Vua Của Những Nông Sản Khổng Lồ

Khoai mỡ nặng từ 15 đến 60 kg, buồng chuối xiêm 40 nải, đu đủ dài quá khổ... là những sản vật vườn nhà của nông dân Nguyễn Hoàng Oanh ở tỉnh Sóc Trăng.
Ông Nguyễn Hoàng Oanh (tên thường gọi là Ba Oanh, ngụ ấp An Tấn, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách - Sóc Trăng) năm nay 72 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, thậm chí có thể trèo cây nhanh nhẹn như thanh niên.
Chuyên sản vật quá khổ
Khu vườn nhà ông Ba Oanh ở cồn Cò chưa tới 7 công đất nhưng trồng nhiều loại trái cây như mít, nhãn, tiêu, mận... Ý tưởng trồng những sản vật quá khổ được ông nhen nhóm hơn 20 năm trước.
Ông tâm sự: “Vì thích đem những loại cây, trái lạ đến hội chợ nông nghiệp cho nhiều người chiêm ngưỡng nên tôi mới trồng chúng, chứ không phải trồng để bán. Ngoài ra, trồng những sản vật này không tốn nhiều diện tích, lại tận dụng được những chỗ trống trong vườn”.
Năm 1990, nghe tin hội chợ nông nghiệp được tổ chức ở Cần Thơ khuyến khích nông dân đem những loại trái lạ dự thi, ông Ba Oanh đã về “o bế” 2 buồng chuối táo quạ có sẵn trong vườn nhà.
Một năm sau, 2 buồng chuối này cho mỗi trái nặng 0,9 kg. Khi đem dự thi, loại chuối “có một không hai” của ông được nhiều người trầm trồ khen ngợi. Ông hồ hởi: “Trong các loại trái đem dự thi, chuối là loại khó trồng nhất, phải bón phân làm sao tới thời điểm đem thi không chín cũng không non”.
Một lần tình cờ, người nhà của ông Ba Oanh gọt khoai mỡ nhưng bỏ đầu khoai trong rễ dừa mục. Sau đó, chúng lên dây lúc nào không hay. Đến khi ông đào lên, củ khoai mỡ to hơn 3 kg.
Từ khi biết bí quyết này, ông trồng khoai mỡ trong rễ dừa mục khoảng 10 tháng và đạt trọng lượng đến 62 kg. Từ đó, mỗi năm ông đều để dành giống đem “trình làng” trong các kỳ thi. Cũng trong một kỳ hội chợ, củ khoai mỡ 30 kg của ông Ba Oanh và bụi gừng 8 kg của một nông dân ở huyện Phong Điền - TP Cần Thơ cùng đoạt giải nhì.
Còn tại hội thi nông dân sáng tạo, ông cho “ra mắt” buồng chuối xiêm 42 nải. Nhờ thế mà danh tiếng của ông được nhiều công ty biết đến và “mượn” buồng chuối quý hiếm này để quảng cáo cho các loại phân bón.
Không chỉ có thế, ông còn đem đi thi nhiều sản vật “khủng” như đu đủ dài 6 tấc (nặng 3 kg), buồng dừa 36 trái, thơm nặng 7,5 kg... và đều đoạt giải cao. Vì vậy, nhiều người còn gọi ông là “vua đấu xảo”.
Sẻ chia với mọi người
Hiện nay, ông Ba Oanh được xem là nông dân thành công của vùng cồn Cò với vườn trái cây cho thu nhập ổn định hằng năm, nhà cửa khang trang và 5 người con đều thành đạt. Để có được điều đó, vợ chồng ông đã trải qua những tháng ngày khổ cực.
Ông kể: “Lúc mới sinh được 2 con trai đầu, ba tôi có cho chiếc xuồng và miệng chài cũ để ra riêng. Mỗi đêm, vợ chồng đi chài kiếm cá bán lấy tiền nuôi con. Những ngày tháng ấy vất vả lắm”.
Có những đêm đi chài cá, bà Nguyễn Thị Hoàn Mỹ (vợ ông Ba Oanh) do ngủ gục nên rớt xuống sông mấy lần, còn thân thể ông thì bị lở loét do trầm mình dưới nước. Càng khó khăn, ông càng phấn đấu làm ăn thoát nghèo. Sau khi dành dụm được một số tiền, ông sang được vài công đất và bắt đầu trồng đu đủ, chôm chôm, nhãn... Nhờ thế, vợ chồng ông mới có tiền cho 2 người con thứ 3 và thứ 4 đi học đại học.
Khi hỏi về bí quyết để trồng được những loại cây, trái “khủng”, ông cười bảo: “Lúc đi thi cũng thất bại nhiều lần nên từ đó rút ra kinh nghiệm. Muốn trồng loại trái đi tranh giải phải có giống, cách bón phân và biết loại đó thích “ăn” gì”.
Theo ông, nếu đem trái thơm đi tranh giải thì phải trồng sao cho mắt thơm nhỏ, chú ý dưỡng độ ngọt là điểm sẽ cao; chuối táo quạ phải bón phân cân đối giữa đạm - lân - kali, nếu bón nhiều phân thì chuối sẽ nứt vỏ; gừng rất thích “ăn” tro, trấu mục nên thêm 2 loại này trong đất thì bụi của chúng phát triển nhanh...
Ông cho biết: “Có một vài Việt kiều xem qua mạng thấy tôi trồng chuối nhiều nải hay thơm phụng, họ đến xin và tôi sẵn sàng cho giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc”. Hơn 20 năm qua, những loại sản vật lạ này đem về cho ông Ba Oanh nhiều giải thưởng. Với ông, đây là niềm vui lúc tuổi già.
Có thể bạn quan tâm

Sáng 20/5, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao vụ xuân 2013 tại Hà Nội.

Cua biển là đối tượng thủy sản dễ nuôi, thích nghi trong môi trường sinh thái tự nhiên, ít bệnh, sản xuất không đòi hỏi kỹ thuật cao, nguồn giống có nhiều ở rừng ngập mặn ven biển và sản xuất nhân tạo, thức ăn chủ yếu là các loại cá tạp, nhuyễn thể giáp xác kích thước nhỏ và thức ăn tổng hợp dạng viên, chi phí thấp, có thị trường ổn định.

Đó là mô hình chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Túy ở thôn Nghĩa Xá, xã Đại Đồng (Tứ Kỳ - Hải Dương). Ông Túy là người tiên phong ở xã Đại Đồng trong việc nuôi ba ba.

Nhu cầu nhập khẩu tăng, nguồn cung khan hiếm… được xác định là những nguyên nhân kéo giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL tăng mạnh trong những ngày qua, tuy nhiên, nông dân vẫn không mặn mà thả nuôi.

Nhằm tận dụng diện tích đất và thời gian nông nhàn, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất, vừa qua, UBND thị trấn Lai Vung (Đồng Tháp) đã thông qua mô hình trồng xen canh cây dưa lê giữa hai vụ lúa, đồng thời tổ chức cho nông dân trên địa bàn đi tham quan, học tập mô hình trồng dưa lê tại tỉnh Tiền Giang.