Vui Mùa Ngô Ngọt Trên Đất Ngọc Châu (Bắc Giang)

Ít bệnh, khả năng chống chịu khô hạn tốt, dễ tiêu thụ; sau thu hoạch, lá có thể tận dụng làm thức ăn chăn nuôi cho cá, trâu, bò; năng suất bình quân 5 tạ/1 sào, giá trị kinh tế cao gấp 3 lần so với trồng lúa. Đó là những ưu điểm nổi bật của cây ngô ngọt trên đồng đất Ngọc Châu (Bắc Giang).
Vừa nhanh tay thoăn thoắt bẻ những bắp ngô ngọt nặng trĩu trên ruộng ngô xanh mướt, vừa trò chuyện rôm rả với phóng viên, chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Tân Minh, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, (Bắc Giang) tâm sự: "Đây là năm thứ tư nhà tôi trồng cây ngô ngọt. Với 4 sào ngô ngọt hiện có, mỗi năm thu 3 vụ, gia đình lãi khoảng 40 triệu đồng."
Giống ngô ngọt Sugar 75 được xã Ngọc Châu đưa vào trồng cách đây 5 năm và phát triển mạnh trong 3 năm trở lại đây. So với các loại cây trồng vụ đông khác, cây ngô ngọt có ưu điểm vượt trội đó là ít bệnh, khả năng chống chịu khô hạn tốt, dễ tiêu thụ, năng suất cao. Sau thu hoạch lá ngô có thể tận dụng làm thức ăn chăn nuôi cho cá, trâu, bò... Thời gian từ lúc trồng đến thu hoạch chưa đến 3 tháng; năng suất bình quân 5 tạ/1 sào, thu lãi khoảng 13 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với trồng lúa. Trong thời gian trồng ngô, nông dân vẫn có thể trồng luân canh khoai tây hay các loại rau màu.
Ông Trần Toàn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Châu cho biết: UBND xã đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ngô, đồng thời tìm kiếm, ký kết với một số doanh nghiệp ở các tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên trong việc tiêu thụ sản phẩm. Đến nay giá trị cây ngô ngọt đã được khẳng định.
Hiện toàn xã Ngọc Châu có khoảng 20 ha trồng ngô ngọt, tập trung ở một số thôn như Tân Minh, Trung Đồng, Bằng Cục, Bình An, Tân Châu, Quang Châu, trong đó thôn Tân Minh có gần 11 ha với hơn 100 hộ tham gia. Đây cũng là thôn trồng thử nghiệm giống ngô ngọt đầu tiên của xã. "Ban đầu các hộ cũng băn khoăn không biết liệu cây trồng này có đem lại hiệu quả so với các loại cây trồng khác hay không, tuy nhiên được sự quan tâm hướng dẫn của cấp trên, chúng tôi đã tuyên truyền, giúp đỡ bà con hiểu và làm theo. Giờ đây, hầu hết gia đình nào cũng trồng giống ngô này", ông Nguyễn Tiến Ngọc, Bí thư Chi bộ thôn Tân Minh chia sẻ.
Là loại thực phẩm dễ chế biến, có vị ngọt đậm, bùi nên ngô ngọt được làm thành nhiều món như chè, xôi, bột ngũ cốc, dấm ngô bao tử... Ngoài ra, có thể luộc hoặc nướng ăn nóng rất hợp với thời tiết giá, rét.
Vụ ngô đông này, nông dân Ngọc Châu phấn khởi khi mỗi 1 kg ngô ngọt có giá bán 8 nghìn đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm này năm ngoái.
Mặc dù hiện nay việc tiêu thụ của nông dân khá thuận lợi, song để cây ngô ngọt mang lại giá trị kinh tế bền vững, tiếp tục cần sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương và ngành chức năng trong việc nhân rộng diện tích ra toàn huyện, qua đó giúp nông dân tăng thêm thu nhập và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, giá cao su xuất khẩu liên tục sụt giảm, diễn biến thất thường, thậm chí có thời điểm rơi xuống dưới 30 triệu đồng/tấn, chưa bằng một phần tư giá năm 2011.

Vừa qua, có thông tin nông dân trồng tiêu đang trữ tiêu quá nhiều chờ giá cao. Tuy nhiên thực tế cho thấy đến thời điểm này, nông dân trồng tiêu đã bán đi khá nhiều. Lượng tiêu do dân trữ lại không còn nhiều.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sản lượng nhãn của Hưng Yên năm nay ước đạt khoảng 35.000 tấn, trị giá khoảng 300-400 tỉ đồng.

Thời gian gần đây, trên những trang quảng cáo của các báo và mạng Internet xuất hiện thông tin về một giống dừa tên gọi dừa xiêm dây siêu trái.

Theo kế hoạch năm 2015, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) sẽ thả nuôi 5.700 ha thủy sản các loại, trong đó có 4.100 ha nuôi tôm nước lợ. Tính đến cuối tháng 8, toàn huyện đã thả nuôi 4.290 ha tôm sú và tôm thẻ, vượt kế hoạch hơn 190 ha, do có một phần diện tích bà con thả nuôi ngoài vùng quy hoạch, tập trung nhiều ở xã Tài Văn và Đại Ân 2.