Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vua Bưởi Đất Quý Quân (Tuyên Quang)

Vua Bưởi Đất Quý Quân (Tuyên Quang)
Ngày đăng: 06/10/2014

Sau nhiều năm lặn lội với cây, với đất, gia đình ông Đặng Văn Túc, thôn 8, xã Quý Quân (Yên Sơn, Tuyên Quang) đã có gần 1.300 gốc bưởi đường, bưởi Diễn..

Từ lối rẽ thôn 8 vào nhà ông Đặng Văn Túc đã như lạc vào rừng bưởi. Những cành bưởi trĩu cành vì quả. Theo ông Túc, thì vườn bưởi này tới gần 1.300 gốc, vụ này hơn 700 gốc cho quả, hơn 400 gốc chuẩn bị bói vào năm sau, 200 gốc mới trồng năm ngoái.

Đôi tay rắn rỏi, nước da rám nắng, bước chân thoăn thoắt qua những gốc bưởi, ông Túc chỉ cây này đang có sâu bệnh, cây kia cần bỏ bớt quả đi, rồi cây này thì phải che nắng chiều, cây này tỉa cành…

Một ngày lao động của ông Túc bắt đầu từ 6 giờ sáng đến khi trời nhá nhem tối, ông yêu những cây bưởi như những đứa con, ông sợ chúng bệnh, chúng ốm. Ông Túc bảo, các cụ xưa nói câu nào là cấm có sai “Công trồng là công bỏ, công làm cỏ mới là công ăn” cây nào cũng thế, không chăm sóc thì không có thu hoạch đâu.

Trồng bưởi, trồng cam lại càng vất vì giống này nhiều sâu bệnh, nào sâu đục thân, bạc lá, rệp, nhện đỏ… đủ loại, chủ vườn phải nắm chắc thời kỳ nào cây hay mắc bệnh để đánh thuốc chặn ngay.

Vườn bưởi của ông Túc trải dài sườn núi, cây nào cây ấy xanh mướt, gốc nào cũng 5 - 7 cây chống cho đỡ gẫy cành; hàng cách hàng, cây cách cây đều chằn chặn từ 4 - 5 m.

Ngồi dưới hàng bưởi trĩu chịt quả, ông Túc kể về niềm đam mê của ông với “nghiệp” trồng cây “Háo hức lắm, năm ấy (1979) theo chuyến tàu của bà con lên bến Xuân Vân buôn tre, nứa về Hà Nội bán, nhìn sang bên sông thấy một khoảng đất rộng, có thể trồng nhiều loại cây ăn quả, lại sẵn có nước dưới sông để tưới.

Tôi thèm lắm nhưng lại hãi sự hoang vu “rừng thiêng, nước độc”, về Vân Hà, Hà Tây (nay là Hà Nội) lập gia đình, cần có đất để canh tác nhưng đất quê tôi chật chội, mỗi nhà chỉ đôi ba sào ruộng cấy, mảnh đất dềnh bên sông lúc nào cũng hiển hiện trong tâm trí tôi nên tôi đã quyết định đem vợ lên đây lập nghiệp và theo đuổi đam mê của mình”.

Mấy năm về trước, khi khai hoang đất, ông Túc cũng đã trồng đủ loại cây nào nhãn, vải, xoài… Nhưng vải, nhãn thu hoạch vất, lại hay mất mùa nên ông đã chặt bỏ thay thế dần bằng giống bưởi.

Ông mang bưởi Diễn ở quê lên trồng, mua thêm cả giống bưởi địa phương, bưởi Soi Hà (Xuân Vân) tất thẩy độ 100 gốc. Qua 3 năm, rồi 5 năm, bưởi cho quả ngày một nhiều, ngon. Khoảng năm 1992, đời sống nhiều khó khăn nên đồng quà tấm bánh cho trẻ còn hạn chế, quả bưởi, quả hồng bán cả gánh chỉ đủ mua vài ba lạng thịt.

Nhưng vì mê trồng cây ăn quả nên ông cứ nhân rộng vườn bưởi dần từng năm. Đến năm 2002, ông quyết định trồng bưởi Diễn để phát triển kinh tế. Áp dụng những biện pháp khoa học kỹ thuật để trồng và chăm sóc vườn bưởi như mật độ trồng, cách phòng bệnh, tỉa thưa…

Sau hơn 20 năm lăn lộn với “nghiệp” trồng cây, trồng bưởi, bước đầu cây bưởi đã đem lại hiệu quả kinh tế. Năm 2013, vườn bưởi của gia đình ông thu trên 10.000 quả, thu về trên 150 triệu đồng. Vụ bưởi năm nay (2014), ông Túc ước vườn bưởi phải đạt từ 15.000 - 17.000 quả, giá bán lại nhích hơn so với 2013 từ 3.000 - 5.000 đồng/quả, nhẩm tính cả vườn được chừng 230 - 250 triệu đồng. Ông bảo, chỉ 5 năm nữa thì vườn bưởi này phải đạt từ 70.000 quả trở lên, giá trị kinh tế đạt cả tỷ đồng.

Vườn bưởi Diễn của ông Túc sạch cỏ, đánh luống cẩn thận, cứ vài hàng lại có một cây bưởi khác loại hoặc cây bưởi chua. Thấy tôi thắc mắc, ông giải thích đó là kỹ thuật khắc phục đặc tính “tự bất thụ” của bưởi Diễn, nghĩa là khả năng không thụ phấn cùng giống mà phải có sự thụ phấn chéo của giống bưởi khác. Cách làm này đã giúp vườn bưởi ông Túc năm nào cũng sai quả.

