Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vỡ Mộng Làm Giàu Với Khoai Lang

Vỡ Mộng Làm Giàu Với Khoai Lang
Ngày đăng: 31/05/2012

Đầu tháng 5, hàng ngàn hecta khoai lang tím Nhật ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang đến kỳ thu hoạch, nhưng do thương lái Trung Quốc không mua, giá rớt thê thảm từ 1 triệu đồng còn khoảng 200.000 đồng/tạ 60 kg.

Trong hai tuần cuối tháng 5 này, chúng tôi nhiều lần đến vùng trồng khoai lang tím Nhật ở hai huyện Bình Tân, Bình Minh (Vĩnh Long). Lần nào cũng chứng kiến cảnh nông dân than vắn thở dài bên ruộng khoai vì giá quá thấp và bán rất khó khăn. “Mới hồi đầu tháng còn 800.000 đồng/tạ giờ chỉ có 250.000 đồng/tạ thì làm sao có lời. Ai có đất trồng thì từ lỗ đến huề vốn. Ai thuê đất trồng coi như ôm nợ” - một nông dân (từ chối nêu tên) nói.

Ông Ngô Văn Sơn, ở xã Thành Đông, huyện Bình Tân, trồng 1 ha khoai lang tím Nhật. Ruộng khoai của ông đã quá lứa gần tháng nay nhưng vẫn chưa bán được, một phần vì giá quá rẻ, phần vì thương lái chê ỏng chê eo. Ông Sơn nói: “Hồi khoai 1 triệu đồng/tạ không có mà bán, giờ khoai rẻ, chất đầy đồng chẳng có ai ngó ngàng tới”.

Ngày 28-5, gặp bà Nguyễn Thị Chín đang làm cỏ, vệ sinh ruộng khoai, chúng tôi hỏi chuyện, bà nói gọn lỏn: “Mới bán xong, có 190.000 đồng/tạ thôi. Lỗ nặng nên không trồng nữa”. Còn cha con ông Nguyễn Văn Luông ở xã Thành Trung thì đang giăng lều che đống khoai vừa thu hoạch để chờ thương lái đến mua. Ông Luông bảo 1,6ha khoai của ông đã “neo” mấy tuần qua để chờ giá nhích lên nhưng càng ngày tình hình càng ảm đạm. Không cầm cự được, ông đành thu hoạch bán tháo. “Kỳ này lỗ ít nhất 160 triệu đồng” - ông Luông nói.

Cuối năm 2011 nhiều người thấy trồng khoai có thể làm giàu nên đi thuê đất giá cao (70 - 80 triệu đồng/ha) để trồng với hi vọng đổi đời. Ông Trần Văn Vũ ở xã Thành Đông thuê 2 ha đất trồng khoai nhưng đến giờ vẫn chưa bán được trong khi vốn liếng đều vay ngân hàng. Ông Vũ nhẩm tính nếu bán hết khoai cũng không đủ trả nợ và lỗ trên 100 triệu đồng.

Theo tính toán của nông dân, chi phí đầu tư trồng 1ha khoai lang tím Nhật khoảng 130 triệu đồng. Nếu làm giỏi, năng suất 400 tạ/ha cũng chỉ bán được chưa tới 100 triệu đồng/ha.

Cuối tháng 5 này, cánh đồng khoai ở Bình Tân đã thu hoạch hơn phân nửa. Nông dân ở đây ai cũng mong bán cho hết khoai rồi ban đất ra trồng lúa, trồng bắp, chứ không dám trồng khoai nữa. Dân trồng khoai lang ở Cần Thơ và Kiên Giang mà chúng tôi nhắc ở trên đa số là dân từ Vĩnh Long đến thuê đất trồng nên giờ mọi người cũng chỉ mong bán được khoai để trở về quê...

Ông Nguyễn Văn Liêm, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết trước tình hình nông dân thua lỗ do đổ xô trồng khoai lang tím Nhật, tới đây sở sẽ tiếp tục khuyến cáo nông dân cân bằng lại diện tích sản xuất theo quy hoạch mùa vụ, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt một giống dẫn đến cung vượt cầu. Hiện các cơ quan chức năng đang xúc tiến xây dựng thương hiệu cho khoai lang Bình Tân và mời các doanh nghiệp trong nước đầu tư chế biến, xuất khẩu khoai lang để không phụ thuộc thương lái Trung Quốc.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, tính đến cuối tháng 5 này toàn tỉnh đã xuống giống 9.225 ha khoai lang, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2011. Diện tích trồng khoai tập trung chủ yếu ở ba huyện Bình Tân (8.247 ha), Bình Minh (749 ha) và Tam Bình (125 ha). Trong đó, khoai lang tím Nhật chiếm hơn 70%. Dự kiến từ nay đến cuối năm tỉnh còn thu hoạch khoảng 5.783 ha, ước tính sản lượng thu hoạch khoảng 168.000 tấn.

Có thể bạn quan tâm

Chủ Động Phòng Ngừa Cúm Gia Cầm Chủ Động Phòng Ngừa Cúm Gia Cầm

Trời nắng nóng xen lẫn những cơn mưa là điều kiện thuận lợi cho bệnh cúm gia cầm phát triển mạnh. Vì vậy, ngay từ lúc này, công tác phòng bệnh cần đặt lên hàng đầu, đặc biệt là cúm A/H5N6, bởi thế giới chưa có vaccine để phòng chủng virus này.

26/09/2014
Mô Hình Sản Xuất Rau An Toàn Ở Xã Ninh Đông Mở Ra Triển Vọng Mới Mô Hình Sản Xuất Rau An Toàn Ở Xã Ninh Đông Mở Ra Triển Vọng Mới

Mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm rau an toàn xã Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã nhận được chứng nhận VietGAP. Điều này đang mở ra hướng đi mới, đầy triển vọng cho nghề trồng rau…

26/09/2014
Gia Lai Khuyến Cáo Nông Dân Không Nên Phá Bỏ Cây Cao Su Gia Lai Khuyến Cáo Nông Dân Không Nên Phá Bỏ Cây Cao Su

Vì vậy, sản lượng tiêu thụ cao su được dự báo sẽ tăng. Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các địa phương có diện tích trồng cao su, nhất là cao su tiểu điền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không nên phá bỏ cao su để chuyển đổi sang trồng các loại cây khác.

26/09/2014
Hà Nội Đưa Vụ Đông Trở Thành Vụ Sản Xuất Chính Hà Nội Đưa Vụ Đông Trở Thành Vụ Sản Xuất Chính

Trong vài năm gần đây, diện tích trồng cây vụ Đông trên địa bàn Hà Nội có xu hướng giảm dần do nhiều nguyên nhân. Chính vì vậy, với mục tiêu đưa vụ Đông trở thành vụ chính nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, năm nay, UBND TP đã chỉ đạo các huyện, thị xã tích cực vào cuộc mở rộng diện tích trồng cây vụ Đông.

26/09/2014
Thoát Nghèo Nhờ Trồng Bông Thiên Lý Thoát Nghèo Nhờ Trồng Bông Thiên Lý

Gia sản chỉ có 2 công đất rẫy nên cuộc sống gia đình ông Thạch Vươl (58 tuổi, ngụ ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) luôn luẩn quẩn trong vòng nghèo khó. Năm 2013, một người em sống ở TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn trồng cây thiên lý để bán bông. Và nhờ đó, gia đình ông Vươl thoát nghèo.

26/09/2014