Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vườn Bơ Đầu Dòng Tin Cậy

Vườn Bơ Đầu Dòng Tin Cậy
Ngày đăng: 12/02/2014

Từ việc bình tuyển những cây bơ đầu dòng để nhân giống, đến nay, Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng đang sở hữu một vườn bơ đầu dòng có diện tích khoảng 2 sào. Mỗi năm, vườn bơ đầu dòng này cung cấp cho Trung tâm từ 40 – 50 ngàn chồi giống để sản xuất giống bơ ghép.

Một trong những chức năng của Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng, là sản xuất các loại giống cây trồng cung ứng cho bà con nông dân. Ngoài những giống cây trồng “có tiếng” như chè TB 14, cà phê, sầu riêng… thì bơ cũng là một trong những cây giống chủ lực đang được Trung tâm đầu tư sản xuất.

Qua việc bình tuyển những cây bơ đầu dòng với những tiêu chí khắt khe, giờ đây người trồng bơ có thể yên tâm lựa chọn giống bơ ghép của Trung tâm để chuyển đổi giống. Giống bơ ghép mà Trung tâm đang sản xuất đều được ghép từ chồi của 9 cây bơ mẹ được Sở NN - PTNT công nhận là cây đầu dòng.

Ông Phạm Tấn Khoa, Trưởng Phòng Kinh tế - Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng, cho biết: “Tất cả 9 dòng bơ đầu dòng mà Trung tâm hiện có, đều được tuyển chọn từ những vườn bơ của người dân trong tỉnh. Vì vậy, để có được vườn bơ đầu dòng như hiện nay, hàng năm chúng tôi đều tổ chức hội thi bơ nhằm thu hút người dân đến tham gia rồi tuyển chọn.

Những cây bơ được bình tuyển là cây đầu dòng phải hội đủ các tiêu chí nổi trội như năng suất, chất lượng tốt, có khả năng sinh trưởng và phát triển phù hợp với thực tế sản xuất của các vùng trồng bơ trong tỉnh. Quan trọng hơn, cây đầu dòng phải cho quả nhiều, to, hàm lượng chất béo cao, thịt mịn và dẻo. Sau đó, bằng phương pháp nhân giống “vô tính”, chúng tôi cho phát triển thành vườn đầu dòng để lấy chồi giống phục vụ cho người dân”.

Qua các số liệu nghiên cứu từ Trung tâm cho thấy, những đặc tính của bơ ghép đầu dòng như năng suất, chất lượng, sự thích nghi, chống chịu sâu bệnh, giá trị kinh tế… đều vượt trội so với giống bơ thực sinh (trồng từ hạt). Bên cạnh đó, bơ ghép còn có một đặc tính ưu việt khác là cây nhanh cho quả. Nếu như, trồng bơ hạt phải mất ít nhất 5 năm cây mới cho quả, thì bơ ghép chỉ mất 3 năm.

Ông Lê Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng, khẳng định: “Để sản xuất được giống bơ ghép đầu dòng có chất lượng, đòi hỏi người sản xuất giống phải có sự hiểu biết và nắm vững các quy trình của bơ đầu dòng.

Cây bơ mẹ được công nhận là cây đầu dòng, thì phải được ngành chức năng công nhận. Khi đã có cây đầu dòng chuyên lấy chồi ghép, thì việc chọn chồi và khâu ghép quyết định đến sự thành bại. Chồi chọn để ghép phải đảm bảo các tiêu chuẩn như độ tuổi của chồi, chồi phải đẹp và có lực, thì khi ghép cây giống mới phát triển tốt. Qua tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận, tất cả những vườn bơ được người nông dân mua giống từ Trung tâm về trồng đều đạt tỉ lệ sống trên 90% và cây phát triển rất tốt.

Đặc biệt, nhiều vườn bơ ghép mới được trồng chưa đầy 3 năm đã cho quả bói. Cũng theo ông Hùng, hiện nay do giá cây giống bơ đang “hút” người nông dân, vì thế các điểm ươm giống “lậu” cứ thế mọc lên mà không có sự quản lý của các ngành chức năng. Điều này, đang gây khó khăn rất lớn cho người nông dân khi mua giống bơ ghép về trồng và làm mất uy tín của bơ đầu dòng.

Ông Phạm Văn Hiệu (thôn 16, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) cho hay: “Trước đây, gia đình tôi trồng 3 ha cà phê, sau khi thu hoạch trừ các chi phí, nguồn thu mang lại cho gia đình cũng còn thấp. Được người bạn giới thiệu, tôi liền đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng.

