Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xây Dựng Bệnh Viện Cho Cây Trồng

Xây Dựng Bệnh Viện Cho Cây Trồng
Ngày đăng: 28/04/2014

Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đang phối hợp Trung tâm Sinh học nông nghiệp quốc tế (CABI) tổ chức triển khai mở rộng xây dựng Dự án “Bệnh viện cây trồng”. Với các “bệnh viện” này, người nông dân đã có nơi để đưa cây trồng đến khám, chữa bệnh.

Khám bệnh cho cây theo lịch

Nếu như trong lĩnh vực chăn nuôi, vật nuôi được chăm sóc bằng thú y, tức có sự phòng bệnh, thì việc chăm sóc cây trồng vẫn chủ yếu tập trung ở khâu chữa bệnh bằng cách phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Do đó, theo VAAS, với việc phối hợp cùng CABI triển khai Dự án “Bệnh viện cây trồng” tại 4 tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Tiền Giang, Bến Tre, hàng trăm nông dân đã được hỗ trợ tư vấn bắt mạch, khám bệnh cho nhiều loại cây trồng, qua đó nâng cao nhận thức về công tác BVTV và chăm sóc sức khoẻ cho cây trồng. Dự án bước đầu mới thiết lập được 20 bệnh viện cây trồng ở 4 tỉnh triển khai dự án.

TS Dương Minh Tú – Giám đốc Trung tâm Giám định kiểm dịch thực vật (Cục BVTV) cho biết: “Tại khu vực phía Bắc, dự án được triển khai ở 2 tỉnh là Vĩnh Phúc và Hưng Yên. Đối với Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh có nhiều loại cây trồng như rau, củ quả, đặc biệt là sản lượng su su chỉ đứng sau Lào Cai.

Còn Hưng Yên lại là tỉnh có nhiều sản phẩm như rau, quả, lúa, nhãn lồng... Tại 2 tỉnh này, chúng tôi lập 5 bệnh viện cây trồng, mỗi bệnh viện có 2 bác sĩ với lịch khám định kỳ ngày 5 và 25 hàng tháng”.

Ông Tú cũng cho biết, từ tháng 7 đến hết tháng 12.2013, tại Vĩnh Phúc đã tổ chức được 60 buổi khám bệnh cho cây với 93 nông dân tham dự, 57 đơn kê bệnh cho 12 loại cây trồng như lúa, đậu tương, cây cảnh, chanh, quất, cà chua, khoai tây... Tại Hưng Yên, các bác sĩ cũng khám bệnh 60 buổi, kê 158 đơn bệnh, trong đó có 25 loại cây trồng với 54 mẫu lúa, 21 mẫu nhãn, 12 mẫu cam...

TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao TBKT (Viện Cây ăn quả Miền Nam) cho biết, tại 2 tỉnh phía Nam là Tiền Giang và Bến Tre, cũng tổ chức khám bệnh và nông dân đã mang tới 280 mẫu cây trồng.

“Nếu như trước đây, người nông dân thấy bệnh ở cây trồng thường tìm đến cửa hàng thuốc BVTV để mua và chủ cửa hàng bán cho thuốc gì thì dùng thuốc đó. Nghe nói đến bệnh viện, nhiều người cứ nghĩ có vẻ là rất to lớn nhưng thực tế chỉ cần một địa điểm để người dân mang mẫu vật tới, nhờ bác sĩ tư vấn, bắt bệnh, kê đơn thuốc để chữa trị các loại dịch bệnh cho cây trồng hiệu quả nhất” - bà Trúc nói.

Sẽ có bác sĩ cây trồng chuyên nghiệp

Ông Đỗ Danh Kiếm - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho biết, hiện bệnh viện cây trồng thực tế mới ở dự án thử nghiệm trong diện hẹp và các hoạt động vẫn gắn liền với cơ quan quản lý nhà nước do cán bộ kiêm nhiệm.

“Theo tôi, cần tách hẳn bệnh viện cây trồng khỏi hoạt động của quản lý nhà nước vì như ở Hà Nội, mỗi xã đều có cán bộ BVTV, mọi vấn đề gì xảy ra trên đồng ruộng cán bộ đều phải xử lý, không xử lý được sẽ báo cáo lên cấp trên. Thực tế ở Hà Nội cho thấy, nhiều nông dân sẵn sàng chia luôn cả sản lượng, họ bảo “ông cứ chữa khỏi cho tôi bệnh trên cây bưởi, tôi sẽ chia cho ông sản lượng”. Do đó, rất cần có những bác sĩ đúng nghĩa” - ông Kiếm nhấn mạnh.

"Dự án sau khi kết thúc VAAS dự kiến sẽ đề xuất bệnh viện cây trồng thành chương trình quốc gia để hàng năm các địa phương có kinh phí thực hiện”.

