Xã Đạo Đức Chú Trọng Trồng Cây Vụ Đông

Trong vụ Đông năm 2014, cây ngô được trồng trên diện tích lớn và được coi là cây trồng chính; ngoài cây ngô và rau, đậu các loại còn được chính quyền và người dân xã Đạo Đức (Vị Xuyên) quan tâm, chú trọng cả đến cây cải Xa-lát, loại cây trồng hứa hẹn nhiều tiềm năng.
Thôn Làng Cúng có gần 50 hộ dân đều sống bằng nghề nông, người đông, ruộng ít nên, để thoát khỏi đói nghèo, bà con trong thôn đã biết khai thác tốt lợi thế về đất đai, hầu như mùa nào đồng đất của thôn cũng được trồng các loại cây nông nghiệp, không ngô thì lúa, rau, đậu. Nhờ tiếp cận được với các loại giống cây trồng mới, nên Làng Cúng là một trong 5 thôn đăng ký trồng cây cải Xa-lát trong vụ Đông năm nay.
Anh Nguyễn Hữu Huynh, Trưởng thôn tâm sự: Dân trong thôn đã chờ đợi, tìm tòi cây trồng mới vừa có hiệu quả kinh tế, vừa có thị trường tiêu thụ ổn định hơn cây ngô và vụ Đông năm trước, Công ty Vạn Đạt đã vào thôn trực tiếp làm việc với bà con để cùng triển khai trồng cây cải Xa-lát. Công ty hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, lo bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Vụ đầu đã có trên 10 hộ tham gia trồng với diện tích 2 ha. Nhiều hộ trồng nhưng vẫn ghi ngại về sự thích nghi của cây và đặc biệt là khâu tiêu thụ, do đó đã không chú tâm chăm sóc. Dù vậy cây cải Xa-lát vẫn có giá trị kinh tế khá cao, bình quân 1 sào thu gần 3 tạ, Công ty thu mua với giá 5.500đồng/kg và xã hỗ trợ 500 đồng/kg để nâng giá bán cho nông dân lên thành 6.000 đồng/kg cải Xa-lát, nhờ đó mà người dân trong thôn vững tâm đăng ký trồng, với số hộ tăng lên 44 hộ, hiện một số hộ đã mua giống về trồng cây con, một phần chờ làm đất xong là trồng.
Tuy nhiên, đối với cây cải Xa-lát ở xã Đạo Đức năm nay cũng có sự hạn chế về giống, là loại cây trồng đòi hỏi chế độ tưới tiêu thường xuyên, ở xã có những thôn đảm bảo tốt điều này như Làng Cúng, Bản Bang, Làng Khẻn, Làng Má. Theo kế hoạch năm 2014, xã Đạo Đức sẽ trồng 14 ha cải Xa-lát, phần lớn bà con tự nguyện đăng ký, bởi hiệu quả của nó đã thấy rõ qua các vụ trồng thử nghiệm trước.
Anh Lê Đình Trung, Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngoài cây cải Xa-lát, cây ngô cũng vẫn được xã quan tâm, chỉ đạo trồng; vụ Đông năm ngoái, cả xã có 20 ha, năng suất dù thấp hơn vụ Mùa, vụ Xuân nhưng giá trị thành tiền cũng đạt 52 triệu đồng/ha. Cây ngô lại phù hợp với điều kiện đồng đất khô hạn ở hầu khắp các cánh đồng trong xã Đạo Đức, mặt khác các hộ trồng còn được huyện hỗ trợ giá giống nên số hộ đăng ký trồng tăng, với tổng diện tích 24 ha. Đến thời điểm này, các hộ đã trồng hết diện tích và đang tiến hành chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho ngô.
Đặc biệt, vụ Đông năm nay, lần đầu tiên xã Đạo Đức đưa giống ngô nếp tím vào trồng thử nghiệm ở 2 thôn Độc Lập và Làng Lùng, huyện hỗ trợ 100% giống (40 kg giống). Đây là giống ngô mới có ưu điểm bắp to, hạt đều, thời gian cho thu hoạch ngắn; nếu thành công từ vụ Đông năm sau xã sẽ triển khai trồng ra các thôn khác. Cùng với cây cải Xa-lát, ngô, xã Đạo Đức cũng đã tuyên truyền vận động người dân trồng được trên 60 ha rau, đậu các loại.
Người dân xã Đạo Đức tập trung trồng cây vụ Đông, đất không nghỉ cũng có nghĩa là cái đói, cái nghèo đang lùi dần để nhường chỗ cho ấm no và hạnh phúc.
Nguồn bài viết: http://baohagiang.vn/?lang=V&func=newsdetail&newsid=32362&CatID=150&MN=26
Có thể bạn quan tâm

Ngay tại thị xã Bắc Kạn, những mô hình nuôi lợn lai rừng theo hình thức bán hoang dã đã được thực hiện hiệu quả. Nông hộ bỏ vốn đầu tư không quá lớn; công chăm sóc ít mà thu lãi hàng trăm triệu đồng. Nuôi lợn bán hoang dã đang hứa hẹn trở thành hướng làm kinh tế hiệu quả cao.

Sản xuất nhỏ lẻ, năng suất thấp nhưng chi phí cao đã khiến ngành chăn nuôi dễ bị tổn thương. Theo nhiều chuyên gia, nếu Nhà nước không có hành động quyết liệt thì ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với nguy cơ “thua trên sân nhà”.

Dịch cúm gia cầm xuất hiện chủ yếu trên đàn vịt có quy mô lớn của các hộ dân chăn nuôi trên địa bàn 4 huyện, thị xã… của Bắc Ninh.

Mô hình chăn nuôi heo và gà trên đệm lót sinh học mà bà con nông dân xã Bình Ba (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) áp dụng đã hạn chế ô nhiễm môi trường cũng như tăng hiệu quả kinh tế. Đây là phương pháp sử dụng chế phẩm Balasa N01 (dùng để khử độc, mùi hôi phát sinh từ chất thải chăn nuôi) kết hợp với mùn cưa, trấu, hoặc bột bắp… tạo ra quần thể vi sinh xử lý chất thải của vật nuôi, hạn chế mầm bệnh.

Gần giáp Tết Nguyên đán, gia đình ông Nguyễn Văn Định, thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) lại có nguồn thu lớn từ đàn trâu chuẩn bị xuất chuồng. Năm nay giá bán trâu vẫn duy trì ở mức 30 triệu đồng/1 con, trừ chi phí đàn trâu mang lại nguồn lợi cho gia đình trên 100 triệu đồng.