Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vua mắc ca kiệt quệ

Vua mắc ca kiệt quệ
Ngày đăng: 11/05/2015

Đầu năm 2005, khi cây mắc ca còn khá lạ lẫm với nhiều người trong nước, ông Trần Vinh đã mạnh dạn cùng người bạn nhập hơn 100 cây giống từ Úc và Mỹ về trồng thử nghiệm trên hơn 4.000m2 tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Ăn không ngon, ngủ không yên

Sau 3 năm đầu tư và chăm sóc kỳ công, những cây mắc ca của ông Vinh ra quả bói trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Qua năm thứ tư, mỗi cây cho sản lượng lên đến gần 70kg quả khô, với giá bán khi đó dao động khoảng 150.000 đồng/kg, ông Vinh thu về gần 700 triệu đồng. Từ thành quả ban đầu, ông Vinh được nhiều người, trong đó có cả những nhà nông học chú ý.

Sau đó, ông Vinh tiếp tục nhân giống, mở rộng diện tích canh tác lên 3 ha và nay là gần 200 ha. Toàn bộ diện tích đất trồng được ông thuê của nhà nước với giá 1 triệu đồng/ha/năm trong 50 năm. Với quy mô này, ông Vinh đang được xem là “vua” mắc ca của cả nước. Thế nhưng, mọi chuyện không suôn sẻ như người đàn ông này mong muốn.

Trên đường dẫn chúng tôi vào vườn mắc ca của mình tại xã Tà Nung (TP Đà Lạt), ông Vinh than thở: “Từ khi trồng mắc ca, tôi mất ăn, mất ngủ do gặp hàng loạt khó khăn. Tôi đã phải bán nhà và đất để bỏ vào đây trên 40 tỉ đồng. Tuy nhiên, đầu tư giữa chừng thì nguồn vốn cạn kiệt, giờ chỉ biết nhìn đứa con tinh thần ngắc ngoải từng ngày”.

Ông Vinh cho biết: “Hiện mỗi tháng, tôi phải cần cả tỉ đồng để chăm sóc 200 ha mắc ca nhưng đến nay, vốn đã cạn. Tôi dự tính sẽ bán toàn bộ diện tích mắc ca hoặc nhà đầu tư nào hợp tác thì lợi nhuận chia theo tỉ lệ góp vốn. Nhưng xem ra rất khó”.

Chạy khắp nơi tìm vốn

Ông Vinh kể lại sau khi nghe thông tin Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) có kế hoạch dành khoảng 20.000 tỉ đồng để phát triển cây mắc ca tại 5 tỉnh Tây Nguyên, thông qua hình thức cho vay tín chấp từ 7 - 10 năm, lãi suất dưới 10%/năm, ông nghĩ “rừng” mắc ca của mình sẽ được cứu. Tuy nhiên, theo ông, kế hoạch đó vẫn còn trên giấy.

Để cứu vườn mắc ca, ông Vinh phải chạy khắp nơi tìm nguồn vốn và đối tác hỗ trợ. Tuy nhiên, khi nhìn thấy vườn mắc ca xơ xác, ai cũng từ chối, vì cho rằng đầu tư vào đây là quá mạo hiểm. Họ phân tích, dù cây mắc ca của ông phát triển tương đối tốt (ở những diện tích được chăm sóc đầy đủ) nhưng chưa ra trái.

Trong khi đó, do diện tích trồng quá lớn nên vốn bỏ ra sẽ rất nhiều nên không ai dám liều. Bên cạnh đó, vùng đất này chưa có tiền lệ trồng mắc ca nên nhiều nhà đầu tư chờ đến khi loại cây trồng này thu hoạch, hiệu quả ra sao, họ mới tính chuyện hợp tác. “Nếu chờ đến khi cây ra trái thì tôi đâu cần kêu gọi đầu tư” - ông Vinh nói.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Lâm Đồng, cho biết trên thị trường rất khan hiếm sản phẩm mắc ca. Quả mắc ca khô giá 150.000 - 200.000 đồng/kg, còn mắc ca nhân cả triệu đồng/kg.

Hiện nay, nhiều nơi ồ ạt trồng cây mắc ca. Tuy nhiên, diện tích trồng còn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng sẽ đứng đầu thế giới về cây trồng này trong 10 năm tới như một số đơn vị mong muốn. Theo kỳ vọng này, tiềm năng phát triển cây mắc ca ở Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, khi trồng cần nghiên cứu kỹ, không nên mạo hiểm, nhất là những người có ý định trồng trên diện tích lớn.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh có khoảng 950 ha mắc ca; trong đó khoảng 94 ha trồng theo dự án khuyến nông quốc gia, 200 ha của ông Vinh, phần còn lại do nông dân tự trồng bằng giống không rõ nguồn gốc...

