Vụ Tôm Càng Xanh Kém Vui Ở Tam Nông (Đồng Tháp)

Vụ nuôi tôm gần đây, toàn huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã có 122 hộ nuôi tôm trên ruộng, với tổng diện tích 752,8 ha (giảm 55,2 ha so năm trước). Đến nay, hầu hết các hộ nuôi đã cơ bản thu hoạch dứt điểm, đạt tổng sản lượng hơn 903 tấn tôm càng xanh thương phẩm. Trong đó, có trên 560 tấn tôm thịt và 343 tấn tôm trứng.
Theo đánh giá của các ngành chức năng: Vụ nuôi tôm càng xanh vừa qua, nông dân trong huyện gặp khó khăn, giá thành sản xuất 1 kg tôm thương phẩm tương đương 166.000 đồng, tăng cao hơn so năm trước; tiến độ thu hoạch tôm chậm hơn 1,5 tháng, vì tiêu thụ không dễ dàng như các năm trước; chỉ có một vài thương lái trong và ngoài tỉnh đến thu mua tôm với giá giảm hơn từ 40.000 - 50.000 đ/kg so cùng kỳ năm trước…
Từ đó, đã có trên 80 hộ nuôi tôm bị thua lỗ, 20 hộ nuôi hòa vốn hoặc lợi nhuận không cao! Kỹ sư Nguyễn Sỹ Khánh - Trưởng Trạm Thủy sản huyện Tam Nông phân tích: “Nguyên nhân các hộ nuôi tôm bị thua lỗ chủ yếu là do người nuôi chọn con giống không rõ ràng, chất lượng tôm kém, tỷ lệ tôm sống khi ương nuôi thấp, tôm càng sào nhiều, thời gian nuôi kéo dài, tôm bị hao hụt nhiều, năng suất giảm…
Mặc dù vậy, các nhà khoa học và nhiều người nuôi tôm ở huyện Tam Nông đều tự tin khẳng định: Việc nuôi tôm càng xanh trên ruộng mùa lũ ở huyện Tam Nông hết sức khả quan, triển vọng khai thác tiềm năng về mặt nước trong mùa lũ là rất lớn, đưa vòng quay của đất lên từ 2 đến 3 lần/năm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Theo ông Nguyễn Sỹ Khánh: Vụ nuôi tôm năm 2013, huyện Tam Nông sẽ phấn đấu mở rộng diện tích mặt ruộng nuôi tôm càng xanh lên 1.000 ha; dự kiến sản lượng đạt 1.700 tấn. Trong đó, có 50% sản lượng tôm đạt tiêu chuẩn XK. Trạm sẽ tiếp tục chuyển giao tiến bộ KHKT và công nghệ cho người nuôi; đồng thời, phối hợp với Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông và Khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp triển khai mô hình vùng nuôi an toàn theo tiêu chuẩn GMP, GAP để làm tiền đề cho việc cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn; thực hiện thí điểm mô hình 120 ha nuôi tôm theo quy trình kỹ thuật 1 vụ lúa, 1 vụ nuôi tôm theo hướng VietGap tại Cù lao Chim, xã Phú Thành B và nhân rộng trong những năm sau.
Huyện Tam Nông đang tăng cường giữ vững và mở rộng vùng nguyên liệu theo hướng tập trung sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm tôm chất lượng sạch, ổn định và bền vững, đáp ứng nhu cầu chủ yếu cho thị trường XK. Huyện cũng sẽ tăng cường đầu tư vốn để thi công sớm các công trình bờ bao, cống - bọng, hạ thế điện… đồng thời, củng cố và nâng cao năng lực HTX tôm càng xanh Phú Long để phát huy hiệu quả làm đầu mối trong quản lý - tổ chức sản xuất, dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm cho xã viên; tranh thủ sự hỗ trợ vốn đầu tư của tỉnh, huyện và tổ chức thi công hoàn thiện sớm các công trình hạ tầng, bờ bao, cống, lưới điện...
Kỹ sư Nguyễn Sỹ Khánh - Trưởng Trạm Thủy sản huyện Tam Nông: "Chi phí thức ăn và thuốc thú y - thủy sản cho tôm cao, người nuôi chưa áp dụng tốt kỹ thuật; việc sử dụng thức ăn, thuốc thú y - thuỷ sản, quản lý môi trường vuông nuôi còn hạn chế; mật độ thả tôm giống dầy, nước lũ về trễ và thấp; khâu quản lý không chặt chẽ, quá trình nuôi một số hộ không tỉa thưa tôm trứng nên dẫn đến năng suất kém, tỷ lệ tôm đạt kích cỡ thấp”.
Có thể bạn quan tâm

Hơn 2 năm nay, gần 20ha đất sản xuất của người dân thôn Tây Sơn Đông (xã Duy Hải, Duy Xuyên) phải bỏ hoang, hoặc bất đắc dĩ chỉ sản xuất 1 vụ do bị ngập úng. Đây là hệ lụy của việc thiết kế cao trình chưa tính toán phù hợp khâu giải thủy, đầu tư thiếu đồng bộ hạ tầng.

Ông Hồ Văn Du - Trưởng trạm Dược liệu Trà Linh (xã Trà Linh, Nam Trà My) cho biết, vừa qua hàng nghìn cây sâm giống của trạm bị héo lá, vàng úa, chết khô không rõ nguyên nhân. Đây đa số là sâm giống được gieo từ hạt trong năm 2013.

Đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lợi cá ngừ đại dương, hài hòa lợi ích cho các bên tham gia trong chuỗi từ khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ với tinh thần chung là sẽ tập trung nguồn lực để thúc đẩy phát triển ngành cá ngừ, tạo ra liên kết chặt chẽ theo chuỗi giữa các khâu, đảm bảo giá trị kinh tế.

Mức giá hồ tiêu đầu năm 2014 tưởng được coi là kỷ lục với 145 ngàn/kg, nhưng đến tháng 7 còn lên tới 190 ngàn/kg. Giá tiêu càng hấp dẫn, nhiều nhà vườn càng chạy đua trồng tiêu.

Nếu lấy mốc thời gian năm 1996 (thời điểm Công ty Agifish xuất khẩu container cá basa đầu tiên vào thị trường Mỹ) để đề cập đến quá trình phát triển của một sản phẩm quốc gia thì đến nay, nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL đã “ngót nghét” gần 20 năm. Trong quãng thời gian ấy, có hàng chục ngàn người làm giàu một cách nhanh chóng, nhà máy chế biến thủy sản ra đời như “nấm mọc sau mưa”.