Xã Đạo Đức Chú Trọng Trồng Cây Vụ Đông

Trong vụ Đông năm 2014, cây ngô được trồng trên diện tích lớn và được coi là cây trồng chính; ngoài cây ngô và rau, đậu các loại còn được chính quyền và người dân xã Đạo Đức (Vị Xuyên) quan tâm, chú trọng cả đến cây cải Xa-lát, loại cây trồng hứa hẹn nhiều tiềm năng.
Thôn Làng Cúng có gần 50 hộ dân đều sống bằng nghề nông, người đông, ruộng ít nên, để thoát khỏi đói nghèo, bà con trong thôn đã biết khai thác tốt lợi thế về đất đai, hầu như mùa nào đồng đất của thôn cũng được trồng các loại cây nông nghiệp, không ngô thì lúa, rau, đậu. Nhờ tiếp cận được với các loại giống cây trồng mới, nên Làng Cúng là một trong 5 thôn đăng ký trồng cây cải Xa-lát trong vụ Đông năm nay.
Anh Nguyễn Hữu Huynh, Trưởng thôn tâm sự: Dân trong thôn đã chờ đợi, tìm tòi cây trồng mới vừa có hiệu quả kinh tế, vừa có thị trường tiêu thụ ổn định hơn cây ngô và vụ Đông năm trước, Công ty Vạn Đạt đã vào thôn trực tiếp làm việc với bà con để cùng triển khai trồng cây cải Xa-lát. Công ty hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, lo bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Vụ đầu đã có trên 10 hộ tham gia trồng với diện tích 2 ha. Nhiều hộ trồng nhưng vẫn ghi ngại về sự thích nghi của cây và đặc biệt là khâu tiêu thụ, do đó đã không chú tâm chăm sóc. Dù vậy cây cải Xa-lát vẫn có giá trị kinh tế khá cao, bình quân 1 sào thu gần 3 tạ, Công ty thu mua với giá 5.500đồng/kg và xã hỗ trợ 500 đồng/kg để nâng giá bán cho nông dân lên thành 6.000 đồng/kg cải Xa-lát, nhờ đó mà người dân trong thôn vững tâm đăng ký trồng, với số hộ tăng lên 44 hộ, hiện một số hộ đã mua giống về trồng cây con, một phần chờ làm đất xong là trồng.
Tuy nhiên, đối với cây cải Xa-lát ở xã Đạo Đức năm nay cũng có sự hạn chế về giống, là loại cây trồng đòi hỏi chế độ tưới tiêu thường xuyên, ở xã có những thôn đảm bảo tốt điều này như Làng Cúng, Bản Bang, Làng Khẻn, Làng Má. Theo kế hoạch năm 2014, xã Đạo Đức sẽ trồng 14 ha cải Xa-lát, phần lớn bà con tự nguyện đăng ký, bởi hiệu quả của nó đã thấy rõ qua các vụ trồng thử nghiệm trước.
Anh Lê Đình Trung, Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngoài cây cải Xa-lát, cây ngô cũng vẫn được xã quan tâm, chỉ đạo trồng; vụ Đông năm ngoái, cả xã có 20 ha, năng suất dù thấp hơn vụ Mùa, vụ Xuân nhưng giá trị thành tiền cũng đạt 52 triệu đồng/ha. Cây ngô lại phù hợp với điều kiện đồng đất khô hạn ở hầu khắp các cánh đồng trong xã Đạo Đức, mặt khác các hộ trồng còn được huyện hỗ trợ giá giống nên số hộ đăng ký trồng tăng, với tổng diện tích 24 ha. Đến thời điểm này, các hộ đã trồng hết diện tích và đang tiến hành chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho ngô.
Đặc biệt, vụ Đông năm nay, lần đầu tiên xã Đạo Đức đưa giống ngô nếp tím vào trồng thử nghiệm ở 2 thôn Độc Lập và Làng Lùng, huyện hỗ trợ 100% giống (40 kg giống). Đây là giống ngô mới có ưu điểm bắp to, hạt đều, thời gian cho thu hoạch ngắn; nếu thành công từ vụ Đông năm sau xã sẽ triển khai trồng ra các thôn khác. Cùng với cây cải Xa-lát, ngô, xã Đạo Đức cũng đã tuyên truyền vận động người dân trồng được trên 60 ha rau, đậu các loại.
Người dân xã Đạo Đức tập trung trồng cây vụ Đông, đất không nghỉ cũng có nghĩa là cái đói, cái nghèo đang lùi dần để nhường chỗ cho ấm no và hạnh phúc.
Nguồn bài viết: http://baohagiang.vn/?lang=V&func=newsdetail&newsid=32362&CatID=150&MN=26
Có thể bạn quan tâm

Theo Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, hiện nay tình trạng nghêu chết mới tại vùng ven biển Gò Công đã giảm nhiều so với trước. Theo số liệu ghi nhận từ địa phương, đến nay đã có 1.560,34 ha có hiện tượng nghêu chết với tổng sản lượng nghêu chết ước tính khoảng 16.955 tấn, tương đương giá trị thiệt hại trên 272 tỷ đồng.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tháng 4 là thời điểm tháng đầu của vụ cá Nam, thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động đánh bắt thủy sản. Thêm vào đó, nhiều loại hải sản xuất hiện ngay từ đầu vụ nhất là cá cơm, cá ngừ, cá sọc dưa, cá hố... cùng với chính sách phát triển ngành thủy sản nên các địa phương ven biển đã khuyển khích nhiều hộ ngư dân đồng loạt ra khơi bám biển.

Những ngày qua, nông dân trong tỉnh Bạc Liêu phải “vật lộn” với thời tiết để tìm cách cứu lấy con tôm. Nắng nóng làm cho tôm nuôi chậm lớn và mắc phải nhiều bệnh như hoại tử gan tụy (EMS), phân trắng, bệnh đục cơ… Ngành quản lý đang khuyến cáo nông dân áp dụng nhiều biện pháp phòng bệnh cho tôm để làm giảm thiệt hại.

Phòng Kinh tế TP. Quy Nhơn (Bình Định) cho biết: Trong 3 tháng đầu năm 2015, các hộ ngư dân làm nghề ương nuôi tôm hùm giống ở xã Nhơn Hải và phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn đã thả ương nuôi hơn 156.200 con tôm hùm giống, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2014.

Cá rô phi được Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định là một trong 4 đối tượng thủy sản nuôi chủ lực trên cả nước. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, kinh nghiệm nuôi cùng cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến tương đối tốt nên Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển mạnh nghề nuôi và chế biến xuất khẩu cá rô phi.