Tỉnh Lâm Đồng vừa đồng ý quy hoạch vùng trồng cây mắc ca, phối hợp với Tập đoàn Him Lam chuẩn hóa các giống mắc ca trồng tại đây theo xu hướng thế giới, đồng thời kiểm soát hoạt động của các vườn ươm giống mắc ca tự phát. Tuy nhiên, tỉnh cũng bác dự án trồng ồ ạt 200.000 ha cây mắc ca trong toàn tỉnh, vì đây là loại cây quá mới và thị trường cũng chưa rõ.

Đắk Lắk: Mắc ca cho trái rất ít

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có 110 ha trồng cây mắc ca. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên thì diện tích trồng loại cây này ở đây cao hơn nhiều. Hiện nay, nhiều vườn mắc ca 4 - 10 năm tuổi nhưng cho trái rất ít, trung bình chỉ 5 - 7kg/cây.

Theo ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, qua kiểm tra, cây mắc ca trồng ở đây sinh trưởng tốt, ra hoa nhiều nhưng đậu quả không đạt yêu cầu. Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT khuyến cáo người dân không nên trồng, mở rộng diện tích ồ ạt để tránh thiệt hại về sau.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho rằng Úc đã trồng cây mắc ca 80 năm rồi, đất đai và khí hậu ở nước này cũng phù hợp với cây mắc ca. Thế nhưng, đến nay họ chỉ có 25.000 ha. Nếu hiệu quả kinh tế cao sao họ không mở rộng diện tích. Cả thế giới hiện cũng có khoảng 80.000 ha và không phát triển nữa. “Tôi đã trực tiếp khảo sát nhiều vườn, cây mắc ca ra hoa nhiều nhưng trái không được bao nhiêu"- ông Thành nói.

Theo ông Thành, ở Đắk Lắk, nhiệt độ cao, chênh lệch giữa ngày và đêm khá lớn nên không phù hợp cho cây mắc ca. Bên cạnh đó, cây mắc ca thường ra hoa vào mùa gió nhiều nên khó đậu trái.


Có thể bạn quan tâm

Sâu Hồng Hại Bưởi Da Xanh, Nông Dân Chịu Thiệt Sâu Hồng Hại Bưởi Da Xanh, Nông Dân Chịu Thiệt

Hơn một tháng nay, nông dân trồng bưởi tại Bến Tre rất lo lắng trước hiện tượng xuất hiện loại sâu mới hại bưởi da xanh. Loại sâu này có màu hồng, thường chọn trái bưởi to, vỏ dày và đục thẳng vào ruột, khiến quả rụng chỉ trong khoảng vài tuần.

02/12/2012
Quản Lý Bất Cập, Ngành Chăn Nuôi Tụt Hậu Quản Lý Bất Cập, Ngành Chăn Nuôi Tụt Hậu

Trong chăn nuôi, đặc biệt là heo và gia cầm, các tiến bộ khoa học kỹ thuật như con giống, dinh dưỡng, chăm sóc, quản lý có vai trò quan trọng trong việc nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Với gia cầm, ngoại trừ cúm H5N1, những yếu tố này đã giúp tạo sự phát triển ổn định những năm qua, đạt năng suất cao.

31/07/2013
Cảnh Báo Dịch Cúm Gia Cầm Và Biện Pháp Phòng Dịch Cảnh Báo Dịch Cúm Gia Cầm Và Biện Pháp Phòng Dịch

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, TP. Cần Thơ và Vĩnh Long cũng đã xuất hiện dịch cúm gia cầm, làm chết hàng loạt đàn gia cầm.

29/09/2013
Phòng Trừ Bọ Cánh Cứng Hại Dừa Ở Hoài Nhơn (Bình Định) Phòng Trừ Bọ Cánh Cứng Hại Dừa Ở Hoài Nhơn (Bình Định)

Tháng 7.2012, Ban Quản lý Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Bình Định đã phối hợp với Trường Ðại học Nông Lâm (ÐHNL) Huế xây dựng mô hình “Phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa bằng phương pháp sinh học sử dụng bọ đuôi kiềm”. Mô hình đã đạt kết quả khả quan.

28/05/2013
Tổ Nuôi Ếch Làm Ăn Hiệu Quả Tổ Nuôi Ếch Làm Ăn Hiệu Quả

Những năm gần đây, phong trào nuôi ếch ở huyện Tháp Mười phát triển mạnh, trong đó có xã Tân Kiều (Đồng Tháp). Hiện tại toàn xã có gần 100 hộ nuôi ếch, tập trung nhiều ở ấp 4. Đây được xem là nghề thoát nghèo của nhiều gia đình.

01/10/2013