Vụ Sử Dụng Chất Cấm Cho Heo Làm Thiệt Hại Hơn 500 Tỷ Đồng

Ngày 6-4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Thị Xuân Thu đã làm việc với lãnh đạo tỉnh về việc xử lý vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo.
Đồng Nai có tổng đàn heo lớn nhất cả nước với gần 1,2 triệu con, trong đó có 60% nuôi theo hình thức trang trại. Thời gian qua, do các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về tình trạng sử dụng chất cấm một chiều làm người tiêu dùng hoang mang, tẩy chay thịt heo khiến giá heo hơi bán tại chuồng giảm khoảng 10 ngàn đồng/kg, làm người chăn nuôi thua lỗ 500 - 600 ngàn đồng/tạ heo hơi. Theo ước tính ban đầu, vụ chất cấm làm giá heo hơi giảm gây thiệt hại cho người chăn nuôi trong tỉnh hơn 500 tỷ đồng.
Cũng tại buổi làm việc, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho hay, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo không chỉ xảy ra ở Đồng Nai mà ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc dùng chất cấm cơ bản được kiểm soát và số hộ sử dụng chất cấm rất ít. Vừa qua, một số đơn vị thú y lấy mẫu thịt, thức ăn, thuốc thú y ở Đồng Nai kiểm tra định tính và công bố các mẫu dương tính với chất cấm lên đến trên 40% gây hoang mang cho người tiêu dùng. Vì người tiêu dùng nghĩ các mẫu dương tính là có sử dụng chất cấm, song thực tế sau khi phát hiện dương tính cơ quan chức năng mang đi kiểm tra định lượng tỷ lệ có sử dụng chất cấm chỉ chiếm khoảng 3%. Thiệt hại cho người chăn nuôi heo cả nước sau vụ này là gần 3 ngàn tỷ đồng.
Ông Dương cũng nhận định, sau khi có thông tin sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Đồng Nai vào cuộc khá nhanh. Tuy nhiên, để việc xử lý chất cấm được triệt để, Đồng Nai phải làm song song công tác kiểm tra xử lý với tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu và nói không với chất cấm. Đồng thời, vận động nhân dân tham gia giám sát, tố giác các hộ chăn nuôi, buôn bán có dùng chất cấm.
Theo ông Trần Văn Quang, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, từ cuối tháng 3-2012 đến thời điểm này, chi cục phối hợp với các địa phương, tăng cường công tác kiểm tra các điểm kinh doanh, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và các trang trại. Trong quá trình điều tra, đoàn đã lấy 90 mẫu thịt heo, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi để xét nghiệm. Kết quả, phát hiện 11 hộ vi phạm, đa số là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Hiện, Chi cục Thú y tiến hành xử phạt hành chính và chuyển hồ sơ sang công an để truy tìm tiếp nguồn gốc chất cấm để xử lý triệt để. Để khôi phục lại lòng tin của người tiêu dùng, nhiều trang trại chăn nuôi heo của Đồng Nai đã ký kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Cũng tại buổi làm việc, các ngành chức năng của tỉnh nêu ra một số khó khăn trong việc quản lý, xử lý việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vì Thông tư 54 của Bộ NN-PTNT quy định chưa rõ. Ghi nhận những cố gắng cũng như khó khăn của tỉnh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, đề nghị tỉnh nhanh chóng hoàn thành việc xử lý những hộ vi phạm trong sử dụng chất cấm, đồng thời truy ra nguồn gốc để xử lý triệt để. Thời gian qua, người chăn nuôi heo đã có bài học lớn, vì vậy nhân dịp này tuyên truyền sâu rộng để các hộ nói không với chất cấm. Bộ NN-PTNT coi Đồng Nai là tỉnh làm điểm trong việc xử lý chất cấm để rút kinh nghiệm và nhân rộng ra các tỉnh, thành khác.
Có thể bạn quan tâm

Theo tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), những ngày vừa qua đã tiếp tục ghi nhận thêm một ổ dịch cúm gia cầm tại TP Cần Thơ.
Ngày 13/4, ông Nguyễn Đức Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), cho biết, địa phương đang xây dựng mô hình hỗ trợ cho người nông dân chăn nuôi bò sữa.

Trong khi nhiều hộ nuôi heo rừng ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) khó nắm bắt kỹ thuật nuôi heo rừng thuần chủng và lúng túng trong việc tìm đầu ra thì ông Trần Văn Hiến (thôn Thạnh Đức) đã không ngừng tìm tòi, học hỏi để phát triển quy mô đàn heo rừng lên đến hàng trăm con, trở thành gia đình nuôi heo rừng có quy mô lớn tại huyện miền núi này.

Xác định tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm là một trong những biện pháp chủ lực, quan trọng hàng đầu trong phòng, chống dịch bệnh nên trong vụ xuân năm 2015, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác tiêm phòng một cách quyết liệt.

Ông Trần Nguyễn Hồ ở ấp Long Thành, xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, nổi tiếng với mô hình chăn nuôi theo quy mô trang trại công nghiệp, an toàn sinh học và là một gương nông dân làm giàu theo hướng sản xuất hàng hóa với danh hiệu "vua chim cút".