Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vũ Hòa Nỗ Lực Xây Dựng Cánh Đồng Mẫu

Vũ Hòa Nỗ Lực Xây Dựng Cánh Đồng Mẫu
Ngày đăng: 04/09/2014

Xã Vũ Hòa (Kiến Xương) triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu từ vụ xuân năm 2012 với tổng diện tích 50 ha. Sau 2 năm thực hiện, cánh đồng mẫu ở Vũ Hòa đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, xây dựng cánh đồng mẫu nơi đây vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi chính quyền địa phương có những giải pháp về lâu dài để cánh đồng mẫu phát triển bền vững.

Chúng tôi về Vũ Hòa vào những ngày cuối tháng 8 khi bà con xã viên nơi đây vừa hoàn thành đợt phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ cho lúa mùa, trên cánh đồng mẫu lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn một vụ bội thu.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) cho biết: Nhờ quy vùng sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu đã tạo điều kiện rất lớn cho bà con cũng như HTX trong việc chăm sóc, bảo vệ lúa mùa.

Cụ thể, trong đợt phòng trừ sâu cuốn lá hại lúa vừa qua, chúng tôi tổ chức triển khai nhanh chóng và bà con thực hiện kịp thời. Do đó, Vũ Hòa là một trong số ít xã không phải phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ lần 2.

Tuy nhiên, để xây dựng được cánh đồng mẫu, Vũ Hòa gặp không ít khó khăn khi đồng ruộng nơi đây manh mún, nhỏ lẻ.

Giai đoạn đầu thực hiện, bà con còn e ngại về giống lúa, đầu ra của sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Sự thống nhất giữa chính quyền và bà con nông dân chưa cao do nhận thức của người dân muốn duy trì hình thức canh tác truyền thống. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện, từ những hiệu quả đạt được, bà con tin tưởng, ủng hộ và làm theo hướng dẫn của HTX.

HTX đã thường xuyên tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, điều tiết nước, cung ứng vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh và bao tiêu sản phẩm nông sản. Trong vùng cánh đồng mẫu, sử dụng toàn bộ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nhằm giảm chi phí và công lao động.

Ngoài ra, HTX DVNN còn tạo điều kiện cho bà con nông dân mua thuốc trừ sâu, phân bón trả chậm. Tận dụng triệt để thành quả của xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông nội đồng cũng như hệ thống tưới tiêu ở Vũ Hòa được cứng hóa hoàn toàn, đáp ứng yêu cầu sản xuất cho bà con nông dân.

Chị Hoàng Thị Tiến (thôn 1, xã Vũ Hòa) chia sẻ: Gia đình tôi cấy 3,1 mẫu trong vùng cánh đồng mẫu. Việc chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch lúa cũng dễ dàng, tiện lợi hơn so với gieo cấy như trước kia. Vụ xuân vừa qua, dưới sự hướng dẫn của HTX, gia đình tôi cấy giống lúa Nhật ÐS1, năng suất trung bình đạt 2,8 tạ/sào thóc tươi. So với cấy truyền thống trước kia hiệu quả kinh tế trong vùng cánh đồng mẫu tăng 10 - 15%, công chăm sóc bỏ ra ít và không phải lo đầu ra.

Xây dựng cánh đồng mẫu thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao do giảm chi phí sản xuất, công lao động và năng suất, chất lượng đạt cao hơn so với gieo cấy theo cách truyền thống. Vụ xuân vừa qua, trên cánh đồng mẫu, Vũ Hòa gieo cấy giống lúa ÐS1 do Công ty TNHH An Ðình cung cấp giống và thu mua sản phẩm; năng suất trung bình đạt từ 2,7 tạ đến 3 tạ thóc tươi/sào; giá bán là 5.800 đồng/kg thóc tươi.

Tuy nhiên, hiện nay, xây dựng cánh đồng mẫu ở Vũ Hòa chưa thực sự bền vững, phải thay đổi giống lúa ở các mùa vụ.

Nếu như vụ xuân, toàn bộ diện tích gieo cấy giống lúa Nhật ÐS1 do Công ty TNHH An Ðình cung cấp giống và thu mua sản phẩm thì đến vụ mùa không thể gieo cấy giống lúa này, thay vào đó là giống lúa thuần năng suất cao BC15. Nguyên nhân chính là do giống lúa Nhật ÐS1 không thích hợp với thời tiết nắng nóng của mùa hè, khi gieo cấy thử nghiệm, lúa không đạt năng suất như mong muốn.

