Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vụ Mới Lắm Khó Khăn

Vụ Mới Lắm Khó Khăn
Ngày đăng: 27/11/2014

Còn gần một tháng nữa, vụ sản xuất đông xuân 2014 – 2015 chính thức bắt đầu. Hiện ngành nông nghiệp và nông dân trong tỉnh đang lo lắng trước những khó khăn được dự báo sẽ gặp phải trong vụ mới năm nay…

Theo kế hoạch, lịch gieo sạ lúa đại trà vụ đông xuân 2014 – 2015 bắt đầu từ ngày 25.12.2014 đến ngày 10.1.2015. Đối với chân ruộng trũng, chưa rút nước kịp thời thì gieo mạ để cấy và phải chấm dứt gieo cấy trước ngày 15.1.2015. Cơ cấu giống lúa tập trung ở các loại trung, ngắn ngày.

Cụ thể, giống chủ lực gồm: ĐV 108, KD đột biến, Hoa ưu 109, ĐH 99-81, ĐH 815-6, SH 2 (XT27), VTNA 2, lúa lai Syn 6, TH 3-3…; giống bổ sung gồm: AS 996, KD 28, VN 121, XT 28, lúa lai 807…; giống triển vọng gồm: Hoa khôi 4, OM 8017, Thiên ưu 8, lúa lai Xuyên Hương 178…

Sợ thiếu hụt nước tưới

Dù trận lụt lịch sử hồi tháng 11.2013 đã đi qua hơn một năm, nhưng những hậu quả mà nó gây ra cho ngành nông nghiệp thì dường như vẫn còn hiện diện.

Đó là hàng loạt công trình thủy lợi, kênh mương, hồ chứa… bị hư hỏng nặng nề nhưng đến giờ  vẫn chưa được tu sửa, nâng cấp. Đơn cử như tại huyện Tư Nghĩa, tuy có hàng nghìn hecta đất sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào nước ao, hồ, sông, suối… nhưng hiện tại, nhiều công trình đảm nhận cho việc tưới tiêu trên lại đang trong tình trạng “không xói cũng lở” như: Sông cầu Phủ (Nghĩa Trung), sông Bờ Lở (Nghĩa Thương), bờ nam sông cây Bứa (Nghĩa Phương) hay hạ lưu đập Hóc Xoài…

Thế nên Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh mới lo lắng rằng: “Nếu các công trình trên không sớm được khắc phục, sửa chữa thì số diện tích thiếu hụt nước tưới có khả năng tăng ngay trong vụ đông xuân”.

Đã thế, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mậu Văn, đến thời điểm này, mực nước tại hồ thủy điện Đăkđrinh thấp hơn gần 8m so với hồi đầu tháng 9.2014. Điều này có nghĩa, khả năng “xả nước cứu hạn” cho sản xuất nông nghiệp của hồ thủy điện Đăkđrinh dường như là không thể. Lý do, nước tích tại hồ thủy điện Đăkđrinh chủ yếu phụ thuộc vào lượng mưa tại các tỉnh Tây Nguyên. Thế nhưng, hiện giờ khu vực này đang ở giai đoạn cuối mùa mưa, lượng nước đổ về hồ vì thế cũng đã giảm.

Trước tình hình trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mậu Văn đề nghị ngoài việc khuyến khích nông dân sử dụng nước tiết kiệm, cũng như tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích lúa chân cao…. các địa phương cần khẩn trương xây dựng phương án phòng chống hạn ngay từ đầu tháng 12.2014 để Sở NN&PTNT có cơ sở trình Bộ NN&PTNT sớm xem xét, hỗ trợ kinh phí nạo vét, sửa chữa các tuyến kênh chính hay mua dầu, nhiên liệu…thực hiện việc bơm tát nước.

Lo giống, phân bón, vật tư nông nghiệp là hàng “dỏm”

Cùng với nỗi lo thiếu hụt nước tưới, nông dân trong tỉnh còn sợ gặp giống, phân bón hay vật tư nông nghiệp (VTNN) kém chất lượng. Lo lắng này của nông dân không phải không có cơ sở khi mà vụ đông xuân 2013 – 2014, nhiều hộ ở các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Nghĩa Hành… đã một phen điêu đứng vì mua phải giống lúa có tỷ lệ nảy mầm thấp.

