Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xây Dựng Cánh Đồng Đậu Phộng Tập Trung

Xây Dựng Cánh Đồng Đậu Phộng Tập Trung
Ngày đăng: 07/08/2014

Xã Bình Nam là địa phương có diện tích trồng cây đậu phộng lớn nhất huyện Thăng Bình với diện tích ổn định 180ha. Tận dụng được lợi thế đó, đầu năm 2014 địa phương đã quy hoạch cánh đồng mẫu trồng cây đậu phộng với diện tích 45ha tại thôn Đông Tác.

Đây được xem là hướng đi thích hợp góp phần tái cơ cấu sản xuất nghành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và tăng thu nhập cho nông dân.

Luân phiên canh tác

Bình Nam có nhiều diện tích đất thịt pha cát và chỉ phù hợp với cây đậu phộng. Do đó, cây trồng cạn ngắn ngày này chỉ đứng sau cây lúa với diện tích canh tác hằng năm hơn 180ha. Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn làm theo cách truyền thống, được chăng hay chớ. Một số nông dân học hỏi kỹ thuật nhưng áp dụng vào sản xuất còn tùy tiện, chưa hợp lý và không đồng bộ.

Kể cả việc chọn giống để sản xuất cũng chưa được quan tâm. Do đó, những cánh đồng đậu phộng thường xuyên bị bệnh héo rũ dẫn đến mất mùa. Trước thực trạng đó, đầu năm 2014 xã Bình Nam đã tiến hành quy hoạch xây dựng cánh đồng mẫu trồng cây đậu phộng với diện tích hơn 45ha.

Theo đó, khi tham gia vào cánh đồng mẫu, người dân đã được hướng dẫn về kỹ thuật gieo trồng cây đậu phộng, hỗ trợ 100% giá giống. Địa phương cũng được UBND huyện Thăng Bình đầu tư xây dựng công trình thủy lợi hóa đất màu.

Công trình có tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng gồm giếng khoan, bể xả nước,  kênh dẫn và các hạng mục công trình khác cung cấp nước tưới ổn định. Trong cánh đồng mẫu, diện tích được chuyển đổi sẽ được luân canh, xen canh. Trồng lúa vụ đông xuân, đậu phộng đại trà và lúa hè thu muộn nhằm cải tạo đất, tận dụng được nguồn dinh dưỡng để gieo trồng vụ tiếp theo.

Gia đình ông Lê Văn Thành (thôn Đông Tác, xã Bình Nam) có 3 sào trồng cây đậu phộng trên cánh đồng mẫu vừa thu hoạch. Mặc dù thời tiết không thuận như nắng hạn, không có mưa vào thời điểm xuống giống, cuối vụ mưa nhiều…, nhưng với sự chăm sóc đúng kỹ thuật, cây đậu phộng của gia đình ông vẫn cho năng suất cao.

Ông Thành cho biết: “Mấy năm trước chưa tham gia cánh đồng mẫu thì mạnh ai nấy làm. Nhưng từ năm nay, nông dân chúng tôi tham gia cánh đồng mẫu, được hướng dẫn rất kỹ về kỹ thuật trồng, hỗ trợ giá giống sau đầu tư.

Đặc biệt do được đầu tư công trình thủy lợi, chủ động nguồn nước tưới nên năng suất đạt từ 18 - 20tạ/ha, cao hơn mấy năm trước”. Vừa thu hoạch cây đậu phộng, song bà Trần Thị Hương (thôn Đông Tác) vẫn bám đồng sản xuất để cho kịp vụ lúa hè thu muộn. “Không cái chi có giá trị trọn vẹn như cây đậu phộng.

Hạt đậu phộng thì để đóng dầu ăn và bán. Tận dụng bả đậu phộng sau khi đóng dầu làm thành từng bánh ngâm để chăn nuôi. Còn thân cây đậu thì đem làm thức ăn cho gia súc hoặc ủ làm phân. Vừa rồi quy hoạch xây dựng cánh đồng mẫu, bà con chúng tôi mừng lắm. Rồi đây, đậu phộng Bình Nam sẽ được biết đến” - bà Hương phấn khởi nói.

Sẽ đầu tư đồng bộ

Việc quy hoạch cánh đồng mẫu trồng cây màu ở Bình Nam là rất cần thiết, góp phần tái cơ cấu nghành nông nghiệp địa phương. Tuy nhiên, cánh đồng mẫu tại xã Bình Nam vẫn còn một số khó khăn. Hiện nay, công trình thủy lợi hóa đất màu chỉ tập trung tưới được cho 15ha tại cánh đồng mẫu do thiếu nước.

