Vợ chồng cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi

Vợ chồng ông Nguyễn Đức Thiện và bà Đặng Thị Xuân, hiện ở tổ dân phố 5, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) là một trong những người như vậy. Ông Thiện tham gia lực lượng TNXP đến năm 1979 thì kết thúc.
Năm 1976, khi vào nhận nhiệm vụ của TNXP tại vùng Doãn Văn, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức bây giờ, bà Xuân đang trong độ tuổi “đôi mươi”. Nhiệm vụ của bà và các đồng đội nữ lúc bấy giờ là chặt cây lồ ô, cắt tranh làm nhà cho người dân làm kinh tế mới; khai hoang, trồng cây lương thực như khoai, ngô, lúa. Sau 2 năm hoàn thành nhiệm vụ TNXP, bà Xuân tiếp tục tham gia vào bộ đội, công tác tại huyện đội Đắk Nông (cũ). Sau đó, bà ra quân và cùng chồng mình vào công tác trong ngành lâm nghiệp của huyện.
Thời gian đầu khi mới lập nghiệp tại Đắk Nông, cuộc sống của ông bà còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với tinh thần vượt khó và ý chí đã được tôi luyện trong thời kỳ tham gia lực lượng TNXP, ông bà không bao giờ chùn bước, luôn suy nghĩ, tìm tòi các giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngoài công việc tại cơ quan, gia đình tập trung phát triển kinh tế. Ban đầu, ông bà khai hoang được 2 ha đất, vừa trồng cà phê, vừa trồng cây tiêu. Có những lúc, hơn 1 ha cây hồ tiêu của gia đình bị dịch bệnh chết rũ rượi; cà phê thì rớt giá nhưng ông bà vẫn không nản lòng, vẫn tiếp tục tìm giống tiêu mới và trồng lại; tập trung vào chăm sóc nâng cao sản lượng cà phê, trồng thêm các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng...
Cùng với diện tích đất hiện có, dần dần, vợ chồng ông bà tích góp mua thêm đất để mở rộng sản xuất. Hiện nay, gia đình ông có 2 ha cà phê, 1000 trụ tiêu trong thời kỳ thu hoạch. Ông bà đang trồng thử nghiệm gần 1ha cây mắc ca, hiện đã ra quả bói đầu mùa. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông bà có thu nhập khoảng 500 triệu đồng.
Theo ông bà thì tuổi thanh xuân mình đã nỗ lực vì sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, trở về cuộc sống đời thường, mình cũng cần phải nỗ lực hơn nữa, phải tích cực tăng gia sản xuất để đảm bảo cuộc sống, không đầu hàng trước khó khăn. Hiện tại, 3 người con của ông bà đã trưởng thành, đã lập gia đình và có công việc ổn định. Mặc dù tuổi đã khá cao nhưng ông bà vẫn tích cực lao động sản xuất, thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ anh em, hàng xóm láng giềng.
Không chỉ siêng năng, chăm chỉ trong lao động sản xuất, vợ chồng ông bà còn tích cực tham gia các phong trào của Hội cựu TNXP thị xã Gia Nghĩa, nhất là các phong trào giúp đỡ, động viên các đồng đội cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Ông Hoàng Văn Nhuận, Chủ tịch Hội Cựu TNXP thị xã Gia Nghĩa nhận định: Vợ chồng ông Thiện và bà Xuân là một trong những hội viên tiêu biểu của Hội Cựu TNXP thị xã. Hai ông bà luôn đi đầu trong phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái trưởng thành; thường xuyên động viên bà con lối xóm lao động sản xuất, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Hai ông bà đã phát huy tốt tinh thần vượt khó, không quản ngại khó khăn để sát cánh bên nhau trong quá trình phục vụ chiến đấu bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Giờ đây, họ vẫn giữ nguyên tinh thần, phẩm chất đó để cùng nhau làm kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, trở thành những tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ học tập noi theo.
Có thể bạn quan tâm

Chuyến công tác về lại 3 huyện phía nam là Cát Tiên, Đạ Tẻh và Đạ Huoai (Lâm Đồng) trong những ngày đầu tháng 5 này, chúng tôi thêm một lần nữa chứng kiến cảnh dở khóc dở cười của nông dân về chuyện “trồng - phá, phá - trồng” cây ca cao.

Bà Lâm Kim Huệ, ở ấp Tấn Ngọc, xã Ngọc Chánh (Đầm Dơi, Cà Mau), nuôi tôm khép kín trong 4.000m2, vừa thu được 7 tấn tôm chân trắng. “Tôi nuôi tôm 4- 5 năm rồi nhưng chỉ thu được chừng 2 tấn với kích cỡ tôm 100 con/kg, giá bán thấp.

Cây hồng không hạt được người dân xã Quảng Bạch (Chợ Đồn - Bắc Kạn) đưa về trồng từ khá lâu. Đây là loại cây hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, cho chất lượng quả thơm, ngon không kém so với các nơi khác. Để cây hồng trở thành cây trồng mũi nhọn kinh tế, xã Quảng Bạch đang vận động nhân dân mở rộng diện tích, tiến tới hình thành vùng trồng hồng không hạt hàng hóa.

Từ đầu năm đến nay thị trường thanh long của tỉnh Bình Thuận bị biến động mạnh, giá sụt giảm, thị trường xuất khẩu thu hẹp, chất lượng sản phẩm giảm làm cho nhiều nhà vườn lao đao…Tìm và mở thị trường mới là nhu cầu cấp bách của thanh long Bình Thuận.

Tại ĐBSCL, vài năm qua đã hình thành các cánh đồng "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", "cánh đồng lúa chất lượng cao" quy mô từ vài hàng chục đến hàng trăm héc-ta…. Từ những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả này, nông dân liên kết thành nhóm, cùng áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ.