Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vụ Hè Thu Năm 2013 Nông Dân Lại Thua Lỗ

Vụ Hè Thu Năm 2013 Nông Dân Lại Thua Lỗ
Ngày đăng: 11/06/2013

Đến thời điểm này, trên 60% diện tích lúa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã thu hoạch. Nông dân đang trông chờ chính sách thu mua tạm trữ của Chính phủ để giá lúa nhích lên. Tuy nhiên, theo quy định, đến ngày 15/6 mới mua tạm trữ thì nông dân chắc gì còn lúa để bán...

Lại một vụ sản xuất nữa người dân Đồng Tháp phải đối mặt với khó khăn khi giá lúa giảm thê thảm, nhưng áp lực chi trả chi phí buộc người dân phải bấm bụng bán lúa.

Lúa ế, thương lái mất tăm

Đến Tháp Mười vào những ngày đầu tháng 6, chúng tôi cảm nhận rõ nhất sự ảm đạm của thị trường lúa gạo nơi đây. Ông Nguyễn Văn Thành (ấp 4, xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười) thu hoạch cả chục tấn lúa đã hơn một tuần mà chẳng có ghe mua lúa nào tới hỏi. Ông Thành nói: “Giá thấp nhưng muốn bán cũng không dễ. Một số thương lái chỉ đến ngã giá cho qua loa, mua được thì mua, không thì xô ghe đi”.

Còn bà Đặng Thị Huệ (xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười) buồn bã: “Vì phải trả tiền vật tư nông nghiệp, chi phí gặt đập nên tôi phải bấm bụng bán lúa IR50405 với giá 3.800 đồng/kg. Dù giá này cầm chắc lỗ nhưng nếu trữ lại thì không có điều kiện phơi sấy”.

Trên địa bàn huyện Cao Lãnh, tình trạng vắng bóng thương lái cũng diễn ra tương tự. Nhiều nông dân đã thu hoạch lúa chất đống trên đường nhưng thương lái chẳng thấy đâu. Ông Dương Hoài Nam (xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh) cho biết, thu hoạch 10ha lúa được 80 tấn nhưng cả tuần nay không bán được. “Tuần trước thương lái bỏ tiền cọc 10 triệu đồng mua lúa giá 4.150 đồng/kg. Khi thu hoạch xong gọi điện họ không tới, nay họ bảo chỉ lấy lúa nếu đồng ý với giá 3.600 đồng/kg” - ông Nam bức xúc.

Theo tính toán của nông dân, giá thành sản xuất lúa vụ hè thu này khoảng 4.100 - 4.500 đồng/kg. Giá lúa hiện nay chỉ còn 3.150 - 3.500 đồng/kg, tất cả đều bị lỗ khoảng 1.000 đồng/kg. Những người sản xuất càng nhiều thì càng lỗ nặng.

Trước tình hình giá lúa sụt giảm, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho VFA tiếp tục làm đầu mối thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long, thời gian dự kiến từ ngày 15/6 - 31/7. Tuy nhiên, đến thời điểm ấy chắc gì nông dân Đồng Tháp còn lúa để bán.

Chia sẻ về việc không chờ được tạm trữ, ông Dương Hoài Nam cho biết: “10 ha lúa của tôi bị ngã, lên mộng tại ruộng, dù giá rẻ nhưng nếu không bán lúa ướt thì không có nơi tồn trữ, phơi sấy. Mặt khác chưa biết đến khi tạm trữ, giá lúa sẽ lên được bao nhiêu trong khi chi phí phân thuốc đến vụ phải trả nên hầu như nông dân đều bán tại ruộng”.

Ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp cho biết: Sản lượng lúa vụ hè thu này của tỉnh ước đạt 1.197 ngàn tấn. Đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được 104,212ha, tương đương hơn 60% tổng diện tích. Hiện giá lúa tươi đã sụt giảm 600 - 700 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, nhưng những người thu hoạch lúa sớm đành chịu lỗ, bán dưới giá thành để chi trả chi phí sản xuất.

“Việc VFA chậm triển khai mua tạm trữ như vụ đông xuân vừa rồi, một lần nữa hơn 60% nông dân trong tỉnh lại không được hưởng chính sách này. Hiện tại, VFA chưa phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên địa phương mong muốn VFA phối hợp với tỉnh, lựa chọn, phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ cho các doanh nghiệp mà tỉnh thấy có đủ năng lực thật sự và ưu tiên cho các doanh nghiệp này xuất khẩu theo các hợp đồng tập trung chứ không làm theo kiểu “truyền thống” - tạm trữ giao cho doanh nghiệp này nhưng xuất khẩu lại giao cho doanh nghiệp khác” - ông Phan Kim Sa nói.

