Xây Chuồng Chống Lũ Cho Lợn

Với tập quán chăn nuôi truyền thống, từ bao đời nay đa phần người dân vùng nông thôn vẫn làm chuồng nuôi lợn ở vị trí thấp. Cũng chính vì cách chăn nuôi truyền thống này mà mỗi khi có lũ lớn xảy ra, người chăn nuôi thường bị thiệt hại rất nhiều.
Nhằm giúp người dân hạn chế được thiệt hại xảy ra trong chăn nuôi, Dự án Biến đổi khí hậu thuộc Trung tâm phát triển miền Trung (Trường Đại học Nông lâm Huế) đã hỗ trợ người dân trong việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi, trước mắt là loại hình chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Hải Quế, huyện Hải Lăng (Quảng Trị).
Trong rất nhiều hợp phần của Dự án Biến đổi khí hậu triển khai tại tỉnh Quảng Trị thì hợp phần năng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu tại các địa phương chịu ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt gây ra được đánh giá cao về mặt ý nghĩa xã hội với những đóng góp thiết thực.
Trước đây, dự án này đã triển khai áp dụng hiệu quả nhiều mô hình cây trồng trên vùng cát bạc màu tại Hải Lăng. Các loại hoa màu được trồng dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn giống như ớt, dưa quả, đậu đỗ các loại… đã và đang từng ngày làm thay đổi đời sống, tập quán canh tác của người dân tại các địa bàn vùng cát ở Hải Lăng, Triệu Phong. Năm 2010, mô hình chuồng trại chăn nuôi lợn chống lũ cũng được dự án triển khai thí điểm tại xã Hải Quế.
Trong hợp phần này, dự án đã tiến hành hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn cho 11 hộ gia đình ở vùng ven sông, vùng có nguy cơ ảnh hưởng bởi bão lũ với mức hỗ trợ bình quân 25 triệu đồng/hộ (quy ra vật liệu xây dựng). Dự án đã tập huấn và hướng dẫn bà con xây dựng chuồng trại với cao trình ngang bằng hoặc vượt mực nước của đỉnh lũ lịch sử năm 1999.
Qua 2 năm đưa vào sử dụng chuồng trại do dự án hỗ trợ xây dựng, bà Nguyễn Thị Phô, ở xóm Sông, thôn Kim Long cho biết: “Trước đây chăn nuôi theo kiểu truyền thống trong chuồng trại ẩm thấp, ngoài việc bị thiệt hại do lũ lụt thì tình trạng bệnh tật cũng thường xuyên xảy ra đối với lợn nuôi của gia đình tôi. Được dự án hỗ trợ xây dựng chuồng trại cao ráo để chăn nuôi tôi rất mừng, từ nay gia đình không phải lo lũ lụt và cũng đỡ lo bệnh tật cho lợn nữa”.
Cũng như gia đình bà Phô, được sự hỗ trợ của dự án, anh Nguyễn Dũng ở thôn Kim Long đã mạnh dạn đầu tư số tiền gần 120 triệu đồng để xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi khang trang, bề thế với quy mô nuôi mỗi lứa lên đến trên 100 con. Ngoài vấn đề chuồng trại được đảm bảo, anh Dũng thường xuyên học hỏi kinh nghiệm, áp dụng KHKT, tìm hiểu cách phòng và điều trị bệnh cho lợn nên đã chăn nuôi có hiệu quả cao, mang lại thu nhập ổn định.
“Trước đây cứ vào mỗi mùa bão lũ là chúng tôi cứ nơm nớp lo âu, có khi còn không dám nuôi lợn bởi sợ lợn bị cuốn trôi khi bị lũ lớn. Ở vùng ven sông này lũ mà ập vào là không thể nào di chuyển đồ đạc, người kịp chứ chưa nói đến vật nuôi. Nhưng từ ngày có chuồng trại cao ráo, gia đình tôi yên tâm hơn nhiều nên đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi với quy mô lớn hơn”.
Không riêng gì gia đình anh Dũng, bà Phô, nhiều gia đình ở xóm Sông, thôn Kim Long được thụ hưởng dự án cũng đã vui mừng trước hiệu quả của việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi chống lũ. Anh Ngô Văn Chung, cán bộ Trung tâm Phát triển miền Trung chia sẻ: “Dự án chỉ triển khai hỗ trợ cho 11 hộ gia đình nhưng hiệu ứng lan tỏa về mặt nhận thức của bà con trong việc làm chuồng trại chăn nuôi rất lớn.
Bởi chúng tôi không chỉ gói gọn tập huấn, hướng dẫn xây dựng chuồng trại cho những người tham gia dự án mà còn mời tất cả bà con tới tham dự các buổi tập huấn, tham quan mô hình xây dựng chuồng trại để bà con có được sự lựa chọn xây dựng chuồng trại hợp lý, đáp ứng với việc chống được lũ lụt, đảm bảo vệ sinh môi trường cho đàn lợn của gia đình mình”.
Anh Chung cho biết thêm, những hợp phần mà Dự án Biến đổi khí hậu triển khai tại Quảng Trị nói chung và Hải Lăng nói riêng không ngoài mục đích nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu cho bà con, ngoài ra dự án cũng mong muốn hỗ trợ, giúp đỡ để cải thiện về sinh kế cho người dân, nhất là người nghèo bằng những mô hình thiết thực, dễ thực hiện và phù hợp với đặc thù của địa phương.
“Là địa phương được hưởng lợi từ nhiều hợp phần của Dự án, chúng tôi đánh giá cao hiệu quả mà Dự án Biến đổi khí hậu đã mang lại. Những đóng góp của Dự án Biến đổi khí hậu đã góp phần không nhỏ cho việc thúc đẩy sự phát triển bộ mặt đời sống vùng nông thôn, cải thiện về sinh kế cho người dân.
Cũng nhờ được sự hỗ trợ tích cực đó mà trình độ canh tác, chăn nuôi và tư duy sản xuất của bà con nông dân địa phương đã được nâng lên rất nhiều. Nhiều gia đình nghèo đã thoát nghèo, vươn làm giàu từ chính mảnh đất bạc màu của quê hương…”, bà Trần Thị Lựu, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Quế khẳng định.
Có thể bạn quan tâm

