Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xã Triệu Phú Nhờ Trồng Ớt

Xã Triệu Phú Nhờ Trồng Ớt
Ngày đăng: 07/01/2014

Nhiều năm trước, Trấn Dương là xã nghèo của huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) vì hầu hết diện tích canh tác đều cấy lúa, năng suất thấp. Từ khi đưa cây ớt về "ngự trị", nhiều hộ nông dân ở đây đã phất lên nhanh.

Mạnh dạn bỏ lúa, trồng ớt

Ông Đặng Văn Hoằng - Phó Chủ tịch UBND xã Trấn Dương cho biết, năm 2011, thực hiện nghị quyết về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của HĐND các cấp, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo chuyển đổi một số diện tích cấy lúa năng suất thấp sang trồng cây màu nhằm tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích.

Ban đầu, vì các hộ chưa tin nên họp lên, họp xuống cũng chỉ vận động chuyển đổi được 12ha cấy lúa bấp bênh sang trồng ớt xuất khẩu tại thôn Trấn Hải. Cả người chỉ đạo lẫn người thực hiện đều vừa làm, vừa… nghe. May thay, vụ đầu tiên trồng giống ớt hiểm lai F1 207, năng suất đều đạt khá, với mức thu hoạch bình quân lên tới 16 triệu đồng/sào (tương đương 432 triệu đồng/ha).

Theo tính toán của ông Vũ Duy Tích - Chủ nhiệm HTX thì, nếu 1 năm trồng 1 vụ ớt cộng với cấy thêm 1 vụ lúa (để cải tạo đất), lợi nhuận thu được sẽ gấp hơn 10 lần so cấy 2 vụ lúa như hiện nay.

Hay tin nông dân thôn Trấn Hải mạnh dạn chuyển đổi từ lúa sang trồng ớt, đạt hiệu quả kinh tế cao, rất nhiều xã trong huyện đã thành lập đoàn về thăm quan mô hình. Không bỏ lỡ cơ hội, một doanh nghiệp (DN) của ngành nông nghiệp thành phố là Trung tâm Giống và Phát triển nông-lâm nghiệp công nghệ cao (CNC) Hải Phòng cũng về khảo sát thực địa, hướng dẫn kỹ thuật trồng ớt đồng thời ký hợp đồng cung cấp cây giống và bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Thuận lợi cho địa phương càng được nhân lên khi việc chuyển đổi cây trồng này đúng vào thời điểm TP. Hải Phòng đang tích cực chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất tập trung trong nông nghiệp. Những vùng trồng ớt tập trung như thế này sẽ được thành phố hỗ trợ 30 triệu đồng/ha để xây dựng hạ tầng vùng sản xuất, gồm: Điện, đường, thủy lợi…

Kết quả là, năm 2012, vùng sản xuất ớt tập trung của xã được mở rộng ra 2 thôn khác là Trấn Nam và Dương Am, với diện tích 26ha. Ở các vùng trồng ớt kể trên, cánh đồng lúc nào cũng có hàng trăm lao động làm việc. Cây ớt đã không phụ công người. Anh Vũ Bá Quyền, một trong số "ông chủ" trẻ khoe: "Mặc dù gặp thiên tai (bão số 8. 2012), nhưng sản lượng ớt của gia đình anh cũng như của các hộ vẫn đạt cao, lại bán được giá nên mỗi ha ớt thu tới 500 triệu đồng/vụ. Nông dân vô cùng phấn khởi".

Cả xã cùng làm giàu

Không dừng ở diện tích đang sản xuất, vụ thu đông và đông xuân năm 2013, Trấn Dương quyết định chuyển đổi thêm 80ha nữa sang trồng ớt xuất khẩu. Do giống ớt lai F1 207 quả nhỏ nên nông dân được tư vấn chuyển sang trồng giống ớt đại hồng, quả to hơn. Hiện, các vùng ớt tập trung của xã cũng đang chuẩn bị thu hoạch rộ vụ thu đông. Nhìn các cánh đồng ớt rộng bao la, cây nào cũng trĩu quả, ai nấy đều tin vụ ớt này, các hộ nông dân trồng ớt trong xã chắc chắn sẽ lại trúng mùa lớn.

Có lẽ vậy, bởi nếu không rủi ro gì, theo tiên đoán của ông Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Trấn Dương Vũ Duy Tích, mỗi ha ớt ở đây có thể sẽ thu về trên nửa tỷ đồng, thậm chí là gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Vì rằng, ngoài năng suất đạt "đỉnh" ra, giá ớt ngoài thị trường cũng đang ở mức ngất ngưởng. Không những thế, ông giám đốc Trung tâm Giống và Phát triển nông-lâm nghiệp CNC Hải Phòng Bùi Văn Huy còn cam kết: "Có bao nhiêu ớt, DN sẽ thu mua bằng hết và mua theo giá thị trường tại thời điểm thu hái”.

