Vụ hè thu 2015 vượt qua nắng hạn, tập trung chăm sóc cây trồng

Vượt kế hoạch
Có mặt ở một số cánh đồng lúa trên địa bàn Hàm Thuận Bắc những ngày này, hình ảnh bạt ngàn ruộng lúa xanh mơn mởn đang thì đẻ nhánh, đón đòng sau những cơn mưa khiến chúng tôi không khỏi vui lây. Đang tưới đạm cho hơn 1 sào ruộng chừng 30 - 40 ngày tuổi, ông Thanh, một nông dân ở xã Hàm Thắng, Hàm Thuận Bắc phấn khởi chia sẻ: Nhờ những cơn mưa liên tiếp gần cả tháng nay, cánh đồng đã được gieo cấy kín hết diện tích. Nay lúa đã xanh tốt nên tôi cố gắng chăm sóc để đạt năng suất cao.
“Mặc dù hạn hán ảnh hưởng lớn đến tiến độ gieo trồng đầu vụ. Tuy nhiên, do có phương án chuẩn bị và tận dụng mọi nguồn nước ngay sau khi có mưa, các đơn vị chức năng và địa phương đã cân đối nguồn nước để phục vụ sản xuất lúa hè thu, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra” - Đó là đánh giá của ông Phạm Hữu Thủ - Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT) ngay sau khi kết thúc gieo trồng vụ hè thu 2015. Đặc biệt, nhờ tận dụng nguồn nước từ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, thủy điện Đại Ninh và các cơn mưa từ giữa tháng 6/2015, có 4 vùng trọng điểm lúa của tỉnh đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra. Bao gồm huyện Đức Linh 7.909/7.800 ha kế hoạch, Tánh Linh 8.930/8.400 ha; Bắc Bình 10.765/9.000 ha và Hàm Thuận Bắc 8.986/8.500 ha. Riêng huyện Tuy Phong không sản xuất lúa hè thu do không cân đối được nước tưới (diện tích 1.800 ha).
Trước đó, trong quá trình sản xuất, hầu hết các địa phương gặp rất nhiều khó khăn do hạn hán kéo dài, một số địa phương đã phải tạm ngưng xuống giống. Trước khó khăn của thời tiết, hàng nghìn ha đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh tưởng chừng bỏ hoang...
Tập trung chăm sóc, phòng chống sâu bệnh
“Mặc dù diện tích sản xuất lúa hè thu vượt chỉ tiêu, nhưng do ảnh hưởng của hạn hán, thời vụ gieo trồng bị trễ khoảng 1 tháng so kế hoạch (tập trung sản xuất trong tháng 5), do đó, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lịch thời vụ của vụ mùa sắp tới. Vì vậy, các địa phương cần chủ động về vật tư, giống...để khi thu hoạch xong vụ hè thu sẽ triển khai vụ mùa ngay (khoảng tháng 9/2015)” - ông Thủ nhấn mạnh thêm. Mặt khác, ngay sau khi kết thúc gieo trồng lúa hè thu, ngành nông nghiệp và nông dân các địa phương cần tập trung chăm sóc và đẩy mạnh dự báo, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật, do kéo dài thời gian gieo trồng và ảnh hưởng thời tiết nên đã xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại cho lúa như rầy nâu, sâu cuốn lá, đạo ôn...
Trong đó, phân bố chủ yếu ở huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình. Do đó, các Trạm BVTV cần theo dõi sát diễn biến sâu bệnh trên ruộng lúa, kịp thời khuyến cáo người dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ đúng lúc, hiệu quả đối với từng đối tượng gây hại. Đặc biệt lưu ý tình hình rầy nâu hại lúa. Đối với bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá, khi phát hiện phải ngừng bón đạm, không phun các loại phân bón lá, kích thích sinh trưởng. Phải kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, phát hiện sớm và sử dụng thuốc đặc trị để phòng trừ, hạn chế bệnh gia tăng.
Có thể bạn quan tâm

Ông Đoàn Văn Chính, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cái Nước cho biết, diện tích nuôi cua kết hợp một số đối thượng khác của huyện đạt trên 6.000 ha, hiện đang trong thời gian thu hoạch nhưng bà con chưa mặn mà do giá thấp.

Trải qua hành trình cả trăm năm, thanh long - loại cây ăn trái có nguồn gốc từ sa mạc đã trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực có lợi thế phát triển, xuất khẩu bậc nhất của Việt Nam. Song, cũng như nhiều loại cây ăn trái khác, thanh long đã trải qua những bước thăng trầm; điệp khúc “được mùa rớt giá” vẫn cứ lặp đi lặp lại và đang đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết.

Hiện tại, vú sữa Lò Rèn loại 1 được các thương lái thu mua tại vựa chỉ khoảng 30.000đ/kg; loại 2 đến tay người tiêu dùng khoảng 20.000đ/kg; loại 3 khoảng 15.000 – 18.000đ/kg. Trong đó, năm trước giá vú sữa Lò Rèn loại 1 có giá 40.000 - 45.000đ/kg; loại 2 khoảng 30.000đ/kg; loại 3 từ 22.000đ/kg trở lên.

Ông Nguyễn Hữu Tài, giám đốc HTX Sản xuất, tiêu thụ và XK thanh long Dương Xuân cho biết, nhờ thị trường XK thanh long sang Trung Quốc khởi sắc, các DN XK thanh long liên tiếp nhận được những đơn hàng mới, đặc biệt là các đơn hàng thanh long ruột đỏ nên họ không ngừng đẩy giá lên. Ngoài ra, nguyên nhân tăng giá còn do diện tích thanh long ruột đỏ còn hạn chế.

NM được xây dựng trên diện tích gần 5 ha (giai đoạn 1), trong đó nhà xưởng 18.600 m2, được lắp đặt thiết bị tiên tiến nhất do Mỹ, Nhật Bản và châu Âu chế tạo, với tổng vốn đầu tư trên 170 tỷ đồng, công suất chế biến 5.000 tấn tôm thành phẩm/năm, tạo việc làm cho 750 lao động, doanh thu XK khoảng 50 - 60 triệu USD.