Nếu trước đó, tổ viên phải mua thức ăn qua đại lý, cửa hàng bán lẻ với giá cao thì khi tham gia mô hình hợp tác, tổ viên sẽ được hỗ trợ vốn, mua hàng trực tiếp của công ty với giá gốc. Đặc biệt, tổ viên sẽ được hưởng phần chiết khấu đầu vào được Ban quản lý tổ chia đều sau mỗi tháng hoặc quí.

Nhà máy gồm hai khu, khu giết mổ gia cầm có công suất 1.500 – 2.500 con/giờ cung cấp nguồn gà sạch, đảm bảo quy chuẩn về VSATTP và khu sản xuất các sản phẩm từ gia cầm đã chế biến như: lạp xưởng gà, xúc xích gà, chà bông gà, trứng gà, cút,vịt luộc, bột trứng, bánh flan, một số sản phẩm ăn nhanh từ thịt gà.

Để tạo ra nguồn thức ăn lớn từ những nguyên liệu sẵn có ở địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ đã hợp đồng với Công ty Green Nghệ An thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình áp dụng công nghệ vi sinh để chế biến thức ăn cho gia súc tại Nghệ An”. Dự án được triển khai trên địa bàn xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương từ tháng 12/2013 đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Với giá bán hiện nay từ 75.000 - 85.000 đồng/kg bò hơi, người nuôi thu được hàng chục triệu đồng khi bán một con bò. Phương thức chăn nuôi bò tại nông hộ cũng đang chuyển dần từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi bán thâm canh và thâm canh, chăn nuôi quy mô trang trại.

Từ đầu tháng 11/2014 đến nay, dịch lở mồm long móng (LMLM) đã liên tục xuất hiện tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái. Tổng số gia súc mắc bệnh là hơn 480 con. Nguyên nhân chủ yếu là do vận chuyển con giống gia súc từ nơi khác đến làm dịch phát sinh và lây lan dịch bệnh LMLM cho gia súc tại địa phương, nhiều gia súc mắc bệnh phải tiêu hủy.