Vui vụ cá chính, lo vụ cá bắc

Được “lộc” biển
Trở về sau phiên biển kéo dài 15 ngày, chủ tàu Tiêu Viết Hồng, xã Bình Châu (Bình Sơn) và 11 lao động hồ hởi với thành quả là hơn 4 tấn cá mó, cá cam, cá kình.
“Số cá này được thương lái tại cảng Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận mua giá cao nên sau khi trừ phí tổn, anh em đi bạn được chia 10 triệu đồng/người.
Còn mình cũng bỏ túi được kha khá”, anh Hồng cho biết.
“Quả ngọt” ấy chẳng những giúp chủ tàu cùng anh em đi bạn có niềm vui lớn, mà còn tạo khí thế để họ tiếp tục phiên biển mới.
Cảng cá nhộn nhịp bán mua mỗi khi tàu ngư dân cập cảng.
Còn người hàng xóm của ngư dân Tiêu Viết Hồng là lão ngư Đặng Tự cũng vui mừng không kém khi phiên biển vừa rồi, tàu của anh cũng thu về 4 tấn cá mó và tôm hùm.
Với giá bán 42.000 đồng/kg cá mó, nên sau khi trừ các khoản chi phí, 10 lao động trên tàu cũng kiếm được 12 triệu đồng/người.
Riêng chủ tàu là anh Đặng Tự thu nhập không dưới 50 triệu đồng. “17 ngày mà được thế là trúng lắm rồi đấy. Chứ mọi năm biển động, kiếm được chừng đó tiền phải mất cả tháng”, anh Tự chia sẻ.
Vụ cá chính năm nay, ngư dân trong tỉnh trọn vẹn niềm vui “trúng mùa, được giá” với sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh trong 9 tháng ước đạt 132.394 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ.
“Có được kết quả này là nhờ ngư dân mạnh dạn đầu tư trang thiết bị; đóng mới, cải hoán nâng công suất tàu cũng như tích cực tìm kiếm, khai thác ở những ngư trường mới, nhiều tiềm năng”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Huy Hoàng khẳng định.
Mong được vững vàng vươn khơi
Nếu như vụ cá chính ngư dân gặp nhiều thuận lợi trong quá trình khai thác, đánh bắt như:
Thời tiết “êm”, giá bán sản phẩm tăng trong khi giá xăng, dầu giảm thì vụ cá bắc sắp tới họ lại vấp phải không ít trở ngại. Chủ tàu Nguyễn Sáu, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cho rằng, thời tiết thay đổi thất thường, ngư dân vì thế phải tranh thủ lúc trời êm thì ra khơi đánh bắt.
“Quan trọng nhất là mình phải giữ liên lạc 24/24 giờ với anh em trong nghiệp đoàn để nắm bắt thông tin, kịp thời tránh trú khi có mưa bão”, ông Sáu bày tỏ.
Không thuận lợi như ông Sáu vì có tàu công suất lớn, chủ tàu Đặng Tự dù rất muốn tiếp tục phiên biển mới, nhưng cũng không biết làm thế nào bởi công suất tàu nhỏ, chỉ với 140CV nên anh không yên tâm ra Hoàng Sa hoạt động mùa này.
Mong ước cháy bỏng của lão ngư này chính là, có vốn nâng công suất tàu từ 140CV lên 450CV.
“Tính đăng ký vay vốn theo Nghị định 67 nhưng thấy khó quá. Mấy anh em ở đây mất cả tháng để làm giấy tờ, mà người được người không nên cũng nản, đành thôi”, ông Tự giãi bày.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi làm việc mới đây với UBND tỉnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai khẳng định:
“Sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh một số điểm trong Nghị định 67 sao cho phù hợp với thực tế các địa phương, tạo điều kiện để ngư dân thuận lợi tiếp cận nguồn vốn vay từ chính sách lớn này”.
Tuy nhiên, trước khi Nghị định 67 được sửa đổi, ông Nguyễn Ngọc Oai “hiến kế” tỉnh nên tập trung thực hiện đồng bộ 5 giải pháp của chính sách Nghị định 67, trong đó đẩy mạnh việc nâng cấp tàu và cho vay vốn lưu động, nhằm chia sẻ gánh nặng chi phí đầu tư cho ngư dân, giúp họ yên tâm bám biển.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm cải tạo giống dê địa phương có trọng lượng nhỏ (tối đa chỉ từ 25 - 30kg), và đang dần bị thoái hóa giống. Để đẩy mạnh phát triển đàn gia súc, tăng thu nhập giúp người dân XĐGN theo Nghị quyết của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra, huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã xây dựng và thực hiện Phương án cải tạo đàn dê với mục tiêu nâng cao tầm vóc, trọng lượng của dê.

Nếu mô hình thử nghiệm thành công, thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên - Lào Cai) sẽ khuyến khích các hộ nuôi cá áp dụng mô hình này thay cho lồng bè trước đây.

Khởi phát hơn chục năm, nghề nuôi cá lóc giống tại xã Khánh Hòa (Châu Phú - An Giang) đã mang lại thu nhập khá cho nhiều nông dân ít đất canh tác. Tuy nhiên, sau nhiều năm phát triển, mô hình kinh tế này đang đối diện với nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Mùa du lịch hè năm nay, Sa Pa (Lào Cai) lâm vào tình trạng khan hiếm đặc sản cá hồi, cá tầm. Lượng khách du lịch tăng cao đột biến, nguồn cung cấp lại không đủ… khiến giá loại đặc sản này tăng cao, từ 100 - 120 nghìn đồng/kg.

Ổn định diện tích cây ăn quả, tập trung cải tạo vườn tạp, đưa giống mới năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất - Đó là hướng phát triển cây ăn quả ở Mường La (Sơn La) trong những năm gần đây, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.