Vịt Rớt Giá, Nông Dân Đồng Nai Kêu Trời

Giá vịt giảm gần 20.000 đồng/1kg so với cách đây một tháng, khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng.
Giá vịt thịt tại Đồng Nai hiện bất ngờ giảm mạnh và chỉ còn dao động ở mức 35 – 38.000 đồng/1kg, tức giảm gần 20.000đồng/1kg so với cách đây một tháng, khiến người chăn nuôi vịt gặp rất nhiều khó khăn vì thua lỗ nặng. Riêng các hộ đã lỡ đầu tư chuồng trại, thì dở khóc dở cười vì không dám nhập vịt về nuôi, đành chấp nhận bỏ trống chuồng một cách lãng phí.
Trước đây, anh Vũ Đức Thắng nhà ấp Võ Dõng 1 xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai chăn nuôi heo, nhưng luôn gặp phải cảnh thua lỗ. Cách đây 3 tháng, nhận thấy các hộ xung quanh chăn nuôi vịt có lãi cao, anh đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng đầu tư xây chuồng trại và gần 50 triệu đồng mua 2.000 con vịt về nuôi.
Do chưa có kinh nghiệm, đàn vịt của anh bị nhiễm bệnh chết gần một nửa, hiện chỉ còn hơn 1.000 con, với giá bán hiện nay chỉ còn 35.000 đồng/kg. Theo nhẩm tính của anh, ngoài tiền đầu tư chuồng trại, sau khi xuất bán lứa vịt này, anh chịu lỗ hàng chục triệu đồng.
Còn trại vịt của anh Lại Vương Chúc, ở ấp Thanh Sơn cũng đang tình trạng thua lỗ tương tự. Anh Chúc cho biết, lứa vịt trước anh nuôi 10.000 con, giá ở thời điểm đó từ 57 – 58.000 đồng/1kg, sau khi xuất bán anh lời cả trăm triệu đồng. Thấy có lời, anh tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại nhập 17.000 con vịt về nuôi.
Đàn vịt của anh hơn 1 tuần nữa mới xuất bán. Nếu giá vịt không tăng, chắc chắn anh Chúc sẽ thua lỗ nặng và chuyện giảm đàn là điều anh đã tính đến.
Trong thời gian qua, giá vịt thịt được cho là ổn định và người nuôi thu lợi cao hơn nhiều so với các loại vật nuôi khác, khiến các hộ đổ xô đầu tư chuồng trại để chăn nuôi vịt với hy vọng cuộc sống sẽ ổn định hơn. Tuy nhiên, vào thời điểm này nhiều hộ đã bị vỡ mộng, khi bỏ ra hàng trăm triệu đồng đầu tư chuồng trại chưa kịp nhập vịt về nuôi cũng đành phải chấp nhận bỏ trống trước giá vịt xuống thấp.
Nguyên nhân của tình trạng giá vịt giảm hiện nay tại Đồng Nai là do trong thời gian qua số hộ chăn nuôi vịt tại đây tăng đột biến, trong khi đó, sức tiêu thụ gia cầm này còn chậm so với heo và gà, dẫn đến cung vượt cầu đẩy giá cả xuống thấp.
Như vậy, sau người nuôi nhím, nay lại đến lượt người nuôi vịt tại Đồng Nai gặp cảnh thua lỗ do ồ ạt đầu tư theo phong trào. Chắc chắn thực trạng này sẽ tiếp tục tái diễn nếu người chăn nuôi không tìm hiểu kỹ trước khi đầu tư và cơ quan chức năng Đồng Nai không tích cực tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân trong lĩnh vực này.
Có thể bạn quan tâm

Đoàn chuyên gia nông nghiệp Mỹ vừa có chuyến khảo sát, đánh giá về tình hình trồng mắc ca tại Tây Nguyên, theo đề án phát triển mắc ca của Công ty Cổ phần Him Lam…

Theo ước tính, mỗi năm ngành chè Việt Nam tự làm mình thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng và đang đứng trước nguy cơ về một cuộc khủng hoảng. Sử dụng thuốc BVTV chưa an toàn là một trong những nguyên nhân mang tính cốt tử, ảnh hưởng lớn nhất đến thực trạng này.

Nhiều hội viên nông dân ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành cảm phục mỗi khi nhắc đến ông Phan Văn Thành (SN 1939), nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền của xã bởi sự năng động, nhiệt tình trong công tác Hội Nông dân, nhạy bén trong phát triển kinh tế.

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông, lâm, thủy sản đã và đang được xã hội quan tâm, nhất là người tiêu dùng. Trong đó rau ăn lá, củ, rau gia vị là thế mạnh của tỉnh với sản lượng khá lớn, cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, kể cả xuất khẩu.

Duy trì chất lượng đặc thù của sản phẩm cam mang chỉ dẫn địa lý “Cao Phong”, đây được xác định là thách thức lớn, đồng thời là giải pháp trọng tâm nhằm củng cố những giá trị bền vững giúp cam Cao Phong (Hòa Bình) phát triển trở thành một thương hiệu mạnh.