Vụ mùa, vụ đông vào nước rút

Công văn nêu: Đến 10/9, các tỉnh Bắc Trung bộ đang thu hoạch rộ lúa HT. Đánh giá ban đầu của các địa phương, vụ này năng suất khá hơn và tương đương cùng kỳ năm 2014, trừ một số diện tích các vùng miền núi, không chủ động nước, ảnh hưởng của nắng hạn gieo cấy muộn.
Lúa mùa sớm bắt đầu thu hoạch rộ ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc. Trà mùa sớm lúa rất tốt, sạch sâu bệnh và cho năng suất cao (ước trên 60 tạ/ha). Trà mùa trung đã trổ bông trên 90%, một số trà gieo cấy muộn giữa tháng 7 ven biển các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng sẽ trổ kết thúc trước 20/9. Lúa vụ mùa năm nay được đánh giá là khá đẹp, đanh cây và sạch sâu bệnh do ít mưa, không có giông bão.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TƯ, tháng 9 ở các tỉnh phía Bắc vẫn đang là thời kỳ mùa mưa bão và có khả năng xảy ra từ 3 - 4 đợt mưa vừa, mưa to; các tỉnh Bắc Trung bộ vẫn có thể xảy ra từ 1 - 2 đợt nắng nóng, bão muộn... Vụ đông theo dự báo sẽ ấm đầu vụ và lạnh cuối vụ.
Diễn biến sâu bệnh hại gia tăng, nhất là sâu đục thân cuối vụ, rầy nâu, rầy lưng trắng đang xuất hiện các ổ với mật độ cao.
Để đảm bảo chắc chắn sản xuất lúa vụ HT, mùa và SX vụ đông thắng lợi, Cục Trồng trọt đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phía Bắc tập trung chỉ đạo một số việc sau:
1. Tuyên truyền, vận động nông dân khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa HT và lúa mùa sớm đã chín với phương châm là “xanh nhà hơn già đồng”, "sáng lúa chiều ngô" để giải phóng đất để gieo trồng cây vụ đông ưa ấm như ngô, đậu tương, ớt và dưa, bí các loại. Nhóm cây ưa ấm với nhiều cây có giá trị kinh tế cao cần gieo cấy càng sớm càng tốt. Với các trà lúa chuẩn bị thu hoạch cần tính toán thời gian để làm bầu với nhóm cây này cho phù hợp và khớp với thời gian thu hoạch lúa, tránh để cây con quá ngày trong bầu, khi trồng phục hồi chậm và bị còi cọc.
Sau trồng nếu thời tiết thuận lợi, sau 3 - 4 ngày cây bén rễ cần tưới thúc ngay bằng phân NPK + nước phân chuồng loãng để thúc cây ra rễ nhanh. Với đậu tương gieo vãi không làm đất cần tuân thủ các hướng dẫn của cán bộ khuyến nông cơ sở.
2. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, khơi thông, vét mương máng và tạo rãnh thoát nước kết hợp rãnh tưới quanh ruộng và bề mặt ruộng đề phòng mưa lớn gây úng cục bộ, tháo cạn nước mặt ruộng, giữ nước nông hệ thống kênh mương vùng lúa đã chín và sắp chín để tạo thuận lợi cho trồng cây vụ đông.
3. Chú ý theo dõi diễn biến sâu bệnh hại nhất là sâu đục thân 2 chấm, rầy các loại, nhện đỏ, khô vằn gây hại trên lúa mùa trổ muộn. Chỉ đạo phòng trừ kịp thời bằng các loại thuốc đặc hiệu có trong danh mục theo quy định.
4. Tiếp tục rà soát và điều chỉnh kế hoạch SX cây vụ đông, tỷ lệ cây ưa ấm và ưa lạnh cho phù hợp với quỹ đất, dựa trên lợi thế và truyền thống của địa phương; chuẩn bị phân bón, giống cây trồng các loại, tìm kiếm, vận động các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, có cơ chế chính sách hỗ trợ giống, tổ chức SX theo hình thức cho thuê, mượn ruộng để các hộ gia đình có điều kiện về nhân lực, đầu tư làm diện tích lớn để gia tăng giá trị và hiệu quả.
Vận động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt để vụ đông thực sự là vụ SX chính mang lại thu nhập cao cho nông dân.
5. Bố trí nguồn lực để tăng cường công tác tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật gieo trồng cây vụ đông, các giải pháp làm đất tối thiểu, không làm đất với đậu tương, khoai tây, bí xanh, dưa chuột không giàn… công khai, minh bạch cơ chế chính sách hỗ trợ của địa phương trên các kênh thông tin truyền thông đại chúng để người dân biết và áp dụng.
6. Phân công lãnh đạo, cán bộ khuyến nông bám sát cơ sở cùng nông dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu, bệnh và chuột hại cây trồng, hướng dẫn, chỉ đạo kỹ thuật cũng như xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình gieo trồng
7. Chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành, thanh tra Sở phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở đại lý hoạt động trong lĩnh vực SX, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhất là giống và phân bón hạn chế tối đa hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả.
8. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động và sẵn sàng các phương án phòng chống thiên tai, dịch hại kịp thời và báo cáo tình hình SX về Bộ NN-PTNT để theo dõi, chỉ đạo chung.
Có thể bạn quan tâm

Tuy nhiên, sau vụ trồng mới đó, đợt xen canh vụ ngô đông xuân đầu tiên, mỗi hộ gia đình công nhân tham gia trồng mới có thêm thu nhập 35 triệu đồng/ ha. Thực tế sản xuất đã gợi mở con đường tăng thêm thu nhập khá hiệu quả nên những năm sau lượng người nộp đơn xin vào đơn vị nhận khoán trồng mới ngày một nhiều.”

Liên tiếp trong những ngày qua, những trận mưa lớn trái mùa trên diện rộng làm cho hơn 360 ha lúa vụ 2 của nông dân thành phố Cà Mau bị ngã đổ. Theo phản ánh của bà con, lúa bị ngã đổ phải cắt bằng tay, với giá lên tới gần 500.000 đồng/công, (so với cắt bằng máy chỉ khoảng 300.000 đồng/công) nhưng không có nhân công để cắt lúa.

Ghé thăm ngôi nhà 3 tầng mới xây trị giá 1,4 tỷ đồng ở bản Nong Nưa, được chủ nhà Lèo Văn Hặc, Bí thư chi bộ bản tiếp chuyện: Nhà có hơn 4 ha cây cà phê đang thời kỳ thu hoạch, năng suất 15 tấn/ha. Vụ vừa qua, gia đình đã thu được trên 60 tấn quả tươi, bán được hơn 700 triệu đồng, trừ hết chi phí cũng lãi được hơn 400 triệu đồng.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang, trong khuôn khổ Dự án phát triển ca cao giai đoạn 2010 - 2014, tỉnh đã trồng thêm được 1.100 ha ca cao xen canh dưới tán vườn cây ăn trái, nâng tổng diện tích lên đến 2.400 ha; phấn đấu đến năm 2020, mở rộng diện tích ca cao lên 5.000 ha.

Thời điểm này, nông dân đang thu hoạch, năng suất trung bình hơn 16 tấn/ha. Cơ quan chuyên môn huyện khuyến cáo nông dân tích cực đưa giống khoai tây này sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng và thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.