Việc tạo khung, chỉnh tán cho cây bưởi thông thoáng là cả một quá trình áp dụng kỹ thuật từ khi cây bưởi mới đạt chiều cao 45 - 50 cm; ông Túc đã tiến hành bấm ngọn để tạo cành cấp I, phân bố đều các hướng để tạo khung tán đẹp, khỏe. Cây chừng 1 m lại tạo tán cấp II, cấp III… rồi bố trí cây, cành có độ dày hợp lý đón ánh sáng tán xạ, tránh rám quả.

Quy trình chăm sóc được ông Túc tuân thủ khá nghiêm ngặt, vụ xuân từ tháng 1-3 cắt cành, hoa kém chất lượng, bón phân thúc hoa, vụ hè từ tháng 6 - 7 tỉa cành, quả kém chất lượng, bón thúc quả. Sau khi thu hoạch tiến hành cắt tất cả các cành sâu bệnh, cành vượt, chăm sóc đến tháng 11-12 khoanh vỏ cành cấp I để bưởi có hoa sai, đúng thời vụ.

Ông Túc cũng là một trong những người kiên trì với đầu ra của quả bưởi Diễn đất Tuyên, ông kể: “Mấy năm trước, thương lái chưa biết nhiều đến giống bưởi Diễn trồng trên đất xứ Tuyên nên đầu ra của quả bưởi khó khăn lắm! Phải thuê xe chở bưởi về tận cầu Diễn (Hà Nội) đổ đống ra bán, chuyến bán hết, chuyến còn, chuyến rẻ, chuyến đắt. Chất lượng quả bưởi Diễn đất Tuyên đã dần dần vào được thị trường.

Đến năm 2012, vườn bưởi của gia đình bắt đầu được thương lái ở Hà Nội lên đặt mua tại vườn với giá 10.000 đồng/quả. Năm 2013, bán được 15.000 đồng/quả tại vườn. Năm nay, thương lái trả 17.000 đồng/quả tại vườn nhưng gia đình chưa bán”. Ánh mắt ông Túc sáng lên hướng vào những quả bưởi căng tròn trên cành. Ở tôi nhìn thấy rõ niềm hạnh phúc của người nông dân thành công.

Ông Túc truyền lửa đam mê cho cậu con trai Đặng Văn Thanh với những dự định về một vườn bưởi đặc sản, tạo ra những quả bưởi Diễn dáng hồ lô có giá trị cao. Chỉ vào những cây bưởi Diễn da xanh, quả dài anh Thanh bảo: “Đây là những cây bưởi có quả đẹp, ở núm xuống thì khum nhỏ, dưới bình to, tạo dáng hồ lô sẽ rất đẹp.

Quả bưởi dáng dài thon này lại ngon hơn dáng tròn, múi dài như chiếc lược, bán lẻ vào dịp Tết được 40.000- 50.000 đồng/quả. Nâng cao giá trị hơn, gia đình đang đặt khung hồ lô tận trong thành phố Hồ Chí Minh, vụ sau sẽ khép thử 100 trái”.

Nối khu vườn bưởi của ông Túc là cả một màu xanh non mơn mởn của những cây bưởi vài ba năm tuổi trên đất thôn 8 Quý Quân. Thổ nhưỡng phù hợp, giá trị kinh tế cao đang dần biến nơi này thành “vựa bưởi” ngọt ở nơi đất khó, mở ra một hướng làm giàu từ vườn rừng.


Có thể bạn quan tâm

Những quy trình nuôi tôm công nghiệp hiệu quả Những quy trình nuôi tôm công nghiệp hiệu quả

Thời gian qua, phong trào nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Ðầm Dơi (Cà Mau) không ngừng được mở rộng. Nếu như năm 2010, toàn huyện chỉ có khoảng 1.000 ha, thì tính đến cuối tháng 6/2015, diện tích đã nâng lên hơn 2.880 ha, năng suất bình quân đạt từ 5 - 7 tấn/ha/vụ.

04/08/2015
Gỡ rối cho ngành cá tra Gỡ rối cho ngành cá tra

Tại hội nghị bàn giải pháp, chính sách thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ cá tra tổ chức ngày 30-7 ở TP Cần Thơ, TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra, cho rằng cá tra ban đầu chủ yếu được tiêu thụ nội địa nhưng kể từ những năm 2000 đã trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực.

04/08/2015
Ngư dân Ninh Thuận được mùa ruốc sớm Ngư dân Ninh Thuận được mùa ruốc sớm

Khoảng một tuần trở lại đây, ngư dân đánh bắt hải sản ven bờ khu vực biển Khánh Hải – Nhơn Hải (Ninh Hải - Ninh Thuận) “trúng mùa” ruốc. Sản lượng đánh bắt mỗi ngày ước đạt hàng chục tấn.

04/08/2015
Sản xuất, xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm Sản xuất, xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm

Sau một thời gian triển khai thực hiện Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra và thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT (Thông tư 23/2014/TT-BNNPTNT) bước đầu đã mang lại hiệu quả. Ngành cá tra đang hướng đến phát triển theo hướng bền vững, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm cá tra trên thị trường.

04/08/2015
Nuôi tôm ở Kim Sơn cần có giải pháp lâu dài Nuôi tôm ở Kim Sơn cần có giải pháp lâu dài

Nuôi trồng thủy sản góp phần không nhỏ trong cơ cấu kinh tế của huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng lớn từ yếu tố thời tiết nên nuôi trồng thủy sản có nhiều rủi ro. Vụ nuôi thủy sản vừa qua, một số diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện bị chết làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cũng như thu nhập của người dân.

04/08/2015