Vũ Hòa Nỗ Lực Xây Dựng Cánh Đồng Mẫu

Xã Vũ Hòa (Kiến Xương) triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu từ vụ xuân năm 2012 với tổng diện tích 50 ha. Sau 2 năm thực hiện, cánh đồng mẫu ở Vũ Hòa đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, xây dựng cánh đồng mẫu nơi đây vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi chính quyền địa phương có những giải pháp về lâu dài để cánh đồng mẫu phát triển bền vững.
Chúng tôi về Vũ Hòa vào những ngày cuối tháng 8 khi bà con xã viên nơi đây vừa hoàn thành đợt phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ cho lúa mùa, trên cánh đồng mẫu lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn một vụ bội thu.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) cho biết: Nhờ quy vùng sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu đã tạo điều kiện rất lớn cho bà con cũng như HTX trong việc chăm sóc, bảo vệ lúa mùa.
Cụ thể, trong đợt phòng trừ sâu cuốn lá hại lúa vừa qua, chúng tôi tổ chức triển khai nhanh chóng và bà con thực hiện kịp thời. Do đó, Vũ Hòa là một trong số ít xã không phải phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ lần 2.
Tuy nhiên, để xây dựng được cánh đồng mẫu, Vũ Hòa gặp không ít khó khăn khi đồng ruộng nơi đây manh mún, nhỏ lẻ.
Giai đoạn đầu thực hiện, bà con còn e ngại về giống lúa, đầu ra của sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Sự thống nhất giữa chính quyền và bà con nông dân chưa cao do nhận thức của người dân muốn duy trì hình thức canh tác truyền thống. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện, từ những hiệu quả đạt được, bà con tin tưởng, ủng hộ và làm theo hướng dẫn của HTX.
HTX đã thường xuyên tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, điều tiết nước, cung ứng vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh và bao tiêu sản phẩm nông sản. Trong vùng cánh đồng mẫu, sử dụng toàn bộ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nhằm giảm chi phí và công lao động.
Ngoài ra, HTX DVNN còn tạo điều kiện cho bà con nông dân mua thuốc trừ sâu, phân bón trả chậm. Tận dụng triệt để thành quả của xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông nội đồng cũng như hệ thống tưới tiêu ở Vũ Hòa được cứng hóa hoàn toàn, đáp ứng yêu cầu sản xuất cho bà con nông dân.
Chị Hoàng Thị Tiến (thôn 1, xã Vũ Hòa) chia sẻ: Gia đình tôi cấy 3,1 mẫu trong vùng cánh đồng mẫu. Việc chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch lúa cũng dễ dàng, tiện lợi hơn so với gieo cấy như trước kia. Vụ xuân vừa qua, dưới sự hướng dẫn của HTX, gia đình tôi cấy giống lúa Nhật ÐS1, năng suất trung bình đạt 2,8 tạ/sào thóc tươi. So với cấy truyền thống trước kia hiệu quả kinh tế trong vùng cánh đồng mẫu tăng 10 - 15%, công chăm sóc bỏ ra ít và không phải lo đầu ra.
Xây dựng cánh đồng mẫu thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao do giảm chi phí sản xuất, công lao động và năng suất, chất lượng đạt cao hơn so với gieo cấy theo cách truyền thống. Vụ xuân vừa qua, trên cánh đồng mẫu, Vũ Hòa gieo cấy giống lúa ÐS1 do Công ty TNHH An Ðình cung cấp giống và thu mua sản phẩm; năng suất trung bình đạt từ 2,7 tạ đến 3 tạ thóc tươi/sào; giá bán là 5.800 đồng/kg thóc tươi.
Tuy nhiên, hiện nay, xây dựng cánh đồng mẫu ở Vũ Hòa chưa thực sự bền vững, phải thay đổi giống lúa ở các mùa vụ.
Nếu như vụ xuân, toàn bộ diện tích gieo cấy giống lúa Nhật ÐS1 do Công ty TNHH An Ðình cung cấp giống và thu mua sản phẩm thì đến vụ mùa không thể gieo cấy giống lúa này, thay vào đó là giống lúa thuần năng suất cao BC15. Nguyên nhân chính là do giống lúa Nhật ÐS1 không thích hợp với thời tiết nắng nóng của mùa hè, khi gieo cấy thử nghiệm, lúa không đạt năng suất như mong muốn.
Do vậy, bà con cũng như Công ty đều thống nhất chỉ ký hợp đồng đối với vụ xuân. Chính vì điều đó, đối với vụ mùa, mặc dù bà con cấy cùng một giống trên cánh đồng mẫu, cùng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh song bà con phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.
Bà Hoàng Thị Lựu (thôn 1, xã Vũ Hòa) chia sẻ: Vụ xuân gia đình tôi cấy 4,4 sào trong vùng sản xuất cánh đồng mẫu. Hiệu quả kinh tế cao hơn so với gieo cấy trước đây do không mất nhiều công lao động và chi phí sản xuất giảm.
Nhưng trong vụ mùa, chúng tôi không yên tâm lắm khi sản phẩm mình làm ra hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường, có khi được mùa mất giá, được giá mất mùa. Ðây cũng là nỗi trăn trở, bài toán khó đối với Vũ Hòa trong xây dựng cánh đồng mẫu.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Chúng tôi đã và đang tìm đối tác liên kết phù hợp, không ngừng tìm tòi, khảo nghiệm những giống mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, diện tích cánh đồng mẫu vẫn được xã tiếp tục duy trì sản xuất; HTX duy trì phục vụ tốt các khâu dịch vụ giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất.
Vụ mùa năm 2014, toàn xã Vũ Hòa gieo cấy 334,8ha, trong đó giống BC15 chiếm 80% diện tích, còn lại là các giống khác. Với quyết tâm cao, Vũ Hòa phấn đấu đạt năng suất 60 - 61 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 2.088 tấn. Cây vụ đông phấn đấu gieo trồng 60ha, trong đó, rau màu 38ha, khoai tây 16ha và ngô, bí xanh 6ha.
Ðể cánh đồng mẫu thực sự trở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao, có tính ổn định lâu dài, Vũ Hòa cần có các giải pháp phù hợp nhằm phát huy tối đa hiệu quả của sản xuất cánh đồng mẫu.
Trước mắt vẫn tiếp tục tuyên truyền, tập huấn khoa học kỹ thuật cho nông dân áp dụng vào sản xuất cánh đồng mẫu; hỗ trợ kinh phí cho bà con, sau đó, nhanh chóng tìm kiếm doanh nghiệp đứng ra liên kết bao tiêu sản phẩm - ông Phạm Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Hòa cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Trung tâm Khuyến nông tỉnh vừa tổng kết mô hình nuôi cá rô phi đơn tính xã Năng Khả (Nà Hang. Mô hình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai tại thôn Nà Reo, quy mô 1 ha với 5 hộ tham gia, thực hiện từ tháng 5 đến hết tháng 11-2014 với tổng kinh phí hơn 193 triệu đồng.

