Vụ lúa đông - xuân thắng lợi nhờ cơ cấu giống hợp lý, xuống giống đồng loạt né rầy
Vụ lúa đông - xuân, toàn tỉnh xuống giống được gần 69.000ha, năng suất bình quân đạt trên 6,8 tấn/ha, tăng 0,1 tấn/ha so với cùng kỳ. Như vậy, vụ lúa đông - xuân nông dân thắng lợi lớn trên cả 03 mặt là diện tích gieo trồng đạt 108% kế hoạch, năng suất tăng 0,1 tấn/ha và sản lượng tăng 23.150 tấn so với cùng kỳ. Về cơ cấu giống, đa số nông dân sử dụng các giống lúa chất lượng cao như OM4900, OM5451, OM6976, OM6162…
Ông Huỳnh Văn Tới, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết: Nhằm từng bước giảm diện tích trồng lúa có phẩm chất gạo thấp (IR50404, OM576), mỗi khi vào vụ sản xuất mới, ngành nông nghiệp luôn khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa chất lượng để đảm bảo đầu ra, cũng như nguồn lợi nhuận. Một số giống lúa được khuyến cáo gieo sạ như: OM5451, OM6976, OM4900, OM6162… Ngoài ra, còn vận động nông dân sạ hàng, sạ thưa, áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, mô hình “1 phải 5 giảm”, mô hình “3 giảm 3 tăng” để đảm bảo năng suất, chất lượng và sản lượng theo kế hoạch đề ra. Vụ lúa đông - xuân, toàn huyện xuống giống được 11.458ha, giống lúa chất lượng cao chiếm khoảng 75% diện tích, năng suất lúa đạt 6,84 tấn/ha, tăng 0,383 tấn/ha so với cùng kỳ.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong sản xuất lúa, ông Thạch Phương, ở ấp Thanh Trì A, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành luôn chú trọng việc chọn luân chuyển giống cho mỗi mùa vụ để hạn chế sâu bệnh và đảm bảo thời gian vụ mùa. Các giống ông chọn luôn là giống xác nhận, chất lượng cao, kháng rầy tốt, cứng cây ít đổ ngã, đạt năng suất, dễ bán và phù hợp với vùng đất của địa phương.
Ông Phương bộc bạch: “Nếu vụ đông - xuân vừa rồi tôi canh tác giống OM4900, thì vụ hè - thu này tôi chọn giống OM5451 để gieo sạ cho 0,8ha đất của gia đình. Bởi giống lúa OM5451 có thời gian sinh trưởng ngắn, có thể thu hoạch sớm để sạ lại vụ thu - đông và cắt lúa trong điều kiện tránh triều cường”. Cũng theo ông Phương, khi sử dụng giống xác nhận trong sản xuất, nông dân có nhiều mặt lợi: Thứ nhất không có lộn lúa khác, ít mầm bệnh; thứ hai năng suất cao hơn lúa ngang ở ngoài. Chẳng hạn, nếu sạ giống lúa ngang thì năng suất khoảng 06 tấn/ha, nhưng sạ giống xác nhận thì khoảng 6,5 tấn/ha.
Ông Đoàn Tấn Triều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đạt được kết quả trên là do ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về thuỷ lợi; triển khai, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất; nhân rộng các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình “3 giảm, 3 tăng", “1 phải, 5 giảm”, cánh đồng lớn… Theo đó, dựa vào điều kiện tự nhiên của từng vùng đất, mỗi vụ lúa, ngành nông nghiệp đều ban hành các văn bản chỉ đạo sản xuất, thông báo lịch thời vụ, xuống giống một cách đồng loạt, dứt điểm từng khu vực theo hướng “né rầy”.
Mặc dù đã thực hiện tốt những khuyến cáo của ngành nông nghiệp ngay đầu vụ, nhưng vụ lúa đông - xuân do độ mặn xuất hiện sớm và cao hơn so với cùng kỳ, khó tiếp nước ngọt từ các cống thượng nguồn nên mực nước trong các tuyến kênh nội đồng xuống thấp, xuất hiện tình trạng thiếu nước bơm tát cục bộ từ ngày 19 - 26/02/2015 ở huyện Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành, Cầu Kè và Cầu Ngang với diện tích trên 9.000ha. Nhờ thời tiết thuận lợi, ngành chuyên môn quan tâm, độ mặn xuống thấp nên các cống đầu mối đã mở hết công suất, các diện tích lúa đông - xuân trên toàn tỉnh đã đủ nước bơm tát không gây thiệt hại. Vì vậy, trong các vụ lúa tiếp theo, các địa phương cần chú trọng thực hiện công tác thủy lợi nội đồng để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho diện tích đất của nông dân trong từng khu vực.
Vụ lúa hè - thu 2015, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được 71.500ha, đạt trên 92% kế hoạch. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện các trà lúa hè - thu đang sinh trưởng và phát triển tốt, tình hình sâu bệnh tuy có ảnh hưởng nhưng chỉ gây hại ở mức độ nhẹ.
Với sự chuẩn bị khá chu đáo của nông dân từ khâu cày ải phơi đất đến chọn giống, gieo sạ theo khung lịch thời vụ và thường xuyên thăm đồng, hy vọng vụ lúa này sẽ gặt hái được những kết quả tốt, góp phần đảm bảo năng suất và chất lượng lúa hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm

Chỉ cần điện thoại là hải sản từ nhiều vùng mien sẽ được đóng thùng gửi đến tận nhà trong vòng 1 ngày

Ngoài yếu tố dịch bệnh, sự cạnh tranh từ các thương lái nước ngoài, việc người nuôi tôm neo hàng chờ giá đã tạo sức ép khá lớn cho các doanh nghiệp và ảnh hưởng không nhỏ đến cả ngành chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam.

Người dân thôn Châu Mai, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai (Hà Nội), có nghề nuôi vịt đẻ trứng. Nhắc đến nghề này, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Châu Đào Quang Huệ tươi cười: "Trứng vịt lộn người Hà Nội ăn đều có xuất xứ từ làng tôi cả. Trứng vịt của làng có mặt ở khắp nơi: Hà Nội, Sơn La, Yên Bái, nhưng chủ yếu ở thị trường Hà Nội. Nhờ trứng mà hộ nghèo ở thôn này giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhiều gia đình sáng "mở mắt" ra đã có cả triệu đồng tiền lãi.

Từ một hộ nghèo có cuộc sống kinh tế khó khăn, nhờ áp dụng hiệu quả mô hình chăn nuôi bò sinh sản,đến nay gia đình ông Bùi Văn Bảo ở xóm Đồng Bái, xã Đú Sáng (Kim Bôi - Hòa Bình) là hộ điển hình trong phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng từ việc bán bò, bê.

Bà Nguyễn Thị Chi, thôn Tân Thuận, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng tâm sự, tình cờ bà đọc được thông tin trên báo chí giới thiệu mô hình nuôi chim bồ câu ở TPHCM rất hiệu quả. Năm 2006 hai vợ chồng bà lặn lội về tận nơi để tham quan, học hỏi kinh nghiệm và mua được 10 cặp chim bố mẹ về nuôi thử.