Vụ hè thu ở Krông Nô khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất

Đến thời điểm này, mặc dù thời tiết đầu vụ với lượng mưa ít và không đều nên nông dân trong huyện đã nỗ lực bơm hút nước tưới cho những diện tích cây trồng cạn như ngô, đậu đỗ các loại… Những vùng sản xuất lúa trọng điểm như Đắk D’rô, Đức Xuyên, Đắk Nang… đồng ruộng đã đủ nước, người dân đang tập trung làm đất, gieo cấy lúa vụ hè thu.
Vụ hè thu này, cây ngô là cây trồng chủ lực của huyện. Vì thế, huyện đã triển khai nhiều giải pháp để cùng với nông dân đẩy mạnh sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Hiền ở thôn Xuyên Hải, xã Đức Xuyên cho hay: Cánh đồng dọc theo tỉnh lộ 4 được người dân trong thôn trồng ngô nhiều năm nay rồi. Cứ xong vụ ngô đông xuân, gia đình ông lại tiến hành xử lý đất ngay để xuống giống ngô vụ hè thu sớm hơn các địa phương khác từ 1 - 2 tháng. Để sản xuất được cây ngô trong những tháng khô hạn, nắng nóng nhất trong năm ở vùng này là nhờ vào nguồn nước của dòng sông Krông Nô, có hộ ở xa sông phải đào giếng để tưới. Nhờ vậy, cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt, đến nay đã trổ cờ, thụ phấn.
Cũng theo ông Hiền thì mấy năm nay, gia đình ông hợp đồng với Công ty Giống cây trồng CP Việt Nam sản xuất ngô giống. Từ làm ngô thương phẩm sang sản xuất ngô giống có vất vả hơn nhưng ngược lại, khi sản phẩm làm ra, công ty thu mua ngô nguyên cùi với giá 8.000 đồng/kg, cao hơn 2.000 - 3.000 đồng/kg ngô thương phẩm. Do vậy, người trồng ngô không chỉ được hưởng lợi về giá bán mà còn yên tâm về đầu ra của sản phẩm.
Còn bà Trần Thị Lan ở buôn 9, xã Đắk D’rô cho biết: “Vụ này, gia đình tôi trồng 0,4 ha ngô, đã hơn 20 ngày qua trên địa bàn xã mới có được cơn mưa. Từ ngày xuống giống đến nay, tôi đã phải bơm tưới đến 4 lần. Nếu vào thời điểm này những năm trước thì mưa đã nhiều rồi, tôi không lo chuyện chạy nước cho ruộng ngô nữa”.
Theo ông Mai Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk D’rô thì vụ hè thu năm nay, xã gieo trồng 817 ha cây trồng các loại, trong đó có 250 ha lúa, 500 ha ngô. Từ đầu vụ đến nay, trời không có mưa nên nông dân phải dùng máy bơm hút nước từ kênh mương thủy lợi, giếng đào nên hầu hết diện tích ngô, đậu đỗ của người dân không bị ảnh hưởng nặng do hạn gây ra.
Để thực hiện tốt kế hoạch gieo trồng, huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành chuyên môn và địa phương trên địa bàn tích cực chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật cho sản xuất vụ mùa như rà soát, cân đối nhu cầu về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại… Nhờ đó, việc triển khai sản xuất đến nay diễn ra thuận lợi và tiến độ gieo trồng đúng thời vụ, đúng kế hoạch đề ra.
Nông dân xã Đức Xuyên làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa vụ hè thu
Ông Đỗ Tuấn Cường, Giám đốc Chi nhánh Công ty Khai thác Công trình thủy lợi huyện cho biết: “Để đảm bảo nước tưới cho 2.642 ha lúa hè thu, đơn vị đã phối hợp với các địa phương trong huyện đôn đốc các đơn vị sử dụng nước, người dân nạo vét kênh mương, tập trung sửa chữa những công trình hư hỏng để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho toàn bộ mùa vụ”.
Với sự chuẩn bị khá kỹ trong việc chỉ đạo sản xuất, phòng trừ dịch hại, phòng chống thiên tai một cách khá chủ động, các cấp, ngành của huyện đang giúp người dân khắc phục khó khăn, vượt qua những thách thức trong tình hình thời tiết bất thuận để đẩy mạnh sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Vụ hè thu năm nay trên đồng ruộng huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận xuất hiện nhiều “lúa ma” gây thiệt hại đáng kể cho nông dân. Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện tập trung tuyên truyền hướng dẫn bà con biện pháp phòng trừ “lúa ma” gây hại, hạn chế lây lan trên diện rộng.

Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) thông tin, một ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xảy ra ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng trên đàn gà 114 con làm 102 con bị chết.

Tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh, được hỗ trợ kỹ thuật, phát huy sức mạnh tập thể… là những lợi ích thiết thực mà mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học (ATSH) ở xã Tân An (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) đã triển khai và khá thành công trong những năm gần đây.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung 128 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2015 cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mua bù 1.470 tấn hạt giống lúa, 388 tấn hạt giống ngô và 28,7 tấn hạt giống rau đưa vào dự trữ quốc gia.

Cây xạ đen mang lại giá trị kinh tế cao gấp 3 – 4 lần so với canh tác lúa hoặc các loại hoa màu khác. Đặc biệt, người dân trồng cây xạ đen không cần phải mang đi xa mà thương lái vào tận vườn thu mua.