Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Với TPP, nông nghiệp sẽ phải thay đổi

Với TPP, nông nghiệp sẽ phải thay đổi
Ngày đăng: 07/10/2015

Tuy nhiên, để hưởng lợi từ TPP, bản thân ngành nông nghiệp sẽ phải tiến hành nhiều thay đổi.

Kẻ mừng, người lo

Ngành gỗ và chế biến gỗ được cho là ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia TPP, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores).

Ông quyền cho hay các doanh nghiệp trong ngành rất hồ hởi khi đón nhận thông tin TPP đã kết thúc đàm phán vì hầu hết các đối tác chính cả xuất và nhập khẩu gỗ đều nằm trong nhóm 12 nước tham gia TPP.

Theo ông Quyền, khi tham gia TPP, riêng ngành gỗ sẽ được hưởng ba lợi ích rất lớn.

Thứ nhất là về xuất xứ ngành gỗ. Trước khi tham gia TPP, Việt Nam có thể mua nguyên liệu gỗ của nhiều nước khác nhau để sản xuất và xuất đi nước thứ 3.

Song theo hiệp định TPP, nếu muốn xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nội khối được ưu đãi thuế suất thì ít nhất Việt Nam phải đảm bảo 70% nguyên liệu sản xuất được sử dụng nội khối, 30% còn lại nhập từ các nước khác.

Ông Quyền cho hay, việc này cũng có cái hay vì các doanh nghiệp trong nước được chỉ định cụ thể, những quốc gia, doanh nghiệp mà Việt Nam sẽ mua nguyên liệu với thuế xuất bằng 0% và đảm bảo được tính hợp pháp của nguyên liệu.

“Tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu gỗ là yếu tố tiên quyết trong ngành chế biến gỗ,” ông Quyền nói.

Bên cạnh đó, đây là thị trường rất lớn mạnh, khi tham gia TPP, quan hệ thương mại nội khối sẽ thuận lợi hơn, thu hút vốn đầu tư của các quốc gia trong ngành gỗ sẽ mạnh hơn.

Hơn nữa, các doanh nghiệp trong ngành gỗ dễ dàng tiếp cận được công nghệ mới, quản trị mới của các quốc gia tiên tiến, chất lượng hàng hóa theo đó sẽ cao hơn.

Trái ngược với ngành gỗ, chăn nuôi là một trong những ngành, theo nhiều chuyên gia, là “vật hiến thân” cho TPP.

Ông Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cho hay các doanh nghiệp chăn nuôi đón nhận thông tin ký kết TPP với nhiều tâm trạng và nỗi lo, mặc dù họ đều khẳng định:

“Phải hội nhập để tạo sức ép thay đổi mình và ai biết nắm thời cơ thì sẽ vươn lên và hưởng lợi từ TPP.”

Hiện nay, theo ông Khanh, các doanh nghiệp trong lĩnh vực gia cầm đều xác định phân khúc thị trường rất rõ ràng, chủ yếu là chọn “thị trường ngách” có thế mạnh như gà thả vườn, gà lông màu mà các nước không cạnh tranh được.

Tuy nhiên, nói là thả vườn nhưng không thể chăn nuôi thả rông như trước mà phải “công nghiệp hóa gà lông màu,” ví dụ như đưa công nghệ chuồng mát, thức ăn công nghiệp vào nuôi trên nền diện tích rộng hơn và đầu tư lớn hơn.

“Những doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình thì họ rất bình thường trước TPP.

Bên cạnh đó, tất cả các doanh nghiệp giống gà lông màu đều nằm trong tay doanh nghiệp Việt Nam và đây sẽ là một thuận lợi lớn cho ngành chăn nuôi gia cầm,” ông Khanh nói.

Tuy nhiên, ông Khanh cho hay, chăn nuôi nông hộ tự cung tự cấp theo quy luật thị trường sẽ bị đào thải vì không cạnh tranh được.

Do dó, nông hộ muốn sống sót thì phải tham gia liên kết chuỗi trong chăn nuôi, tức nông hộ phải liên kết với nhau thành các tổ hợp tác xã, thành nhóm. Sau đó các HTX sẽ ký hợp đồng với các công ty phân phối.

Nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức

Tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra ngày chiều 6-10 tại Hà Nội, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết 12 nước tham gia ký kết TPP có trình độ phát triển rất khác nhau, trong đó Việt Nam là nước có trình độ đi sau. Khi tham gia vào khu vực này, nông nghiệp Việt Nam sẽ có bốn cơ hội.

Thứ nhất là có thị trường rộng lớn hơn 800 triệu dân, giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực trong việc phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.

Ví dụ, Việt Nam phụ thuộc một phần vào thị trường Trung Quốc, xuất khẩu gạo vào Trung Quốc chiếm 35%, cao su chiếm 48%, rau quả chiếm 64%, gỗ 12,3 %... nhập khẩu đầu vào cho nông nghiệp chiếm tới 62,5%.

Trung Quốc là thị trường bạn hàng lớn nhưng chính sách của Trung Quốc thiếu ổn định.

“Vì vậy, việc mở ra một thị trường lớn là TPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu, giúp Việt Nam linh hoạt xuất khẩu nông sản hơn,” ông Tuấn nói.

