Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vui Buồn Vì Dưa Ở Quảng Bình

Vui Buồn Vì Dưa Ở Quảng Bình
Ngày đăng: 09/05/2013

Tháng tư trời nắng như đổ lửa, trên những ruộng dưa hấu ở các đội Sao Vàng, Truyền Thống, thị trấn Việt Trung (Bố Trạch - Quảng Bình), bà con nông dân đang hối hả thu hoạch vụ mùa, chính trong năm. Thời điểm này, điệp khúc “được mùa mất giá” đang hiện hữu nơi đây khi giá dưa hấu đã tụt hơn một nửa so với năm ngoái, đồng thời một số chủ ruộng dưa lâm vào hoàn cảnh dở khóc dở cười vì thương lái “bỏ của chạy lấy người”...

Vụ trồng dưa hấu năm nay, ở thị trấn Việt Trung có khoảng 100ha, trong đó tập trung chủ yếu ở đội Sao Vàng 40ha và Truyền Thống 30ha, còn lại là diện tích nhỏ lẻ ở các hộ dân. Ngay từ đầu vụ, một số hộ trồng dưa nơi đây rất vui mừng vì đã được một thương lái tên là Phan Thị T. ở thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ, Bình Định ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Thế nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang” vì khi đến thời hạn thu hoạch, dưa hấu đã được bốc xếp lên xe nhưng thương lái cũng chẳng xuất hiện để thanh toán theo các điều khoản đã được ký kết trong hợp đồng.

Sáng 19-4, khi chúng tôi có mặt ở đây, anh Hà Sĩ Phú ở đội Dũng Cảm có ruộng dưa ở đội Truyền Thống cho biết, theo hợp đồng dưa hấu từ 1,5kg trở lên và không bị sâu bệnh sẽ được mua với giá 5.000 đồng/kg, tuy giá có thấp hơn so với năm trước chút đỉnh nhưng gia đình yên tâm vì đã có đầu ra cho sản phẩm. Đến kỳ hạn ghi trong hợp đồng, gia đình tui đã tiến hành thu hoạch, vận chuyển về bãi hàng rồi bốc xếp lên xe nhưng phút cuối thương lái không thể thanh toán được vì mất khả năng chi trả.

Cánh tài xế xe tải do bà T. thuê vận chuyển dưa hấu cũng lâm vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi hàng đã bốc lên xe nhưng cũng chẳng biết vận chuyển đi đâu vì chủ hàng biệt tăm. Anh Nguyễn Văn H., tài xế xe tải quê ở Bình Định cho hay: Chúng tôi được bà T. thuê đến Quảng Bình để chở dưa hấu ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. Lái xe ra đây cứ tưởng có thêm thu nhập trong thời buổi khó khăn này, vậy mà suốt mấy ngày qua phải bỏ tiền túi ra mua xăng dầu, đến khi hết tiền lại phải xin bà con ở đây bữa ăn qua ngày. Nhờ mấy anh nói dùm với bà con giải phóng hết số ưa đã bốc lên xe (21 tấn) để chúng tôi vào, cứ như thế này khổ lắm.

May mắn cho bà con là trong hoàn cảnh như vậy thì có một thương lái ở thị trấn Hoàn Lão nghe tiếng lên thu mua, và sau một hồi nâng lên đặt xuống giá dưa hấu bị đẩy xuống chỉ còn khoảng 3.600 đồng/kg. Đành rằng biết giá đó là người trồng dưa cầm chắc lỗ, nhưng không lẽ nhìn dưa thối, hư hỏng mà không bán được, anh Phú chia sẻ.

Mang theo tâm trạng của bà con nông dân khi họ lâm vào hoàn cảnh khó khăn này, chúng tôi tiếp tục hành trình vào vựa dưa hấu lớn nhất của thị trấn Việt Trung. Vượt qua một quãng đường dài, chúng tôi bắt gặp trải dài dưới tán rừng cao su là bãi tập kết dưa hấu được chất cao như núi.

Ở đây nhộn nhịp cảnh người mua kẻ bán với hàng loạt xe tải cỡ lớn nối đuôi nhau chờ ăn hàng. Ông Phan Thanh Thế nhà ở tiểu khu 10 thị trấn Việt Trung cho hay, vụ dưa năm nay gia đình trồng được 1ha ở xứ đồng Sao Vàng, năng suất trung bình khoảng từ 13-15 tấn/ha. Năm nay bà con được mùa dưa nhưng giá thấp, đầu vụ giá 5.000 đồng/kg nay chỉ còn 4.300 đồng/kg. So với vụ dưa hấu năm trước, có thời điểm giá chạm đỉnh 8.300 đồng/kg sau đó giảm xuống còn 7.200 đồng/kg, bà con trồng dưa thu lãi lớn sau khi đã trừ đi chi phí.

