Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vui, buồn quả mận Tam hoa

Vui, buồn quả mận Tam hoa
Ngày đăng: 24/06/2015

Tôi thầm thắc mắc: Đang mùa thu hoạch mận mà sao lại có hiện tượng này? Trong lúc còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, tôi chỉ còn nước méo mặt biếu vị khách quý mấy cân mận không phải sản xuất tại Lào Cai kèm theo lời xin lỗi.

Và trong sự tò mò ấy, tôi đã dành sự quan tâm về quả mận Tam hoa Bắc Hà, bắt đầu từ chính sự khan hiếm trên thị trường thành phố Lào Cai ngay thời điểm vào vụ thu hoạch mận. Lần mò, hẹn hò mãi, cuối cùng tôi cũng gặp được chị Dung, trú tại phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, người mà giới kinh doanh thường gọi là “Dung hoa quả”.

Chị Dung vốn buôn bán hoa quả quanh năm, suốt tháng, mùa này chị “chạy” vải từ Bắc Giang đi Lào Cai, buôn mận Lào Cai về chợ Long Biên, Hà Nội rồi lại nhập hoa quả miền Nam từ Hà Nội lên Lào Cai. “Mận Tam hoa năm nay mất mùa, giá đắt nhưng dễ bán”, chị Dung nhận định.

Để có đủ lượng hàng cam kết với khách hàng ở Hà Nội, chị Dung thường xuyên phải có mặt ở vùng mận Bắc Hà, gõ cửa từng nhà để đặt mua mận, thậm chí có nhà chị chỉ mua được vài chục kg. Nếu mùa mận trước, chị Dung chỉ mua tại vườn từ 8 đến 11 nghìn đồng/kg mận quả đẹp thì năm phải trả với giá 30 đến 40 nghìn đồng/kg.

Không chỉ có chị Dung mà còn khá nhiều người kinh doanh hoa quả mang mận Tam hoa Bắc Hà về Hà Nội bán, đó là lý do trực tiếp khiến quả mận trở nên khan hiếm ngay tại thị trường của tỉnh. Điều dễ hiểu là với giá mận nói trên, nhiều khách hàng là người dân tại Lào Cai sẽ giật mình và không dễ chấp nhận bỏ tiền túi mua mận Tam hoa.

Anh Vàng Văn Chanh ở thôn Na Áng A, xã Na Hối, huyện Bắc Hà, phấn khởi cho chúng tôi biết: Năm nay thời tiết không ủng hộ, quả mận không đẹp, số lượng ít chỉ bằng một nửa năm trước nhưng anh bán tại vườn chưa lúc nào dưới 40 nghìn đồng/kg, thậm chí thời điểm đầu vụ lên đến 70 nghìn đồng/kg.

Dù mận được tiêu thụ ở đâu nhưng giá bán mới là điều người trồng mận quan tâm nhất. Trong niềm vui của mùa thu hoạch, nhiều người dân Bắc Hà đã bắt đầu nghĩ tới việc trở lại mở rộng đất trồng mận và chăm sóc tốt hơn diện tích mận vốn cho thu hoạch nhiều năm trước đây.

Giống như nhiều loại cây ăn quả khác, mận cũng có những vụ xen kẽ bị mất mùa, giảm năng suất nhưng chỉ năm 2015 mới có giá cao ngất ngưởng như thế, trong khi chất lượng quả mận không thay đổi, thậm chí do thời tiết mà mẫu mã xấu hơn, ít độ ngọt hơn.

Điều gì khiến quả mận Tam hoa có giá trị cao như vậy trong khi chỉ cách đây vài vụ, người trồng mận vẫn thường trực sự lo lắng và lao đao trong các kỳ thu hoạch vì thiếu người mua, giá bán quá thấp? Ngoài sản lượng thấp thì điều mà nhiều chuyên gia, nhà chuyên môn khẳng định là danh tiếng quả mận đã làm nên giá trị của nó.

Chưa lúc nào mặt hàng mận Tam hoa Bắc Hà được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng như mấy năm trở lại đây. “Hữu xạ tự nhiên hương”, song nỗ lực của huyện Bắc Hà, ngành nông nghiệp Lào Cai trong xây dựng hình ảnh quả mận Tam hoa là không thể phủ nhận.

Từ cách đây 2 năm, Sở Khoa học và Công nghệ Lào Cai, UBND huyện Bắc Hà phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Bộ NN&PTNT) đã có nhiều cố gắng trong hình thành nhãn hiệu mận Bắc Hà, trong đó chủ đạo là quả mận Tam hoa. Năm 2015 là năm đầu tiên mận tam hoa Bắc Hà được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu chất lượng, trên mạng Internet đã có vô vàn kết quả nhãn hiệu, thương hiệu mận Tam hoa Bắc Hà với các lời ngợi ca tốt đẹp về sản phẩm này.

Bên cạnh đó, việc duy trì và mở rộng giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà vào mùa thu hoạch mận cũng góp phần quan trọng trong xây dựng hình ảnh huyện Bắc Hà và sản phẩm hoa quả địa phương trong lòng hàng vạn du khách khi tới tham dự giải.

