Vươn mình đến ngày mới

Nâng cao đời sống nhân dân
Chúng tôi có mặt tại vườn tiêu của ông Đào Đăng Yến (xã Trung Sơn, Gio Linh) trong những ngày gia đình đang thu hoạch.
Nở nụ cười mãn nguyện, ông Yến khoe: “Tiêu năm nay được mùa, được giá nên gia đình tui lãi hơn năm chục triệu.
Đối với một nạn nhân bom mìn, bị cụt hết hai tay như tui thì từng đó tiền đã là niềm mơ ước.
Có được điều này phải kể đến sự hỗ trợ của chính quyền huyện, xã hỗ trợ vốn liếng, kỹ thuật…”.
Mô hình trồng tiêu của ông Yến chỉ là một trong nhiều mô hình hay, hiệu quả ở Gio Linh.
Ông Trần Ngọc Lân - Chủ tịch UBND huyện Gio Linh (Quảng Trị) cho hay, huyện nhà gánh chịu hậu quả chiến tranh nặng nề nên xuất phát điểm xây dựng NTM rất thấp, số xã dưới 5 tiêu chí quá nhiều.
Chúng tôi đã phải đau đầu tìm giải pháp, căn cơ nhất là nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Và, hướng đi xuyên suốt của Gio Linh là tập trung phát triển kinh tế vùng gò đồi, miền núi bằng cách cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích cây hồ tiêu, cao su, hình thành vùng sắn nguyên liệu, phát triển trạng trại kinh tế tổng hợp, kết hợp chăn nuôi, trồng rừng đạt tiêu chuẩn FSC….
Gio Linh là huyện có sản lượng khai thác thủy sản lớn nhất tỉnh Quảng Trị và nghề hấp cá, chế biến cá cũng trở thành thế mạnh của huyện này.
Còn vùng cát miền biển thì tập trung cải hoán, nâng cấp tàu thuyền, từng bước hiện đại hóa ngư lưới cụ, vươn khơi đánh bắt xa bờ…gắn với phát triển hoạt động hậu cần nghề cá, thu mua chế biến thủy sản.
Đến nay, huyện có 155 tàu đánh bắt xa bờ, sản lượng thủy sản đạt 14.500 tấn (năm 2014), kinh tế biển trở thành mũi nhọn.
Ngoài ra, Gio Linh còn tập trung phát triển chăn nuôi tôm, cá bằng các mô hình như cá-lúa, nuôi cá chình lồng ở xã Gio Hòa, nuôi cá chẽm, cá rô đầu vuông… Việc dồn điền đổi thửa đi liền với cơ giới hóa nông nghiệp, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, cánh đồng mẫu lớn.
“Trước đây, năng suất chỉ dưới 50 tạ/ha, nay nhờ chọn được giống ngắn ngày chất lượng cao làm chủ lực nên năng suất tăng lên, đạt 53-54 tạ/ha là chuyện bình thường, có nơi đạt trên 56 tạ/ha” – ông Lân phấn khởi.
Cần thêm nguồn hỗ trợ
Để nâng cao tinh thần xây dựng NTM, Gio Linh đã phát động phong trào thi đua “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương” lồng ghép với phong trào hiến đất, hiến công… xây dựng NTM.
Những tấm gương hiến đất, hiến công, hiến kế, những phong trào vệ sinh rác thải khu dân cư, đồng ruộng, chương trình thắp sáng đường quê… được biểu dương, nhân rộng.
Nhờ vậy, phong trào xây dựng NTM Gio Linh đã lan tỏa đến tận mỗi mái nhà, trở thành một cuộc cách mạng làm thay đổi bộ mặt Gio Linh.
Hàng năm, giá trị sản xuất của huyện tăng bình quân 8,56%; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 30,03 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,8%, nhiều xã đạt từ 12-14 tiêu chí.
Mô hình trồng tiêu của ông Đào Đăng Yến (xã Trung Sơn, Gio Linh) là một trong nhiều mô hình hay, hiệu quả ở Gio Linh.
Ông Lân cho hay, trong những năm tiếp theo, Gio Linh sẽ tiếp tục khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh; huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng NTM gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế...
Phấn đấu giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm từ 9 - 9,5%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt trên 50 triệu đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 2,5 - 3%.
Nhiệm vụ trước mắt đó là vào cuối năm 2015 huyện sẽ có 2 xã đạt NTM.
Tuy vậy, nỗi băn khoăn lớn nhất của huyện là điều kiện cơ sở hạ tầng nông thôn, phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chưa đồng bộ, nhiều nơi còn thiếu và yếu.
Đến nay, huyện chỉ mới kiên cố hóa được 50% chiều dài đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng.
Trong khi đó, nguồn ngân sách huyện hạn chế, khả năng huy động từ nhân dân không nhiều.
“Gio Linh đất lửa rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, trung ương, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp để đẩy nhanh xây dựng NTM, nâng cao đời sống nhân dân” – ông Lân chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, do ảnh hưởng của El Nino làm cho nền nhiệt độ tăng cao, lượng mưa giảm là nguyên nhân gây ra hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn.

Những năm qua, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã chủ động thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống lúa thông thường sang thâm canh những giống lúa có chất lượng cao (CLC), trong đó có nếp cái hoa vàng. Hiệu quả bước đầu cho năng suất cao, chất lượng tốt, được thị trường phản hồi tích cực.

Thông tin từ Bộ phận khuyến nông, thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), hiện công ty đã đưa về 8 giống mía từ Viện Nghiên cứu mía đường và đang tiến hành trồng khảo nghiệm tại trại thực nghiệm của Casuco ở huyện Phụng Hiệp và một số hộ dân bên ngoài.

Thới Bình là huyện trọng điểm của Cà Mau về quy hoạch trồng mía, nhưng từ nhiều năm nay, người dân không thể sống với cây mía nên đã "phá rào" chuyển đổi qua nuôi trồng cây con khác. Thực trạng trên đến nay đã đến mức báo động.
Nhằm đẩy mạnh chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam ra thị trường trong nước, xuất khẩu, đưa thương hiệu cam Cao Phong phát triển bền vững trong thời gian tới, trong 2 ngày 27 - 28/11, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ hội cam Cao Phong lần thứ nhất.