Xây Dựng Cánh Đồng Mẫu Lớn Hướng Tới Sản Xuất Hàng Hóa Bền Vững

Trong những ngày đầu tháng 8/2013, Trung tâm khuyến nông - Khuyến ngư kết hợp với Phòng Kinh tế TP Cà Mau chọn 2 ấp Tân Hiệp và Tân Thuộc, xã An Xuyên làm điểm chỉ đạo triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn năm 2013.
Mô hình được triển khai trên tổng diện tích trên 112 ha, gồm 137 hộ, với kinh phí đầu tư trên 53 triệu đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh thuộc đề án tôm - lúa năm 2013.
Tại đây, hệ thống thuỷ lợi, đê bao, cống lấy nước được đầu tư khép kín, chủ động khâu tưới tiêu, thực hiện 100% cơ giới hóa khâu cày ải, vệ sinh đồng ruộng, sản xuất lúa theo quy trình VietGAP, gieo sạ đồng loạt theo lịch thời vụ, giống lúa cấp xác nhận.
Đồng thời, nông dân được tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác theo hướng 3 giảm 3 tăng, sử dụng phân bón trong danh mục được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM, cơ giới hóa khâu thu hoạch.
Mô hình này được xây dựng trên nền tảng liên kết giữa 4 nhà thông qua hợp đồng giữa các tổ chức, doanh nghiệp với tổ hợp tác sản xuất. Qua đó, làm thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ, hướng đến liên kết sản xuất quy mô lớn theo hình thức kinh tế hợp tác xã, xây dựng vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu của tỉnh.
Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, cho biết: “Triển khai cánh đồng mẫu lớn là tổ chức lại sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng lúa hàng hóa. Trên cánh đồng mẫu lớn chỉ có một hoặc hai giống lúa thôi, chứ không phải năm, bảy giống; như vậy, doanh nghiệp, thương lái sẽ mua với giá cao”.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn giúp nông dân từng bước làm quen với phương cách làm ăn tập thể, liên kết, hợp tác cùng có lợi, tiến tới sản xuất lúa quy mô lớn, phục vụ xuất khẩu. Mặt khác khi nông dân tham gia mô hình này sẽ nâng cao trình độ canh tác, tạo thói quen làm việc có tính khoa học.
Kỹ sư Nguyễn Thị Kim Khuyên, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, cho biết: “Thực hiện mô hình này, người sản xuất giảm được phân bón, thuốc hóa học, hạn chế tác động đến môi trường, phục hồi nguồn lợi thủy sản, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hướng tới sản xuất bền vững”.
Lâu nay sản xuất lúa của nông dân nói chung và nông dân xã An Xuyên nói riêng phần lớn theo tập quán truyền thống nhỏ lẻ, manh mún, chưa có tổ chức theo hình thức kinh doanh tập thể. Việc áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật còn hạn chế nên năng suất lúa chưa cao, chênh lệch năng suất giữa các hộ trong vùng còn lớn, chi phí tăng làm cho người sản xuất không có lãi nhiều…
Mô hình cánh đồng mẫu lớn ra đời là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nông dân, giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất lúa, phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn, góp sức xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác, năm 2014, Hội Nông dân (HND) xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ đã xây dựng mô hình “Dân vận khéo” vận động cán bộ, hội viên và nhân dân trồng chuối già cấy mô. Qua gần 1 năm thực hiện, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, lợi nhuận cao gấp 3 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích đất canh tác.

Từ đầu tháng 3 đến nay nắng hạn đến sớm khiến đất trong các nhà vườn trở nên khô khốc, cây trồng thiếu nước. Theo nhận định của bà con nông dân, nắng hạn sẽ làm cho nhà vườn giảm năng suất trái cây mùa hè này và ảnh hưởng đến năng suất một số cây công nghiệp cho thu hoạch trong mùa khô.

Những giống cam nổi tiếng xứ Bắc như: cam sành Bố Hạ, cam Đường Canh, quýt vàng Lạng Sơn… đã đem về quả ngọt cho người dân Sơn Lang khi chỉ với hơn 600 gốc cam, mỗi năm đem về cho chủ nhân bạc tỷ.

Với 300.000 con bò thịt và bò sữa, theo tính toán, “Bầu” Đức dư sức kiếm hơn 20 triệu USD mỗi năm từ nguồn phân bò.

Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng FITES đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm chân trắng theo VietGAP” tại huyện Diễn Châu và huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An với nguồn kinh phí hỗ trợ từ dự án Khuyến nông trung ương năm 2014.