Vịt Sinh Sản Khakicampell Nhiều Ưu Điểm, Khan Giống

Nhận thấy hiệu quả và ưu điểm của giống vịt Khakicampell nên người chăn nuôi ở nhiều địa phương đã chủ động chuyển đổi giống, nhưng lại gặp nhiều khó khăn vì giống vịt này hiện đang rất khan hiếm.
Nhiều ưu điểm
Giống vịt Khakicampell hay còn gọi là vịt Pháp (vì có nguồn gốc từ Pháp) đã được nhập vào nước ta từ lâu và từng là giống vịt sinh sản nuôi đại trà ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, qua thời gian nuôi khá dài lại không được nhân thuần giống đúng kỹ thuật nên giống vịt này dần thoái hóa, bộc lộ nhiều nhược điểm. Người chăn nuôi đã dần loại bỏ và thay thế bằng những giống vịt khác, trong đó chủ yếu là giống vịt cò có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Ông Nguyễn Tín ở thôn Thạch Tuân 2, xã Hòa Xuân Đông (Đông Hòa) cho biết: “Khi giống vịt Khakicampell thoái hóa, sản lượng đẻ trứng thấp, gia đình tôi chuyển sang nuôi giống vịt cò cho tới nay. Tuy nhiên, giống vịt này cũng có nhiều nhược điểm như khi thời tiết trở lạnh hoặc mưa là tỉ lệ đẻ giảm hẳn.
Trọng lượng vịt khi bước vào giai đoạn sinh sản chỉ khoảng 1,4 đến 1,5kg/con, nên khi loại ra giá bán cũng thấp. Ngoài ra, khi ấp nở, vịt cò có tỉ lệ rủi ro rất cao”. Ông Tín giải thích, nếu khi nở mà tỉ lệ vịt cồ nhiều thì sẽ bị lỗ. Số vịt cồ này phải tiêu hủy hết do không nuôi để lấy thịt được bởi trọng lượng không đạt (chỉ khoảng 1,3 đến 1,4kg/con).
Trước thực trạng trên, kỹ sư Phạm Xuân Quang (Sở NN-PTNT) đã triển khai đề tài chọn lọc, nhân thuần nâng cao năng suất chất lượng đàn vịt Khakicampell và đã thực hiện thành công, cho ra đời đàn vịt giống Khakicampell thế hệ F4 thuần chủng với tổng đàn 13.000 con vào đầu năm 2013.
Tiếp nối đề tài này, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cũng đã triển khai một số mô hình nuôi vịt sinh sản an toàn sinh học với giống vịt Khakicampell thuần chủng trên địa bàn các huyện Đông Hòa, Phú Hòa và đã mang lại những hiệu quả tích cực.
Ông Trần Hoa ở xã Hòa Xuân Đông (Đông Hòa), một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: “So với các giống vịt cò, vịt địa phương thì vịt Khakicampell thuần chủng có nhiều ưu điểm nổi trội hơn hẳn. Cụ thể, tỉ lệ nuôi sống đạt trên 96%, tỉ lệ chuyển lên giai đoạn đẻ đạt trên 85%; chỉ tiêu sinh trưởng và phát triển của đàn vịt lúc 19 tuần tuổi đạt từ 1,6 đến 1,8 kg/con; năng suất đạt trên 260 trứng/mái/năm; tỉ lệ trứng có phôi đạt trên 85%.
Đặc biệt giống vịt Khakicampell đẻ trứng đều, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, trọng lượng vịt cao nên khi ấp nở số lượng vịt cồ có thể giữ lại nuôi lấy thịt mà không phải tiêu hủy như vịt cò trước đây, dịch bệnh cũng được hạn chế nhiều vì sức đề kháng của con giống cao...”.
Khan giống
Hiện có rất nhiều hộ chăn nuôi vịt tại huyện Đông Hòa và các địa phương khác đang chuyển đổi sang nuôi giống vịt Khakicampell. Theo ông Nguyễn Tín ở xã Hòa Xuân Đông, từ khi chuyển sang nuôi vịt cò đến nay, không năm nào đàn vịt nhà ông không bị dịch, nhẹ thì chết ít, còn nặng thì chết gần sạch đàn.
Nguyên nhân chính là vì giống vịt này có thể trạng yếu, sức đề kháng kém và con giống không đảm bảo nên người chăn nuôi thường xuyên gặp rủi ro. Sau khi tham quan mô hình nuôi vịt sinh sản Khakicampell, nhiều hộ trong đó có gia đình ông đã không ngần ngại chuyển sang nuôi giống vịt này. So với vịt cò, vịt giống Khakicampell có giá bán tương đương.
Nhưng khó khăn nhất hiện nay là nguồn giống Khakicampell rất ít, không đáp ứng đủ nhu cầu của người chăn nuôi. Còn bà Nguyễn Thị Nhạn ở xã Hòa Quang Bắc (Phú Hòa) thì cho hay: “Để chuẩn bị cho vụ nuôi mới, tôi đã đặt vịt giống Khakicampell ở 3 trại nuôi nhưng đến nay vẫn chưa có vì đang thiếu giống”.
Theo ông Đặng Văn Chức ở xã Hòa Xuân Đông (Đông Hòa), một trong những hộ tham gia mô hình nuôi vịt sinh sản giống Khakicampell, tính đến nay trang trại của ông đã cung cấp cho thị trường hơn 50.000 con vịt giống. Hiện vẫn còn rất nhiều người đang đặt mua vịt, tuy nhiên tỉ lệ sinh sản và con giống của trại có hạn nên khó đáp ứng đủ nhu cầu và thời vụ vào đàn của các hộ nuôi vịt.
Ông Nguyễn Thành, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết: Đây là tín hiệu vui cho thấy người chăn nuôi vịt trong tỉnh đã ý thức được việc chọn lựa con giống, chú trọng đến chất lượng đầu vào, yếu tố quan trọng mang lại sự thành, bại trong chăn nuôi. Để đáp ứng nhu cầu cung ứng vịt giống chất lượng cho người chăn nuôi, trung tâm đang tiếp tục triển khai mô hình nuôi vịt sinh sản Khakicampell tại huyện Phú Hòa, khuyến khích những hộ tham gia mô hình này thực hiện việc ấp nở giống cung ứng cho người nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Hiện tại, vú sữa Lò Rèn loại 1 được các thương lái thu mua tại vựa chỉ khoảng 30.000đ/kg; loại 2 đến tay người tiêu dùng khoảng 20.000đ/kg; loại 3 khoảng 15.000 – 18.000đ/kg. Trong đó, năm trước giá vú sữa Lò Rèn loại 1 có giá 40.000 - 45.000đ/kg; loại 2 khoảng 30.000đ/kg; loại 3 từ 22.000đ/kg trở lên.