Nhắc lại chuyện này, bà Trần Thị Lộc ngụ tổ 1, thôn Phú Lễ 1, xã Bình Trung (Bình Sơn) không giấu được lo lắng khi mà “với giá 14.000 – 15.000 đồng/kg nên muốn sạ một sào lúa, tôi đã phải mất 70 – 90 nghìn đồng mua giống chứ ít đâu. Thế nên nếu mua trúng giống lép nhiều, nảy mầm ít như năm ngoái thì chúng tôi chỉ có nước… bỏ ruộng!”.

Còn với phân bón, VTNN thì lâu nay, dường như nông dân cứ phải phó mặc và đặt niềm tin vào chủ các cửa hàng, đại lý buôn bán mặt hàng này. Lý do muôn thuở vẫn là nông dân chưa có điều kiện tiếp cận các điểm mua bán uy tín, cũng như không thể nắm bắt đầy đủ thông tin xuất xứ, tác dụng… của từng loại phân, thuốc.

Nói như lão nông Đoàn Dụng, ngụ xã Đức Nhuận (Mộ Đức) thì: “Nông dân mua thuốc, bón phân theo kinh nghiệm của mình và tin vào chủ đại lý! Còn kiểm tra, xử lý hàng dỏm là việc của ngành chức năng”. Về điều này, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cũng thẳng thắn chia sẻ: “Đầu vụ, Đoàn thanh tra liên ngành của Sở tổ chức nhiều đợt ra quân kiểm tra nhưng năm nào cũng xuất hiện tình trạng giống, VTNN  kém chất lượng. Lý do, việc thanh kiểm tra thiếu tính chuyên nghiệp, lực lượng mỏng…”. Để chấn chỉnh tình trạng trên, ông Tô cho rằng “cần phải tăng cường thanh tra đột xuất và “siết” chặt quản lý ngay từ khâu sản xuất”.

Với những nỗi lo trên, nông dân rất mong ngành nông nghiệp cũng như các đơn vị liên quan sớm có hướng giải quyết, khắc phục để họ yên tâm và thuận lợi bước vào vụ sản xuất mới.

Nguồn bài viết: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201411/vu-moi-lam-kho-khan-2354404/


Có thể bạn quan tâm

Niềm vui của người trồng quế Niềm vui của người trồng quế

Cùng với việc giá quế vỏ tăng cao, năm nay, người trồng quế ở tỉnh Quảng Ngãi còn đón nhận niềm vui mới, khi một nhà máy chế biến tinh dầu từ cành, lá quế được đầu tư xây dựng ngay trên đất quế Trà Bồng.

11/05/2015
Vụ nếp Đông xuân năng suất đạt trên 7,38 tấn/ha Vụ nếp Đông xuân năng suất đạt trên 7,38 tấn/ha

Năng suất bình quân đạt hơn 7,38 tấn/ha, nếp tươi được thương lái mua tại ruộng dao động từ 4.900 - 5.000 đồng/kg. Với năng suất đạt và giá nếp cao như hiện nay, bà con nông dân rất phấn khởi, vì lợi nhuận đem lại từ cây nếp trong vụ này cao hơn vụ trước gần 7 triệu đồng/ha.

11/05/2015
Các giống khoai mì thích hợp với vùng Tây Nguyên Các giống khoai mì thích hợp với vùng Tây Nguyên

Thực hiện chỉ đạo của thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên đã phối hợp với Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ xác định một số giống khoai mì mới, khuyến cáo đưa các giống khoai mì năng suất cao, có khả năng chống chịu tốt với điều kiện hạn hán vào trồng đại trà ở Tây Nguyên, gồm: KM 140, KM 98-5, KM 98-7, KM 419, SM 939-26.

11/05/2015
Gần 500 gốc điều vô cớ bị chặt phá Gần 500 gốc điều vô cớ bị chặt phá

Sáng 8-5, gia đình anh Vũ Đại Vương (ngụ tại ấp 3, xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) đã đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cẩm Mỹ tiến hành điều tra, truy tìm hung thủ đã chặt phá toàn bộ khu vườn điều của gia đình mình.

11/05/2015
Thời hoàng kim của hồ tiêu Thời hoàng kim của hồ tiêu

Nối tiếp thành công của năm 2014, ngành hồ tiêu 4 tháng đầu năm tiếp tục lập kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu dù sản lượng sụt giảm Tuy nhiên, ngay giữa thời cực thịnh, nhiều vấn đề cấp bách của cây hồ tiêu đã được đặt ra để ngày vui không chớm tàn và hạt tiêu Việt Nam không lâm vào cảnh được mùa rớt giá như hàng loạt loại nông sản khác.

11/05/2015