Thứ hai, ngay sau khi TPP có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng nông sản sẽ được giảm thuế, nhiều loại thuế xuống mức 0%, tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho hàng nông sản Việt Nam như thủy sản, đồ gỗ…

Hiện Việt Nam đang xuất khẩu đồ gỗ vào Mỹ chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ, vào Nhật là 19%; xuất khẩu thủy sản vào Mỹ chiếm 19%, vào Nhật 16%...

Chúng ta đang phải chịu thuế suất, nhưng khi thuế về 0% sẽ tạo ra lợi thế rất lớn cho hàng Việt Nam so sánh với các nước có cùng điều kiện sản xuất như Trung Quốc, Thái Lan…

Thứ ba, khi các thị trường thông thương sẽ thu hút nhiều vốn đầu tư hơn từ các nước TPP, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp.

Hiện Việt Nam chỉ có 512 dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 3,43% số doanh nghiệp FDI, con số này quá thấp. Đặc biệt, giá trị vốn cam kết đầu tư chỉ là 3,33 tỷ đô la Mỹ chiếm 1,4%.

Do vậy, TPP sẽ là cơ hội để để ngành nông nghiệp thu hút đầu tư, thu hút công nghệ cao, kỹ năng quản lý.

Cuối cùng, TPP sẽ giúp ngành nông nghiệp có cơ hội thúc đẩy việc tái cấu trúc lại ngành, trọng tâm là đưa công nghệ, cách quản lý mới vào nông nghiệp, tạo ra một đòn bẩy để thúc đẩy phát triển nông nghiệp trong những năm sắp tới.

Tuy nhiên, theo ông Hà Công Tuấn, bên cạnh những thuận lợi thì vẫn còn tồn tại không ít thách thức

. Hiện lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam vẫn đang mang hơi hướng sản xuất nhỏ, Việt Nam có 3.500 doanh nghiệp trong nông nghiệp, chỉ chiếm 1,01% tổng số doanh nghiệp, hơn nữa lại chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, có vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm 65%.

Do vậy, nếu duy trì cách quản lý, chất lượng sản phẩm như hiện nay, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn khi gia nhập TPP, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi hộ gia đình.

“Do vậy, các doanh nghiệp nông nghiệp đang đứng trước đòi hỏi phát triển, nâng cao trình độ, không linh hoạt sẽ bị phá sản. Nếu coi TPP là liều thuốc thử mạnh, cả hệ thống, cà guồng máy không cải thiện thì chúng ta sẽ thua trên sân nhà,” ông Tuấn nói.


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Dứa Gai Xen Cao Su Ở Xã Ngọc Trung Cho Thu Nhập Cao Mô Hình Dứa Gai Xen Cao Su Ở Xã Ngọc Trung Cho Thu Nhập Cao

Việc xen canh dứa gai với cao su không những đem lại thu nhập cao cho nông dân mà còn có tác dụng giúp đất tơi xốp, tăng cường dưỡng chất cho sự phát triển của cây cao su. Với hiệu quả đem lại, xã Ngọc Trung đang khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng dứa gai xen cao su.

08/07/2014
Hiệu Quả Khai Thác Thuỷ Sản Lưới Đăng Ở Tổ Hợp Tác Đầm Chông Hiệu Quả Khai Thác Thuỷ Sản Lưới Đăng Ở Tổ Hợp Tác Đầm Chông

Hơn mười năm qua, Tổ hợp tác (THT) Đầm Chông thuộc làng biển Mỹ Tân (xã Thanh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận) luôn bám biển, phát huy nghề truyền thống đánh bắt thuỷ sản bằng lưới đăng hiệu quả, tạo công ăn việc làm và ổn định thu nhập cho hàng chục lao động địa phương.

08/07/2014
Chăn Nuôi Ứng Dụng Công Nghệ Cao Hiệu Quả Ổn Định, Thân Thiện Môi Trường Chăn Nuôi Ứng Dụng Công Nghệ Cao Hiệu Quả Ổn Định, Thân Thiện Môi Trường

Ngoài việc phải bảo đảm điều kiện cách xa khu dân cư, quy trình chăn nuôi khép kín, mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao còn được chính quyền địa phương ủng hộ nhờ hiệu quả ổn định nên bà con nông dân xã Cây Trường, huyện Bàu Bàng (Bình Dương) rất an tâm đầu tư thực hiện mô hình này.

17/06/2014
Tình Hình Bệnh Trên Gia Súc, Gia Cầm Vẫn Diễn Biến Phức Tạp Tình Hình Bệnh Trên Gia Súc, Gia Cầm Vẫn Diễn Biến Phức Tạp

Để chủ động phòng bệnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thuỷ sản tiếp tục tăng cường công tác triển khai phòng chống dịch trên toàn tỉnh, song song đó thực hiện tiêm phòng, quản lý tốt các hoạt động giết mổ, bày bán, tiêu thụ gia súc, gia cầm.

08/07/2014
Mô Hình Trồng Rau An Toàn Trên Đất Cù Lao Mô Hình Trồng Rau An Toàn Trên Đất Cù Lao

Sau những năm tháng trồng rau thuê ở thành phố Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn Chiêu, ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) trở về quê hương và áp dụng mô hình trồng rau theo hướng an toàn để phát triển kinh tế gia đình và bước đầu anh đã thành công.

08/07/2014