Trong khí đó, tại khu vực quy hoạch cánh đồng mẫu vẫn chưa được đầu tư kênh mương thủy lợi nên nguồn nước không đến những chân ruộng xa. Ngoài ra cánh đồng này vẫn chưa được dồn điền đổi thửa nên việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất rất khó khăn. Ông Võ Xuân Tùng - Bí thư Đảng ủy xã Bình Nam cho biết: “Bước đầu quy hoạch xây dựng cánh đồng mẫu còn gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên đã tạo được niềm tin cho người dân.

Trong những năm tiếp theo, địa phương sẽ nạo vét, huy động nước từ các ao nước nhỉ. Tiếp tục xin kinh phí xây dựng thêm 3 giếng đóng để đảm bảo nguồn nước tưới cho cánh đồng mẫu. Đồng thời, địa phương đang tính đến việc thành lập tổ sản xuất, thu mua và chế biến đậu phộng để tạo ra sản phẩm từ đậu phộng mang đặc trưng của vùng Bình Nam, hướng đến việc tiêu thụ tại những vùng miền khác”.

Ngoài cánh đồng mẫu trồng đậu phộng ở Bình Nam, thời gian qua huyện Thăng Bình đã quy hoạch và tổ chức được nhiều vùng canh tác tập trung như trồng rau an toàn theo hướng VietGAP tại các xã Bình Triều, Bình Nguyên và thị trấn Hà Lam; trồng bắp tại các xã Bình Trung, Bình Chánh và Bình Nguyên; đang quy hoạch trồng đậu phộng tại Bình Quý… Đây được xem hướng đi thích hợp trong tiến trình tái cơ cấu nghành nông nghiệp của huyện.

Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp trong thời gian đến đối với việc quy hoạch cách đồng mẫu trồng cây màu trên địa bàn, ông Phan Công Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nhấn mạnh: “Trong thời gian đến, địa phương sẽ đầu tư kênh nương, giao thông nội đồng cho các vùng quy hoạch trồng cây màu.

Đối với các vùng không chủ động nước tưới, UBND huyện sẽ vận dụng các cơ chế chính sách của UBND tỉnh về kế hoạch triển khai thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu để tạo bước đột phá trong nghành nông nghiệp. Phấn đấu giai đoạn từ 2014 - 2015, tỷ trọng nghành nông nghiệp toàn huyện đạt 1.900 tỷ đồng, giai đoạn  năm 2016 - 2020 đạt 2 - 3 nghìn tỷ đồng.


Có thể bạn quan tâm

Niềm tự hào được lan tỏa Niềm tự hào được lan tỏa

Tiếp nối thành công từ Cuộc thi viết Tự hào Nông dân Việt Nam lần thứ nhất (2013-2014), từ tháng 10.2014, Báo Nông Thôn Ngày Nay (NTNN) đã tiếp tục phát động cuộc thi lần thứ 2. Theo đánh giá, đây là cuộc thi thiết thực, bổ ích và đặc biệt ra đời đúng thời điểm cả nước đang triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, mà trong đó lấy người nông dân là trọng tâm, chủ thể.

04/09/2015
Dùng bảo hộ chống bảo hộ Dùng bảo hộ chống bảo hộ

Biết trước được hàng nông sản Việt sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi tham gia các hiệp định FTA, TPP, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam (VN) đã nêu lên các giải pháp ứng phó, trong đó có bài toán bảo hộ sản xuất trong nước.

04/09/2015
Đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị ngành chăn nuôi Đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị ngành chăn nuôi

Ngày 28.7.2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2664/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi (QHPTNCN) của tỉnh đến năm 2020. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, về mục tiêu và các giải pháp thực hiện quy hoạch nói trên.

04/09/2015
Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế

5 năm qua, huyện Phù Cát đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, làng nghề (CN-TTCN-LN), góp phần tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp (DN) phát huy nội lực, tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất có hiệu quả.

04/09/2015
Một nông dân đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới Một nông dân đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới

Đó là ông Phạm Sỹ Nhơn, ở thôn Nhơn Nghĩa Đông, xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn. Tham gia nghĩa vụ quân sự năm 1992, đến năm 1994 ra quân, với ý chí quyết tâm làm giàu, ông đã làm đủ nghề, từ làm ruộng, nuôi bò, nuôi heo, mở cơ sở sản xuất gạch ngói, sản xuất nước đá... mang lại thu nhập cao, góp phần giải quyết việc làm. Ông luôn gương mẫu đi đầu trong việc hiến đất mở đường, ủng hộ tiền, ngày công xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở địa phương.

04/09/2015