Ông Nguyễn Hữu Tài, giám đốc HTX Sản xuất, tiêu thụ và XK thanh long Dương Xuân cho biết, nhờ thị trường XK thanh long sang Trung Quốc khởi sắc, các DN XK thanh long liên tiếp nhận được những đơn hàng mới, đặc biệt là các đơn hàng thanh long ruột đỏ nên họ không ngừng đẩy giá lên. Ngoài ra, nguyên nhân tăng giá còn do diện tích thanh long ruột đỏ còn hạn chế.

NM được xây dựng trên diện tích gần 5 ha (giai đoạn 1), trong đó nhà xưởng 18.600 m2, được lắp đặt thiết bị tiên tiến nhất do Mỹ, Nhật Bản và châu Âu chế tạo, với tổng vốn đầu tư trên 170 tỷ đồng, công suất chế biến 5.000 tấn tôm thành phẩm/năm, tạo việc làm cho 750 lao động, doanh thu XK khoảng 50 - 60 triệu USD.

Chương trình phát triển đàn bò sữa từng gánh nhiều vấp ngã và chỉ trích. Tuy nhiên, sự vực dậy của ngành chăn nuôi bò sữa qua hơn một thập kỷ có mặt tại Việt Nam đang tái khẳng định tinh thần của chính sách này không hề chệch hướng.

6 tháng đầu năm, giá phân bón thế giới lẫn trong nước đều có xu hướng giảm. Các đơn vị sản xuất phân đạm trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn như cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ, bù chi phí cho quy định siết chặt tải trọng từ tháng 4/2014…