Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xanh mặt khi chất cấm trong heo đụng đâu lòi đó

Xanh mặt khi chất cấm trong heo đụng đâu lòi đó
Ngày đăng: 11/09/2015

Các hộ chăn nuôi heo ở Tiền Giang ký cam kết không cho heo ăn chất cấm

Ngày 9-9, tại Tiền Giang và Đồng Nai, hai vùng nuôi cung cấp lượng thịt heo lớn cho TP.HCM, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện nhiều mẫu của các trang trại nuôi heo dương tính với chất tạo nạc bị cấm. Thậm chí có mẫu vượt đến 600 lần mức cho phép.

Nhận định đây là những vụ việc nghiêm trọng, thanh tra chuyên ngành đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra làm rõ.

Kiểm đâu dính đó

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-9, ông Phạm Văn Chiến, chánh thanh tra Sở NN&PTNT Tiền Giang, thừa nhận việc sử dụng chất tạo nạc trong nuôi heo tại địa phương này đang ở mức báo động.

Trong 50 mẫu được thanh tra liên ngành lấy và gửi Trung tâm Thuốc thú y trung ương 2 xét nghiệm, kết quả có đến 32 mẫu của 12 hộ dương tính với chất cấm tạo nạc salbutamol. Cá biệt, có những đàn heo dương tính với chất tạo nạc salbutamol tới 1.198 ppb (cao gấp 600 lần so với ngưỡng cho phép là dưới 2 ppb).

Điều đáng nói là khi làm việc với đội xử lý của thanh tra liên ngành, chỉ có một hộ thừa nhận cho ăn chất tạo nạc và chỉ ra người cung cấp chất này, còn lại những hộ khác không thừa nhận và cho rằng chất đó có trong nguồn thức ăn.

Trong 32 mẫu của 12 hộ nuôi heo dương tính với chất tạo nạc đều là những trang trại lớn, số lượng nuôi từ 100 con/trang trại trở lên và có đăng ký chăn nuôi tại địa phương. Những đàn heo được cơ quan chức năng lấy mẫu đều đến ngày xuất chuồng, mỗi con nặng từ 85-100kg.

Còn tại Đồng Nai, thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh này cũng vừa có kết quả kiểm tra sáu trại chăn nuôi heo ở khu vực P.Long Bình, TP Biên Hòa, phát hiện ba trại có sử dụng chất salbutamol. Trong đó có trại người nuôi đã sử dụng chất này vượt ngưỡng cho phép đến 556 lần, còn lại vượt mức từ 10-24 lần.

Ước tính cả ba trại trên có tổng đàn gần 800 con. Chủ trại khai thường mua heo từ 80-100kg về nuôi, dùng chất tạo nạc cho ăn (trong vòng một tuần đến 20 ngày) để heo có trọng lượng 130 kg/con, sau đó xuất chuồng bán chủ yếu về TP.HCM.

Theo cơ quan thanh tra, đây là kết quả kiểm tra ban đầu trong kế hoạch thanh tra đột xuất hoạt động chăn nuôi heo tại các cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Hiện thanh tra sở cũng đã lấy mẫu thức ăn, nước tiểu tại nhiều trang trại nuôi heo tiếp tục gửi đi phân tích.

Sẽ xử lý nghiêm

Đề cập việc xử lý sau khi phát hiện các mẫu dương tính với chất tạo nạc, ông Phạm Văn Chiến cho biết: “Trước mắt, chúng tôi yêu cầu họ cam kết không cho heo ăn chất này nữa, giữ lại những đàn heo đã dương tính để cơ quan chức năng đến làm xét nghiệm, khi nào âm tính với chất cấm mới cho xuất chuồng”.

Theo đại tá Nguyễn Văn Hùng - trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an tỉnh Tiền Giang, hiện cơ quan này đã cử lực lượng tham gia đoàn liên ngành để làm việc với những hộ nuôi heo có dùng chất tạo nạc.

“Chúng tôi sẽ yêu cầu những hộ chăn nuôi heo khai đã mua chất tạo nạc ở đâu, ai cung cấp, mua bao nhiêu và cho heo ăn từ khi nào?” - ông Hùng nói thêm. Sau khi làm rõ những thông tin trên, PC46 sẽ tiến hành truy tìm, mời những đối tượng này làm việc và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tương tự, các trại vi phạm tại Đồng Nai hiện đã được cơ quan thanh tra thông báo yêu cầu giữ đàn, chờ ra quyết định xử phạt và chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai.