Trên cánh đồng dưa Sao Vàng nắng rát, anh Trần Sĩ Hoài tâm sự, hơn ba tháng nay với cảnh “ăn cùng dưa, ngủ cùng dưa”, cùng với khoản đầu tư khoảng 30 triệu đồng cho 1ha dưa hấu của gia đình, tui tưởng đến kỳ thu hoạch sẽ được giá, ai ngờ dưa rớt thê thảm. Với mức thu mua tại ruộng là 4.300 đồng/kg, tui tính lãi khoảng 20 triệu đồng nhưng chưa trừ công sức chăm sóc, nhân công thu hoạch mô chú à.

“Được mùa, mất giá” hoàn cảnh đó không chỉ dành riêng cho bà con trồng dưa hấu ở thị trấn Việt Trung, mà còn là hình ảnh phổ biến đối với người nông dân trong cả nước, đồng thời nó mang đến rất nhiều hệ lụy. Và xem ra mối liên kết “4 nhà” trong tiêu thụ nông sản vẫn là bài toán đến nay chưa có lời giải!


Có thể bạn quan tâm

Cá Ngừ Tăng Giá Ngư Dân Vẫn Lỗ Nặng Cá Ngừ Tăng Giá Ngư Dân Vẫn Lỗ Nặng

Lần đầu tiên trong năm nay, cá ngừ đại dương do ngư dân khai thác, đưa về cảng được thu mua với giá 110.000 đồng/kg, tăng hơn 20.000 đồng/kg so với các tháng trước. Giá tăng – bà con ngư dân rất đỗi vui mừng. Tuy nhiên, nỗi lo bám biển của người ngư dân thì vẫn còn đó; bởi lẽ sản lượng cá ngừ đánh bắt ở thời điểm này được nhận định là thấp nhất từ trước đến nay.

10/09/2014
Giới Thiệu Tàu Cá Vỏ Composite Cho Ngư Dân Giới Thiệu Tàu Cá Vỏ Composite Cho Ngư Dân

Ngày 8/9, tại TP Tuy Hòa, Công ty TNHH Tư vấn và đóng tàu Việt - Nhật (Công ty Yanmar) phối hợp với Sở NN-PTNT Phú Yên tổ chức giới thiệu tàu câu cá ngừ đại dương kiêm chụp mực, vây, rê có vỏ bằng vật liệu FRP (composite) cho hơn 50 ngư dân trong tỉnh.

10/09/2014
Nuôi Ba Ba Gai Thu Lãi Tiền Tỷ Mỗi Năm Nuôi Ba Ba Gai Thu Lãi Tiền Tỷ Mỗi Năm

Huyện biên giới Sông Mã, tỉnh Sơn La đang được biết đến là vùng nuôi ba ba gai với khoảng 400 hộ gia đình hiện đang nuôi trồng trên tổng diện tích 11 ha. Bình quân diện tích ao nuôi của mỗi hộ có quy mô từ 100 m2 - 5.000 m2. Hằng năm cung ứng ra thị trường chủ yếu là các tỉnh, thành miền xuôi khoảng 40.000 con giống, trên 2,5 tấn ba ba thương phẩm.

10/09/2014
Ăn Chắc, Mặc Bền Ăn Chắc, Mặc Bền

Sau thất bại từ việc nuôi chuyên canh tôm sú từ 10 năm trước, người dân ven phá Cầu Hai, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) chuyển sang nuôi tôm xen cua, cá nước lợ và đã phát huy hiệu quả.

10/09/2014
Khánh Hòa Có Hơn 480 Cơ Sở Sản Xuất Giống Thủy Sản Khánh Hòa Có Hơn 480 Cơ Sở Sản Xuất Giống Thủy Sản

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 cơ sở thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III được phép nuôi gia hóa đàn tôm thẻ chân trắng bố mẹ F1-VN phục vụ cho công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đó là Trung tâm Tư vấn sản xuất - Dịch vụ khoa học công nghệ thủy sản và Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung.

10/09/2014