Chung vui cùng bà con vùng trồng mận Tam hoa Bắc Hà vừa có một mùa thu hoạch được giá bán nhưng người viết bài này có chút băn khoăn. Ngành nông nghiệp Bắc Hà thống kê toàn huyện có 500 ha mận, trong đó chủ yếu là mận Tam hoa nhưng kỳ thực việc thống kê chính xác sẽ rất khó khăn. Lý do là sau bao nhiêu thăng trầm, đến nay “cao nguyên trắng” đã không còn nguyên nghĩa của nó. Bắc Hà không còn những vườn mận, đồi mận bạt ngàn, tít tắp mà phân tán khắp các khu vườn, chân ruộng, chân đồi. Cách đây vài năm, nhiều hộ đã chặt cả loạt mận hàng chục năm tuổi để trồng ngô, trồng cỏ chăn nuôi vì giá mận bấp bênh. Những quy hoạch xây dựng hạ tầng cũng đã lấy đi nhiều diện tích mận...

Mận Tam hoa Bắc Hà là sản phẩm đặc trưng vùng miền, chất lượng sẽ thua kém rất nhiều khi trồng ở nơi khác, thậm chí chỉ giữ được chất lượng tốt tại thị trấn Bắc Hà và một số xã lân cận.

Thực tế thì chất lượng quả mận Tam hoa Bắc Hà ngày nay cũng đã kém hơn trước đây rất nhiều, một số vị cao niên tại địa phương khẳng định là quả mận bây giờ nhỏ, đắng hơn, cây mận nhiều sâu bệnh hơn. Điều đó thật dễ hiểu bởi cây mận Tam hoa đã có mặt ở Bắc Hà hơn 40 năm, nguồn gen đã có những biến đổi, nhất là dưới sự tác động của khí hậu, thời tiết và cả chế độ chăm sóc của người trồng mận.

Tôi đem chuyện này trao đổi với một số người công tác trong ngành nông nghiệp thì được biết cho đến nay, việc bảo tồn, phát triển cây ăn quả này mới chỉ dừng lại ở việc cải tạo vườn bằng những quy trình hết sức giản đơn như chặt tỉa cành, tăng cường chăm sóc.

Trong một ngày nào đó, biết đâu việc tìm nguồn gen gốc của mận Tam hoa cũng là không thể cho dù việc đầu tư nghiên cứu sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì? Điều đó đòi hỏi ngành chuyên môn, địa phương... cần tích cực bảo vệ nguồn gen quý, cải tạo vườn mận để mận Tam hoa Bắc Hà mãi giữ được thương hiệu.


Có thể bạn quan tâm

Mường Khương (Lào Cai) Trồng Thử Nghiệm 1,5 Ha Cây Quang Bì Mường Khương (Lào Cai) Trồng Thử Nghiệm 1,5 Ha Cây Quang Bì

Năm 2011, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Khương (Lào Cai) được Viện Nghiên cứu môi trường sinh thái thuộc Đại học Lâm nghiệp cung cấp 3 kg hạt giống cây quang bì. Sau đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện đã tổ chức gieo ươm, sản xuất được 1.650 cây giống, trồng trên diện tích 1,5 ha tại thôn Nhân Giống, thị trấn Mường Khương.

26/01/2015
Hậu Giang Triển Vọng Với Cây Ca Cao Hậu Giang Triển Vọng Với Cây Ca Cao

Cây ca cao chịu bóng râm nên trồng xen được với nhiều loại cây có giá trị kinh tế khác để tăng thêm thu nhập cho người dân trên cùng diện tích đất canh tác đã được người dân áp dụng. Trong 3 năm (từ 2009 - 2012), Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng ca cao trồng xen trong vườn cây lâu năm góp phần phát triển nông nghiệp bền vững ở Hậu Giang” với quy mô 150ha.

26/01/2015
Phú Yên Chuyển Giao 5 Giống Sắn Mới Cho Nông Dân Sản Xuất Phú Yên Chuyển Giao 5 Giống Sắn Mới Cho Nông Dân Sản Xuất

Đây là đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn giống sắn ngắn ngày và kỹ thuật thâm canh trồng rải vụ nhằm phục vụ cho phát triển cây sắn bền vững ở tỉnh Phú Yên”, do Sở NN-PTNT phối hợp với Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh và Trường đại học Nông lâm Huế thực hiện. Trong thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ nhân rộng đưa các giống mới trên vào sản xuất.

26/01/2015
Cây Macca Loại Cây Trồng Giàu Tiềm Năng Cây Macca Loại Cây Trồng Giàu Tiềm Năng

Hiện nay, nhiều cây lấy hạt ở Việt Nam đã đạt đỉnh cao về kinh tế (như cà phê, hồ tiêu...) lại đang phải đối diện với thách thức do sự già cỗi của các vườn cây. Trong bối cảnh ấy, cây macca nổi lên như một loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao với ưu thế vòng đời lên đến hơn 60 năm.

26/01/2015
Thị Trấn Vân Canh (Bình Định) Mất Mùa Chuối Tết Thị Trấn Vân Canh (Bình Định) Mất Mùa Chuối Tết

Lý giải về hiện tượng này, ông Lê Văn Việt, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Vân Canh, cho biết: Năm 2014 thời tiết diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài, sâu đục thân hại chuối, cộng với áp thấp nhiệt đới xảy ra vào trung tuần tháng 11 vừa qua, đã gây thiệt hại gần 50% diện tích chuối tết của người dân địa phương.

26/01/2015