Như vậy có nghĩa, thuận lợi là nhiều. Song, khó khăn cũng không phải ít. Trong đó, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất được coi là bài toán nan giải nhất. Anh Vũ Văn Trường - chủ hộ trồng ớt ở thôn Trấn Nam bộc bạch, vụ ớt thu đông này, anh trồng 5,5ha, với số vốn đầu tư xấp xỉ 400 triệu đồng.

Khoản tiền trên anh phải đi vay bên ngoài với lãi suất cao mà chưa hề vay được của ngân hàng hay tổ chức tín dụng nào. Trong khi đó, vùng ớt của anh và một số hộ khác trồng, hiện vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ theo quy định từ phía thành phố. Nếu cứ kéo dài mãi việc "vay nóng" này, e rằng sản xuất sẽ không hiệu quả.

Tương tự, các ông chủ trẻ khác là Nguyễn Bá Quyền, Bùi Văn Thế… cũng vậy. Anh Bùi Văn Thế cho hay, chỉ riêng thâm canh 7,5ha ớt hiện có, anh cũng đã phải xoay xỏa để có 700 triệu đồng đầu tư ban đầu. Khó khăn là vậy nhưng anh Thế vẫn nuôi chí làm giàu bằng ý tưởng sẽ xây dựng một cơ sở sản xuất ớt khép kín. Nghĩa là, từ làm cây giống đến việc trồng, chế biến, xuất khẩu đêu không phải phụ thuộc vào ai…

Về Trấn Dương những ngày này, ai cũng thấy hừng hực phong trào phá thế độc canh, xoay mùa, chuyển vụ để làm ăn lớn. Hộ nào cũng mong được hỗ trợ để… "nhấn ga" làm giàu.

Ngoài những diện tích được chuyển đổi, quy vùng trồng ớt, mới đây xã Trấn Dương còn "lấn" sang cả lĩnh vực làm… rau sạch, với diện tích đã được phê duyệt 30ha, vốn đầu tư 14,5 tỷ đồng.


Có thể bạn quan tâm

Thiếu Lao Động Hái Tuyển Quýt Non Thiếu Lao Động Hái Tuyển Quýt Non

Anh Trần Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện các vườn quýt trên địa bàn xã đang bước vào đợt hái tuyển trái non.

01/07/2012
Thu Nhập Trên 200 Triệu Đồng Từ Mô Hình Luân Canh Tôm - Lúa Thu Nhập Trên 200 Triệu Đồng Từ Mô Hình Luân Canh Tôm - Lúa

Những năm qua, ở Bạc Liêu, mô hình luân canh tôm - lúa được nông dân các vùng chuyển đổi của tỉnh như Phước Long, Hồng Dân... áp dụng rất thành công. Mô hình này được khẳng định là hướng sản xuất bền vững, góp phần làm ổn định sinh thái đồng ruộng, cải thiện thu nhập cho nông dân.

10/09/2012
ĐBSCL: Cá Tai Tượng Chết Hàng Loạt ĐBSCL: Cá Tai Tượng Chết Hàng Loạt

Hiện rải rác ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long... cá tai tượng nuôi đang gặp phải dịch bệnh chết hàng loạt. Quan sát thực tế cho thấy đa số cá trước khi chết thường bơi lờ đờ trên mặt nước, có những đốm loét ở miệng, mang và đuôi, bụng trướng nước, mật sưng to

11/02/2011
Mô Hình Nuôi Thuỷ Sản Mới Ở Vân Đồn Mô Hình Nuôi Thuỷ Sản Mới Ở Vân Đồn

Trong những năm qua, nghề nuôi trồng thuỷ sản ở Vân Đồn (Quảng Ninh) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn cũng như các hộ dân. Việc nuôi trồng này huyện đang tập trung vào những đối tượng nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao, ứng dụng công nghệ nuôi an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, gắn nuôi trồng với phát triển du lịch sinh thái biển đảo.

11/05/2012
Ưu Tiên Cứu Trợ Ngành Chăn Nuôi Và Thủy Sản Ưu Tiên Cứu Trợ Ngành Chăn Nuôi Và Thủy Sản

Trước tình trạng hàng loạt mặt hàng nông sản, thủy sản đồng loạt rớt giá, ngành nông nghiệp đang cùng với các bộ, ngành và các địa phương tập trung lo giải quyết vấn đề thị trường

02/07/2012