Vốn Đóng Tàu Vỏ Sắt Chưa Chảy

Vẫn chưa có địa phương nào phê duyệt được danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn đầu tư đóng tàu vỏ sắt nên dòng vốn này vẫn "chưa chảy" - ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN-PTNT) - thông tin như vậy tại buổi tọa đàm chủ đề: Để ngư dân vững vàng vươn khơi, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 4.11 tại Hà Nội.
Ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết, sau hơn 2 tháng Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực thi hành, đã có 8 thông tư được ban hành để hướng dẫn đảm bảo chính sách này sớm được triển khai.
Dù chính sách ban hành thông thoáng về thời gian vay vốn, ưu đãi lãi suất, cơ chế xử lý rủi ro nhưng dòng vốn đầu tư đóng mới đội tàu vỏ sắt vẫn “chưa chảy được” đến tay ngư dân.
Theo quy định, ngư dân tham gia chương trình vay vốn phải nằm trong danh sách được UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt. Sau đó, các hộ liên hệ với ngân hàng làm thủ tục. “Đến nay vẫn chưa có địa phương nào phê duyệt được danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn dù bà con đang háo hức mong mỏi”, ông Tuấn nói.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng, cho biết địa phương này đã có 150 tổ chức và cá nhân đăng ký vay vốn đóng mới 180 tàu cá, trong đó 23 tàu dịch vụ hậu cần nhưng chỉ tiêu do Bộ NN-PTNT phân bổ chỉ cấp vốn cho 47 tàu, đã bao gồm 8 tàu dịch vụ hậu cần.
Dự kiến đầu tháng 12, UBND TP.Đà Nẵng sẽ ban hành tiêu chuẩn và thành lập ban chỉ đạo để xét chọn đúng đối tượng được vay vốn.
Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) Lê Trung Thành khẳng định biểu mẫu vay vốn cho ngư dân được tính toán xây dựng đảm bảo theo hướng đơn giản và dễ hiểu. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất, khi nào địa phương công bố danh sách ngư dân, ngân hàng sẽ xúc tiến giải ngân luôn chứ không thẩm định lại để rút ngắn quy trình, thủ tục.
Có thể bạn quan tâm

Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn ra ở hầu hết các vùng trọng điểm nuôi tôm, trong đó các tỉnh khu vực ĐBSCL thiệt hại nặng nề nhất. Dịch bệnh hoại tử gan tuỵ cấp xuất hiện trên cả 2 đối tượng nuôi chính là tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Theo báo cáo của Tổng Cục thuỷ sản, diện tích tôm bệnh chiếm gần 30% diện tích tôm nuôi, chủ yếu là bệnh đốm trắng, đầu vàng và gan tuỵ cấp.

Trong 5 tháng đầu năm 2014, vượt qua khó khăn, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đang dần hồi phục. Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 7 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2013. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị toàn thể của VASEP tổ chức ngày 12/6 tại TP Hồ Chí Minh.

Vài năm trước, diện tích nuôi cá mú, cá chẻm trên địa bàn TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) phát triển rất lớn, nhưng do gặp dịch bệnh, năng suất thấp, rớt giá, lãi không cao nên nhiều hộ đã chuyển sang nuôi ốc hương hay trồng rong. Tuy nhiên năm nay việc nuôi cá mú, cá chẻm lại rất thuận lợi, giá bán cao nên người nuôi rất phấn khởi.

Để nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu thủy sản xuất khẩu, phòng ngừa trường hợp các thị trường nhập khẩu sẽ tẩy chay các mặt hàng tôm Việt Nam, gây hậu quả lớn cho nền kinh tế, ngày 11 tháng 6 năm 2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Hoàng Sa đã có ý kiến chỉ đạo thực hiện công tác ngăn chặn tình trạng bơm chích tạp chất, thu mua, vận chuyển nguyên liệu thủy sản chứa tạp chất.

Tính đến ngày 5/6, tại các xã Ðông Minh, Ðông Hải (Tiền Hải - Thái Bình) đã có 157 hộ nuôi tôm phát hiện thấy có hiện tượng tôm chết trong ao với tổng diện tích 18,232ha, số lượng 4,165 triệu con. Tuy tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng vẫn đang diễn biến phức tạp.