GS - TS Nguyễn Văn Tuất - Phó Giám đốc VAAS

Cùng chung nhận định trên, PGS - TS Nguyễn Kim Vân - Hội KHKT BVTV Việt Nam cho biết, bác sĩ cây trồng không chỉ đơn thuần là chia sẻ với bà con nông dân, mà đòi hỏi phải có kiến thức sâu, rộng.

Hiện dự án tổ chức ở mỗi bệnh viện có 2 bác sĩ, trong đó nhiều người chưa được đào tạo. “Dự án đưa cả cửa hàng thuốc BVTV vào chương trình, tôi lưu ý, các cửa hàng thuốc BVTV lấy lợi nhuận làm số 1, họ thường tư vấn thuốc nào có lãi nhiều nhất chứ không lấy độc hại ra hay không độc hại để khuyến cáo người dân lựa chọn thuốc.

Hiện chúng ta có trên 4.000 loại thuốc BVTV, trong đó còn chưa kể rất nhiều loại thuốc giả, thuốc nhái, nếu bác sĩ cây trồng không có kiến thức thì rất khó bắt mạch, kê đơn” - ông Vân nói.

TS Trần Nguyễn Hà - Trưởng khoa Sư phạm và ngoại ngữ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, việc thành lập bệnh viện cây trồng để chuyển từ hoạt động BVTV thuần tuý sang hướng chuyên sâu về sức khoẻ cây trồng là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của hiện tại và xu hướng của thế giới.

Hiện Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã có chương trình đào tạo bác sĩ cây trồng. “Quan trọng là làm thế nào để phát triển bệnh viện cây trồng bền vững” - TS Hà nói.


Có thể bạn quan tâm

Chủ Động Phòng Chống Đói, Rét Cho Gia Súc Chủ Động Phòng Chống Đói, Rét Cho Gia Súc

Theo dự báo, thời tiết vụ đông xuân năm nay tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khả năng rét đậm, rét hại dễ xảy ra. Để không xảy ra thiệt hại nặng nề sau các đợt rét đậm, rét hại như năm 2008 và năm 2011, các địa phương cần chủ động những biện pháp chăm sóc trâu, bò hiệu quả.

21/11/2014
Chuyên Gia Nên Bảo Tồn Cây Lúa Mùa Nổi Chuyên Gia Nên Bảo Tồn Cây Lúa Mùa Nổi

Sản xuất lúa mùa nổi (LMN) năng suất chỉ khoảng 100 kg/công tầm lớn (khoảng 1.300 mét vuông), lợi nhuận đem lại cho người nông dân chỉ khoảng 500.000-600.000 đồng/công (6 tháng trồng)... thế nhưng, các chuyên gia nông nghiệp vẫn khuyên nên bảo tồn loại lúa này.

21/11/2014
Xếp Loại Xuất Sắc Đối Với Đề Tài Khoa Học Trồng Tỏi Lý Sơn Ở Khánh Hòa Xếp Loại Xuất Sắc Đối Với Đề Tài Khoa Học Trồng Tỏi Lý Sơn Ở Khánh Hòa

Với những kết quả nổi bật như cây tỏi cho năng suất cao, an toàn và sạch bệnh hơn trong khi giảm sử dụng lượng phân bón hóa học… đề tài nghiên cứu xây dựng biện pháp kỹ thuật trồng tỏi trên vùng đất cát ven biển tỉnh Khánh Hòa - do kỹ sư Trịnh Thị Thùy Linh làm chủ nhiệm đã được Hội đồng khoa học công nghệ cấp tỉnh xếp loại xuất sắc trong sáng 18/11.

21/11/2014
Trồng Nhãn Ido Trồng Nhãn Ido "Né" Bệnh "Chổi Rồng"

Thời gian gần đây, bệnh “chổi rồng” đã bùng phát mạnh mẽ trên một số giống nhãn, nhiều nhất là nhãn tiêu da bò, gây thiệt hại nặng cho nhà vườn. Trong khi đó, những vườn nhãn Ido gần như không bị nhiễm, hay nhiễm với tỷ lệ rất thấp. Từ đây, một giải pháp trước mắt để phòng, chống bệnh “chổi rồng” đã được đưa ra bằng cách trồng nhãn Ido hoặc ghép bo nhãn Ido vào cây nhãn bị nhiễm bệnh “chổi rồng”.

21/11/2014
Vú Sữa Lò Rèn Cho Lợi Nhuận Cao Vú Sữa Lò Rèn Cho Lợi Nhuận Cao

Qua tham quan, học tập các mô hình làm kinh tế ở nhiều địa phương khác, anh cải tạo diện tích đất vườn tạp để lên liếp trồng màu. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, nên cây màu của gia đình anh Sơn phát triển tốt, ít sâu bệnh và cho năng suất khá, cuộc sống gia đình được cải thiện hơn trước.

21/11/2014