Do vậy, bà con cũng như Công ty đều thống nhất chỉ ký hợp đồng đối với vụ xuân. Chính vì điều đó, đối với vụ mùa, mặc dù bà con cấy cùng một giống trên cánh đồng mẫu, cùng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh song bà con phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

Bà Hoàng Thị Lựu (thôn 1, xã Vũ Hòa) chia sẻ: Vụ xuân gia đình tôi cấy 4,4 sào trong vùng sản xuất cánh đồng mẫu. Hiệu quả kinh tế cao hơn so với gieo cấy trước đây do không mất nhiều công lao động và chi phí sản xuất giảm.

Nhưng trong vụ mùa, chúng tôi không yên tâm lắm khi sản phẩm mình làm ra hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường, có khi được mùa mất giá, được giá mất mùa. Ðây cũng là nỗi trăn trở, bài toán khó đối với Vũ Hòa trong xây dựng cánh đồng mẫu.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Chúng tôi đã và đang tìm đối tác liên kết phù hợp, không ngừng tìm tòi, khảo nghiệm những giống mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, diện tích cánh đồng mẫu vẫn được xã tiếp tục duy trì sản xuất; HTX duy trì phục vụ tốt các khâu dịch vụ giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất.

Vụ mùa năm 2014, toàn xã Vũ Hòa gieo cấy 334,8ha, trong đó giống BC15 chiếm 80% diện tích, còn lại là các giống khác. Với quyết tâm cao, Vũ Hòa phấn đấu đạt năng suất 60 - 61 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 2.088 tấn. Cây vụ đông phấn đấu gieo trồng 60ha, trong đó, rau màu 38ha, khoai tây 16ha và ngô, bí xanh 6ha.

Ðể cánh đồng mẫu thực sự trở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao, có tính ổn định lâu dài, Vũ Hòa cần có các giải pháp phù hợp nhằm phát huy tối đa hiệu quả của sản xuất cánh đồng mẫu.

Trước mắt vẫn tiếp tục tuyên truyền, tập huấn khoa học kỹ thuật cho nông dân áp dụng vào sản xuất cánh đồng mẫu; hỗ trợ kinh phí cho bà con, sau đó, nhanh chóng tìm kiếm doanh nghiệp đứng ra liên kết bao tiêu sản phẩm - ông Phạm Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Hòa cho biết.


Có thể bạn quan tâm

Kiểm Soát Cung - Cầu Để Phát Triển Bền Vững Ngành Cá Tra Kiểm Soát Cung - Cầu Để Phát Triển Bền Vững Ngành Cá Tra

Sản phẩm cá tra xuất khẩu đã rơi vào tình trạng thừa, thị trường xuất khẩu khó khăn vì rào cản thương mại, kỹ thuật. Làm gì để phát triển bền vững ngành cá tra là vấn đề một lần nữa được đặt ra tại Hội nghị Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL ngày 21-8, tại TP Cần Thơ. Dịp này, Tổng Cục thủy sản trình bày Dự thảo về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra và lấy ý kiến đóng góp từ các DN.

22/08/2013
Xuất Hiện Tình Trạng Trộm Trâu Ở Hương Thủy Xuất Hiện Tình Trạng Trộm Trâu Ở Hương Thủy

Do diện tích đất trồng cỏ bị thu hẹp, nhiều người dân ở xã Dương Hoà (Thừa Thiên Huế) nuôi trâu, bò bằng cách chăn thả rong trong rừng, thỉnh thoảng mới vào kiểm kê và thăm nom. Nắm được quy luật này, bọn trộm trâu đã ra tay khiến người dân thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

22/08/2013
Loạn Giống Gà Ở Yên Thế Loạn Giống Gà Ở Yên Thế

Dù sản phẩm gà đồi Yên Thế (Bắc Giang) đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận từ năm 2011, nhưng cho đến nay, việc giữ gìn và phát huy nhãn hiệu đặc sản này vẫn gặp không ít khó khăn do phải cạnh tranh với các loại gà thương phẩm khác trong nước và gà Trung Quốc (TQ)...

22/08/2013
Định Mức Cho Vay Trồng Mía Tăng Lên 70 Triệu Đồng/ha Định Mức Cho Vay Trồng Mía Tăng Lên 70 Triệu Đồng/ha

Ông Huỳnh Kim - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Cù Lao Dung cho biết, trong các năm qua, đơn vị đã tập trung ưu tiên đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Riêng với cây trồng chủ lực của địa phương là cây mía, Agribank Cù Lao Dung có sự quan tâm đặc biệt hơn.

22/08/2013
Chọn Tạo Giống Lúa Phẩm Chất Tốt, Chịu Ngập, Chịu Hạn Chọn Tạo Giống Lúa Phẩm Chất Tốt, Chịu Ngập, Chịu Hạn

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh vừa nghiệm thu đề tài “Chọn tạo giống lúa phẩm chất tốt có khả năng chịu ngập, chịu hạn và chống chịu sâu bệnh hại chính cho tỉnh An Giang”, do Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thị Lang, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long làm chủ nhiệm.

22/08/2013