Trong một diễn biến khác, Chi cục Thú y TP.HCM cũng vừa gửi thông báo đến Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai yêu cầu phối hợp kiểm soát sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi.

Theo thú y TP.HCM, trong vòng một tuần qua lực lượng đã phát hiện tại các lò giết mổ nhập vào TP.HCM có sáu lô heo với số lượng gần 290 con tại các huyện Thống Nhất, Trảng Bom, Định Quán của tỉnh Đồng Nai có tồn dư chất tạo nạc.

Hiện Chi cục Thú y Đồng Nai đã đến các trại heo được thú y TP.HCM thông báo có tồn dư chất này để kiểm tra nguồn gốc giấy tờ và lấy mẫu nhằm kiểm tra, xử lý.

Đầu độc người dùng

Đối với heo, những chất như salbutamol, clenbuterol, ractopamin có thể giúp nuôi mau lớn, giúp chuyển hóa làm tiêu mỡ, giúp tăng khối lượng cơ (gọi là “siêu nạc”), làm màu thịt đỏ tươi hơn, nhưng tác hại gây ra khó lường.

Vì liều lượng dùng các chất tạo nạc trong chăn nuôi không lường được, nếu trộn vào thức ăn chăn nuôi bừa bãi không khác nào đầu độc con người, nếu người dùng thịt heo bị nhiễm sẽ có nguy cơ tích lũy trong cơ thể và bị ngộ độc.

Cả ba chất vừa kể đều có tác dụng phụ có hại nghiêm trọng như gây hội chứng ngộ độc (cho heo và cả cho người ăn thịt heo chứa chất tạo nạc): tim đập nhanh, tăng hoặc hạ huyết áp, run tay chân, đau cơ, buồn nôn, ói, gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, gây nhiễm trùng hô hấp… PGS.TS Nguyễn Hữu Đức


Có thể bạn quan tâm

Đậu phụng được mùa, được giá Đậu phụng được mùa, được giá

Vụ Đông Xuân (ĐX) 2014 - 2015, nông dân Bình Thuận (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) sản xuất gần 400 ha đậu phụng. Nếu như những năm trước phải sản xuất trong điều kiện thiếu nước tưới, rất vất vả, thì năm nay với nguồn nước tưới dồi dào được tăng cường từ hệ thống kênh tưới Văn Phong vừa xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng, bà con nông dân xã Bình Thuận đã có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển cây đậu phụng.

19/05/2015
Bệnh trắng lá mía gây hại 2.113 ha Bệnh trắng lá mía gây hại 2.113 ha

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh trắng lá mía tiếp tục gây hại 2.113ha; tỷ lệ bệnh từ 30 đến hơn 70%. Cụ thể: Tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), bệnh phát sinh gây hại khoảng 2.106ha, tăng 932ha so với niên vụ 2013 - 2014, tập trung gây hại mía giai đoạn đẻ nhánh, vươn lóng với các giống nhiễm chủ yếu là Suphanburi 7, U-Thoong 4, K95-156. Tại huyện Diên Khánh, diện tích nhiễm bệnh là 6,4ha trên giống Suphanburi 7, U-thoong 4.

19/05/2015
Nhà máy sản xuất nước dừa đóng hộp đi vào hoạt động Nhà máy sản xuất nước dừa đóng hộp đi vào hoạt động

Đầu tháng 5-2015, Nhà máy sản xuất nước dừa đóng hộp ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại trong ngành chế biến thực phẩm của Công ty Cổ phần XNK Bến Tre (Betrimex), tại Cụm Công nghiệp Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) đi vào vận hành thử nghiệm.

19/05/2015
Chôm chôm Long Khánh vào vụ sớm Chôm chôm Long Khánh vào vụ sớm

Hơn tuần nay, bà con nông dân tổ 10, 11, 13 ấp Bầu Sầm, xã Bàu Trâm (TX.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) vui mừng thu hoạch chôm chôm sớm (ảnh). Mỗi vườn chôm chôm hàng ngày thu hoạch khoảng từ 1 - 2 tấn chôm chôm xuất đi các nơi.

19/05/2015
Nuôi càng đước hiệu quả kinh tế cao Nuôi càng đước hiệu quả kinh tế cao

Nhờ kiên trì theo đuổi việc nuôi và cho sinh sản nhân tạo càng đước (rùa răng, trọng lượng 7- 8kg), nông dân Võ Thành Ngay (52 tuổi, ấp Phú Bình, xã Phú Lộc, Tân Châu, An Giang) là một trong rất ít người bước đầu thành công với mô hình được cho là mạo hiểm, nhưng hiệu quả lại rất cao.

19/05/2015