Hiện đang bắt đầu vào mùa bẫy tôm hùm con. Trên địa bàn thành phố Phan Thiết, nhiều ngư dân đã tiến hành đặt bẫy tại các vùng biển ven bờ. Mặc dù Chỉ thị 01 năm 2012 của UBND tỉnh Bình Thuận về quản lý bẫy, bắt tôm hùm con đã cấm bẫy, bắt tôm hùm con từ ngày 1/3 đến 30/9 hàng năm, đồng thời cấm đặt bẫy tại các bãi tắm trước các khu du lịch, các bãi tắm cộng đồng, các khu neo đậu tàu thuyền; các vùng cửa sông, cửa biển và các luồng tuyến giao thông đường thủy tàu thuyền thường xuyên qua lại.

Ngày 11/7/2014, tại thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh tổ chức thả gần 1.000 kg cá các loại như cá lóc, cá chép, cá rô,… xuống môi trường tự nhiên trên sông Vàm Cỏ Đông.

Theo các chủ dựa cá ở chợ ấp 5, nước lũ đầu nguồn đang rút nhanh, số lượng cá đổ ra sông khu vực xã Vĩnh Xương rất nhiều, hàng ngày có nhiều xuồng, ghe lớn nhỏ của các ngư dân tham gia đánh bắt, chủ yếu là cá linh, mè vinh, cá dãnh, cá ét, cá chốt… có giá từ 5.000 đến 15.000đ/kg.

Theo các nhà khoa học, giống cừu Phan Rang được hình thành hơn 100 năm nay. Trải qua điều kiện khí hậu nắng nóng gần như quanh năm, dưới sự tác động của chọn lọc tự nhiên và nhân tạo, giống cừu Phan Rang đã thích nghi cao với môi trường sinh thái của tỉnh, là giống cừu duy nhất ở Việt Nam hiện nay.