Vụ Sử Dụng Chất Cấm Cho Heo Làm Thiệt Hại Hơn 500 Tỷ Đồng

Ngày 6-4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Thị Xuân Thu đã làm việc với lãnh đạo tỉnh về việc xử lý vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo.
Đồng Nai có tổng đàn heo lớn nhất cả nước với gần 1,2 triệu con, trong đó có 60% nuôi theo hình thức trang trại. Thời gian qua, do các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về tình trạng sử dụng chất cấm một chiều làm người tiêu dùng hoang mang, tẩy chay thịt heo khiến giá heo hơi bán tại chuồng giảm khoảng 10 ngàn đồng/kg, làm người chăn nuôi thua lỗ 500 - 600 ngàn đồng/tạ heo hơi. Theo ước tính ban đầu, vụ chất cấm làm giá heo hơi giảm gây thiệt hại cho người chăn nuôi trong tỉnh hơn 500 tỷ đồng.
Cũng tại buổi làm việc, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho hay, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo không chỉ xảy ra ở Đồng Nai mà ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc dùng chất cấm cơ bản được kiểm soát và số hộ sử dụng chất cấm rất ít. Vừa qua, một số đơn vị thú y lấy mẫu thịt, thức ăn, thuốc thú y ở Đồng Nai kiểm tra định tính và công bố các mẫu dương tính với chất cấm lên đến trên 40% gây hoang mang cho người tiêu dùng. Vì người tiêu dùng nghĩ các mẫu dương tính là có sử dụng chất cấm, song thực tế sau khi phát hiện dương tính cơ quan chức năng mang đi kiểm tra định lượng tỷ lệ có sử dụng chất cấm chỉ chiếm khoảng 3%. Thiệt hại cho người chăn nuôi heo cả nước sau vụ này là gần 3 ngàn tỷ đồng.
Ông Dương cũng nhận định, sau khi có thông tin sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Đồng Nai vào cuộc khá nhanh. Tuy nhiên, để việc xử lý chất cấm được triệt để, Đồng Nai phải làm song song công tác kiểm tra xử lý với tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu và nói không với chất cấm. Đồng thời, vận động nhân dân tham gia giám sát, tố giác các hộ chăn nuôi, buôn bán có dùng chất cấm.
Theo ông Trần Văn Quang, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, từ cuối tháng 3-2012 đến thời điểm này, chi cục phối hợp với các địa phương, tăng cường công tác kiểm tra các điểm kinh doanh, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và các trang trại. Trong quá trình điều tra, đoàn đã lấy 90 mẫu thịt heo, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi để xét nghiệm. Kết quả, phát hiện 11 hộ vi phạm, đa số là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Hiện, Chi cục Thú y tiến hành xử phạt hành chính và chuyển hồ sơ sang công an để truy tìm tiếp nguồn gốc chất cấm để xử lý triệt để. Để khôi phục lại lòng tin của người tiêu dùng, nhiều trang trại chăn nuôi heo của Đồng Nai đã ký kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Cũng tại buổi làm việc, các ngành chức năng của tỉnh nêu ra một số khó khăn trong việc quản lý, xử lý việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vì Thông tư 54 của Bộ NN-PTNT quy định chưa rõ. Ghi nhận những cố gắng cũng như khó khăn của tỉnh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, đề nghị tỉnh nhanh chóng hoàn thành việc xử lý những hộ vi phạm trong sử dụng chất cấm, đồng thời truy ra nguồn gốc để xử lý triệt để. Thời gian qua, người chăn nuôi heo đã có bài học lớn, vì vậy nhân dịp này tuyên truyền sâu rộng để các hộ nói không với chất cấm. Bộ NN-PTNT coi Đồng Nai là tỉnh làm điểm trong việc xử lý chất cấm để rút kinh nghiệm và nhân rộng ra các tỉnh, thành khác.
Có thể bạn quan tâm

Cá tra Việt Nam vừa tăng lên vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng thủy sản yêu thích tại Mỹ nhưng người nuôi cá chưa hết lao đao. Phương pháp cho ăn gián đoạn đang được khuyến cáo để giúp người nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn này...

Đó là ông Nguyễn Tác Tân - Trưởng thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông Tân đã bàn bạc với 134 hộ nông dân trong thôn Vị Hạ xây dựng mô hình "Tổ hợp tác áp dụng cơ giới hoá tổng hợp trong sản xuất lúa". Mô hình có quy mô diện tích 26 ha.

Nuôi ba ba chi phí đầu tư thấp, nhẹ công chăm sóc, kỹ thuật nuôi đơn giản, ít dịch bệnh nhưng mang lại hiệu quả kinh tế lại khá cao. Đó là nhận định của những hộ dân nuôi ba ba xã Cần Đăng (Châu Thành – An Giang). Đây được xem là một trong những mô hình thoát nghèo hiệu quả của địa phương…

Từ năm 2010, hồ thủy điện Sơn La bắt đầu tích nước. Khai thác tiềm năng mặt nước lòng hồ này, bà con ven hồ xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã triển khai mô hình nuôi cá lồng, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đây là tín hiệu tốt để nhân dân ven hồ, bao gồm bà con các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên phát huy lợi thế 214 km2 mặt nước hồ thủy điện Sơn La để phát triển kinh tế gia đình.

Vừa qua, một số ao nuôi tôm sú tại xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) xuất hiện tôm chết (khoảng 2 triệu con). Sau khi biết tin, các cán bộ phòng nông nghiệp huyện cùng Chi cục Thú y tỉnh đã xuống các đồng nuôi kiểm tra, lấy mẫu đi phân tích.