Áp lực tồn kho của doanh nghiệp

Cũng theo ông Phan Kim Sa, mặc dù VFA đã đưa ra quy định thời gian thu mua tạm trữ, nhưng hiện nay, các doanh nghiệp thu mua lúa gạo trên địa bàn tỉnh đang chịu sức ép rất lớn vì số lượng lúa vụ đông xuân tồn kho. Vụ đông xuân vừa qua, các doanh nghiệp thu mua tạm trữ không xuất được lúa vì hợp đồng tập trung ít, giá giảm, trong khi đó từ ngày 20/5/2013 doanh nghiệp phải chịu lãi suất từ 80-100 đồng/kg lúa. Để hỗ trợ doanh nghiệp thì song song với việc triển khai thu mua tạm trữ, Chính phủ nên hỗ trợ lãi suất 0% cho các doanh nghiệp này.

Đại diện một công ty thu mua lúa gạo trên địa bàn tỉnh cho biết: Số lượng lúa tồn kho của công ty hiện nay là trên 40.000 tấn. Hiện tại công ty chưa được phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ, nhưng để đảm bảo hoạt động, công ty vẫn tự tìm kiếm thị trường và chủ động thu mua lúa của nông dân ngay từ đầu vụ. Tuy nhiên, bình thường công ty mua 1.000 tấn lúa/ngày, hiện chỉ mua cầm chừng khoảng 700 tấn/ngày. Lúa giảm giá người nông dân gặp khó, nhưng trước tình hình khó khăn này doanh nghiệp cũng phải gắng gượng tìm kiếm hợp đồng và chờ chỉ tiêu tạm trữ, để vừa hỗ trợ nông dân lại vừa giải quyết được khó khăn cho doanh nghiệp.

Như vậy, chưa biết tạm trữ sẽ triển khai như thế nào, doanh nghiệp được phân bổ bao nhiêu chỉ tiêu tạm trữ nhưng hiện nay, cả doanh nghiệp và người dân vẫn đang “gồng mình” chờ tạm trữ...


Có thể bạn quan tâm

Vườn Tiêu Xanh Lại Trên Đất Tân Hội (Lâm Đồng) Vườn Tiêu Xanh Lại Trên Đất Tân Hội (Lâm Đồng)

Cây hồ tiêu đã có mặt ở xã Tân Hội, Đức Trọng (Lâm Đồng) hơn 20 năm nay nhưng do giá cả bấp bênh, năng suất, hiệu quả thấp nên cây tiêu ở đây không phát triển được. Đã có lúc người dân phá bỏ cây tiêu để chuyển sang các loại cây trồng khác. Hiện nay, tiêu được giá, cho thu nhập cao nên nhiều hộ dân Tân Hội quay lại đầu tư phát triển vườn tiêu. Những vườn tiêu đang xanh lại trên đất Tân Hội và mở ra triển vọng mới cho người nông dân nơi đây.

18/10/2014
Mô Hình Nuôi Tôm Càng Xanh Lợi Nhuận Cao Mô Hình Nuôi Tôm Càng Xanh Lợi Nhuận Cao

Mô hình nuôi tôm càng xanh của anh đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 6 lần so với trồng lúa đã được phổ biến để giúp bà con nông dân chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tăng thu nhập cho gia đình. Năm 2014, anh được Hội Nông dân tỉnh bình chọn là nông dân tiêu biểu cấp tỉnh, được đề nghị UBND tỉnh tặng thưởng bằng khen.

18/10/2014
Thu Hoạch Tôm Thẻ Chân Trắng Thu Hoạch Tôm Thẻ Chân Trắng

Nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) nuôi thử nghiệm mô hình này bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ. Ngày 14/10, ngành chức năng của huyện phối hợp với hộ nuôi tiến hành thu hoạch tôm. Kết quả bước đầu khá thành công.

18/10/2014
Đồng Tháp Phát Triển Mô Hình Sản Xuất Giống Cá Tra Chất Lượng Cao Theo VietGAP Đồng Tháp Phát Triển Mô Hình Sản Xuất Giống Cá Tra Chất Lượng Cao Theo VietGAP

Tỉnh Đồng Tháp hiện có 90 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cá tra (trong đó có 01 trung tâm giống cấp tỉnh và 05 trại giống cấp huyện), ngoài ra còn có khoảng 2.000 hộ ương giống. Hằng năm cung cấp hơn 2 tỷ con cá tra giống, khiến Đồng Tháp trở thành một trong những địa điểm cung cấp giống cá tra hàng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

18/10/2014
Hà Nội Tăng Liên Kết Trong Cung Ứng Thủy Sản An Toàn Hà Nội Tăng Liên Kết Trong Cung Ứng Thủy Sản An Toàn

Tổng diện tích mặt nước có tiềm năng nuôi trồng thủy sản (NTTS) của toàn TP là hơn 30.800ha, chưa kể mặt nước của các con sông. Thực hiện Chương trình phát triển NTTS, hàng năm, TP đầu tư từ 15 - 20 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển vùng NTTS tập trung, đảm bảo môi trường, dịch bệnh và ATTP như xây dựng hạ tầng, cung cấp thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học. Đến nay, toàn TP có trên 200 vùng nuôi có quy mô diện tích từ 30 - 200ha và hàng ngàn trang trại NTTS.

18/10/2014