Sau một thời gian cây bơ phát triển tốt, cây nào quả cũng sai, to và ngon. Tới nay, vườn bơ nhà tôi năm nào cũng cho năng suất cao, chất lượng tốt nên bán rất có giá. Năm nay, bơ loại 1 chính vụ tôi bán từ 20 - 30 ngàn đồng/kg; bơ trái vụ, bán từ 50 – 70 ngàn đồng/kg.

Giống bơ ghép mà Trung tâm đang sản xuất, không chỉ được người nông dân tin tưởng, ưa chuộng mà còn được Viện Chất lượng Việt Nam công nhận là giống bơ “vàng”. Ông Hùng cho biết thêm: “Để khẳng định những bước tiến của giống bơ ghép, Trung tâm đã đăng ký tham gia dự thi Chương trình “Chất lượng Việt Nam phù hợp tiêu chuẩn năm 2013” do Viện Chất lượng Việt Nam tổ chức.

Kết quả, tại buổi lễ trao giải ở TP Hồ Chí Minh vào ngày 29/12/2013, giống bơ ghép đầu dòng của Trung tâm đã đoạt 2 giải, là “Cúp vàng” và “Huy chương Vàng chất lượng Việt Nam phù hợp tiêu chuẩn” do Viện Chất lượng Việt Nam trao tặng. Giải thưởng này đã phần nào khẳng định được giá trị của giống bơ ghép do chúng tôi bình tuyển để nhân giống”.


Có thể bạn quan tâm

Heo Hơi Tăng Giá, Người Nuôi Có Lợi Nhuận Hơn 1 Triệu Đồng/con Heo Hơi Tăng Giá, Người Nuôi Có Lợi Nhuận Hơn 1 Triệu Đồng/con

Thống kê của Trạm Thú y huyện, tổng đàn heo hiện có của huyện gần 14.000 con. Nhiều hộ nuôi heo cho biết, thời gian này rất thích hợp cho việc tái đàn để phục vụ thị trường sắp tới. Tuy nhiên, số lượng con giống ở địa phương đang khan hiếm và dự báo sẽ tăng giá, người nuôi sẽ đầu tư chi phí cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận khi xuất chuồng.

12/06/2014
Nông Dân Trồng Cỏ Voi Làm Thức Ăn Cho Gia Súc Mùa Hạn Nông Dân Trồng Cỏ Voi Làm Thức Ăn Cho Gia Súc Mùa Hạn

Thời tiết khô hạn kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và chăn nuôi trên diện rộng. Trước thực trạng đó, nông dân địa phương đã có nhiều phương án nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại trong sản xuất, như: chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng diện tích cây hoa màu, đậu các loại; chủ động di chuyển đàn gia súc từ vùng cao xuống đồng bằng, nhằm tận dụng nguồn nước và các loại phụ phẩm nông nghiệp.

12/06/2014
Hà Nam Sẽ Tiếp Tục Phát Triển, Nhân Rộng Mô Hình Liên Kết Sản Xuất Cà Chua Bi Hà Nam Sẽ Tiếp Tục Phát Triển, Nhân Rộng Mô Hình Liên Kết Sản Xuất Cà Chua Bi

Mô hình liên kết sản xuất cà chua bi được triển khai thực hiện vào vụ Đông năm 2013 tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Đây là địa phương đầu tiên được UBND tỉnh chọn xây dựng thí điểm mô hình liên kết sản xuất cà chua bi, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Chế biến nông sản Hội Vũ cung ứng và bao tiêu sản phẩm.

12/06/2014
Người Trồng Cao Su Tìm Cách Vượt Khó Người Trồng Cao Su Tìm Cách Vượt Khó

Mùa khai thác mới đã bắt đầu với những người trồng CS. Tuy nhiên, năm nay họ bước vào mùa cạo mới với nhiều lo toan về giá cả, thị trường tiêu thụ...

12/06/2014
Cây Bơ Booth 7 Ở Đức Mạnh (Đắk Nông) Cây Bơ Booth 7 Ở Đức Mạnh (Đắk Nông)

Nếu như nhiều hộ dân khác thường có tâm lý coi cây bơ là cây trồng phụ xen trong vườn, rẫy thì chị Nguyễn Thị Mộng Vân ở thôn Đức Thành, xã Đức Mạnh (Đắk Mil - Đắk Nông) lại có cái nhìn khác.

12/06/2014