sông Bùi (địa phận xã Thủy Xuân Tiên).

Xã Phước Hòa (Tuy Phước) có nhiều diện tích mặt nước nằm ven đầm Thị Nại, là 1 trong những vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Bình Định. Trong suốt 10 năm qua, không năm nào người nuôi tôm ở đây không bị thất bại. Nợ nần chồng chất khiến các chủ hồ tôm trở thành những “chúa chổm” vùng đầm.

Là người có diện tích trồng mướp lớn nhất xóm 2, thôn Phú Hưng, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, Bình Định, mỗi tháng anh Nguyễn Triều Hải có thu nhập cả chục triệu đồng.