Vũng Tàu: Trồng Xen Canh Dưa Hường Với Khoai Mì

Trong điều kiện diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, nhiều nông dân ở xã Tam Phước (huyện Long Điền - Bà Rịa - Vũng Tàu) đã chọn cách trồng xen dưa hường vào khoai mì, giúp tận dụng tốt diện tích sản xuất, nâng cao thu nhập và giúp cho việc chăm sóc khoai mì hiệu quả cao hơn.
TĂNG THU NHẬP
Là một người trồng khoai mì nhiều năm ở xã Tam Phước, ông Nguyễn Văn Nguyên cho biết, nhiều năm trước, do chỉ độc canh mỗi cây khoai mì nên thu nhập của gia đình ông rất thấp. Từ khi biết cách trồng xen dưa hường vào khoai mì, thu nhập gia đình ông đã cải thiện đáng kể. Vụ rồi, ông trồng xen dưa hường vào diện tích 1 ha đất trồng khoai mì, đã cho thu hoạch đến 4 tấn dưa, với giá bán gần 4.000 đồng/kg ông Nguyên “thắng” hơn 15 triệu đồng.
Nhiều người khác sau những lần đắn đo đã thực hiện việc trồng xen dưa hường vào khoai mì và hiệu quả mang lại hơn mong đợi. Bà Trần Thị Vân cho biết, năm trước đã biết nhiều gia đình làm mô hình này, nhưng bà lo ngại làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến năng suất khoai mì nên không thực hiện. Qua đúc kết kinh nghiệm từ các hộ đã làm, năm nay bà trồng xen dưa vào 4 sào khoai mì, mỗi ngày thu hoạch gần trăm ký, tính đến nay bà đã thu được gần 5 triệu đồng từ tiền bán dưa.
Hiện nay trên các vùng trồng khoai mì xã Tam Phước, số hộ thực hiện mô hình này tăng nhanh, ước tính có đến vài chục hộ tham gia và khoảng hơn 20 ha diện tích đất trồng khoai mì xen canh dưa hường. Theo ông Nguyên, vào đầu vụ dưa hường rất hút hàng và giá rất cao, một số thời điểm dưa giá đến 8.000 đồng/kg, do đó những người có diện tích đất thuận lợi về nước tưới nếu trồng sớm có thể thu nhập hơn 30 triệu đồng/ha.
CHỈ LÀ CÂY TRỒNG XEN
Theo ông Nguyên, dưa hường là đối tượng rất dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc và rất thích hợp trên đất cát, thời gian xuống giống cho đến lúc thu hoạch lứa đầu tiên chỉ trong 1 tháng, vào tháng thứ 2 dưa bắt đầu cho thu hoạch rộ và nếu hộ nào chăm sóc hợp lý thì chỉ thu hoạch dứt điểm trong tháng thứ 2. Với chu kỳ ngắn như trên, người trồng dưa có đủ thời gian để chăm sóc cho khoai mì phát triển bình thường.
Mặc dù dưa hường dễ trồng nhưng người trồng dưa không nên lạm dụng trồng quá dày sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển khoai mì, tốt nhất là nên trồng số gốc dưa chỉ bằng 50% số hom mì, giữ cho các ngọn dưa không quấn vào ngọn mì và tăng số lượng phân bón khoảng hơn 10 - 15% là hợp lý. Nên xác định rõ dưa chỉ là cây trồng xen, do vậy không nên kéo dài thời gian thu hoạch dưa (nên chỉ thu hoạch gọn trong 1 tháng) để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của khoai mì.
Có thể bạn quan tâm

Trước thông tin gần đây nông dân ở một số tỉnh ồ ạt đốn ca cao để trồng cây khác có hiệu quả kinh tế hơn, ông Trần Văn Nhịn, Trưởng Ban Quản trị Hợp tác xã (HTX) Ca cao Chợ Gạo (Tiền Giang) khẳng định: “Không có cây gì trồng xen vườn dừa hiệu quả hơn cây ca cao”.

UBND tỉnh Trà Vinh vừa quyết định hỗ trợ gần 400 triệu đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ năm 2013 giúp nông dân xây dựng tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm quýt đường Thuận Phú (xã Bình Phú, huyện Càng Long) và sản phẩm măng cụt Tân Quy (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè).

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Tam nông, tình hình các vùng nông thôn của Hà Giang đã có nhiều khởi sắc, thu nhập của nông dân không ngừng được nâng lên.

Nhằm giúp hội viên nâng cao thu nhập, Hội ND xã Đa phước, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh đã vận động các hộ nuôi tôm thành lập tổ hợp tác (THT) nuôi tôm nước ngọt.

Nhằm tăng cường công tác quản lý đàn cá tra bố mẹ có chất lượng di truyền cao về tính trạng tăng trưởng cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu đến năm 2015 có đủ giống cá tra chất lượng cao, sạch bệnh, thay thế toàn bộ giống cá tra hiện nay tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phục vụ nhu cầu sản xuất bền vững đối tượng cá tra, ngày 22/7/2013, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Quyết định số 1673/QĐ-BNN-Tổng cục Thủy sản , ban hành Quy chế quản lý cá tra bố mẹ chọn giống.