Vịt rớt giá

Ông Phan Dững, chủ đàn vịt 10.000 con ở xã Diên Lạc (huyện Diên Khánh) cho biết, hiện nay thương lái chỉ thu mua với giá 60.000 đồng/con (khoảng 1,7kg), giảm hơn 25.000 đồng/con so với cách đây gần 2 tháng.
“Trong vòng 3 tháng, gia đình tôi đầu tư hơn 500 triệu đồng để thả nuôi 10.000 con vịt nhưng hao hụt khá nhiều, hiện chỉ còn khoảng 8.000 con.
Trong số đó, tôi chỉ xuất bán được hơn 3.000 con giá cao.
Với giá bán này thì cầm chắc phần lỗ”, ông Dững nói.
2 vụ nuôi trước đó, gia đình ông Dững cũng thua lỗ gần 100 triệu đồng do vịt bị chết nhiều.
Trước đây, ông Nguyễn Văn Để (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) chăn nuôi heo, gà, nhưng sau mấy đợt dịch, gia đình ông gặp cảnh thua lỗ.
Cách đây 2 năm, ông đến Diên Khánh thuê đồng để chăn nuôi vịt tại khu vực các xã Diên Phước, Diên Thọ.
Năm nay, ông Để đầu tư nuôi 4 vụ (2 vụ thả đồng, 2 vụ nuôi nhốt).
Những vụ nuôi trước, tuy chi phí đầu tư cao, nhưng nhờ vịt được giá nên gia đình ông vẫn có lãi.
Đến vụ nuôi thứ 4, ông đầu tư 800 triệu đồng để nuôi 4 đàn vịt với số lượng 15.000 con.
Hiện nay, chỉ có 1 đàn với 3.000 con chờ xuất bán.
Ông Để cho biết: “Tổng chi phí đầu tư cho đàn vịt 15.000 con mất 1 tỷ đồng.
Trong khi đó, số vịt nuôi hao hụt chỉ còn khoảng 13.000 con, với giá bán khoảng 70.000 đồng/con 2kg, tính ra tôi thua lỗ gần 100 triệu đồng”.
Với những người nuôi vịt tại thị xã Ninh Hòa, tình hình cũng không khá hơn khi vịt thịt rớt giá.
Ông Nguyễn Thành Nhi - Chủ tịch UBND xã Ninh Giang cho biết: “Ninh Giang là một trong những địa phương có đàn vịt lớn ở Ninh Hòa, với 60.000 con (chiếm 1/5 đàn vịt toàn thị xã).
Giá vịt thịt giảm đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người chăn nuôi.
Năm nay, chi phí đầu tư tăng, nếu giá vịt tiếp tục giảm, chắc chắn người chăn nuôi sẽ thua lỗ nặng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm trước đây, giá vịt thịt khá ổn định, người nuôi thu lợi cao hơn so với các loại vật nuôi khác nên nhiều hộ đã đầu tư nuôi vịt.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, giá vịt xuống thấp khiến nhiều hộ đứng ngồi không yên.
Bà Nguyễn Thị Hồng, thương lái chuyên thu mua vịt để cung cấp cho các chợ tại TP.
Nha Trang lý giải: “Nguyên nhân khiến giá vịt giảm là do số lượng vịt được các hộ nuôi nhiều, trong khi sức tiêu thụ loại gia cầm này giảm và phụ thuộc vào một số loại thực phẩm khác như: gà, heo...
Ngoài ra, đàn vịt ở các tỉnh khác cũng rất lớn, việc bán ra ngoại tỉnh chịu sự cạnh tranh quyết liệt.
Cung vượt cầu nên đã đẩy giá vịt xuống thấp”.
Trước đây, mỗi ngày bà Hồng đi mua vịt, bỏ mối cho bạn hàng khoảng 1.500 - 2.000 con, nhưng bây giờ nhu cầu chỉ khoảng 1.000 con.
Ông Huỳnh Ngọc Minh - chuyên viên phụ trách chăn nuôi Phòng Kinh tế huyện Diên Khánh cho biết: “3 tháng qua, trên địa bàn huyện có 42.000 con vịt được xuất bán, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; hiện nay vẫn còn hơn 40.000 con đang được thả nuôi.
Vịt được nuôi ở Diên Khánh chủ yếu được tiêu thụ trong tỉnh và số ít ở các tỉnh lân cận.
Giá vịt giảm chủ yếu do cạnh tranh với giá gà.
Hiện nay số lượng gà tại Diên Khánh cũng rất lớn, khoảng 399.000 con và giá gà cũng đang thấp, người tiêu dùng lại chuộng thịt gà hơn”.
Tương tự, ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa khẳng định, thời gian gần đây, giá vịt trên địa bàn Ninh Hòa giảm chủ yếu do lượng vịt đang nuôi rất lớn, lên đến 300.000 con; thậm chí gà thả vườn cũng đang rớt giá.
“Diễn biến thời tiết khá thất thường, dịch bệnh rất dễ bùng phát trên đàn gia cầm, UBND thị xã Ninh Hòa đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên các loại gia cầm đang nuôi.
Trước đó, tại Ninh Hòa xuất hiện ổ bệnh cúm gia cầm nhưng đã được xử lý triệt để, đến nay trên địa bàn chưa phát hiện ổ bệnh cúm gia cầm nào mới”, ông Cửu nói.
Trước thực trạng lâm vào cảnh thua lỗ, nhiều nhà nông cho biết trong thời gian tới, nếu giá vịt thịt không tăng thì họ sẽ giảm đàn.
Có thể bạn quan tâm

Là vùng thuần nông, đời sống của người dân huyện Hải Lăng (Quảng Trị) chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên nhìn chung thu nhập của người dân còn thấp. Để tìm hướng phát triển mới cho nông nghiệp, đặc biệt là trong chăn nuôi, thời gian qua huyện đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ để phát triển mạnh đàn bò lai trên địa bàn nhằm nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

Lâu nay, “bài toán” làm đau đầu người nuôi tôm sú trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là vấn đề chất thải của tôm, thức ăn thừa, phù sa tích tụ sau mỗi chu kỳ nuôi tồn lắng dưới đáy ao hồ cùng với nguồn nước thải từ ao nuôi tôm gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sinh thái.

Với phương châm: “Phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại phải gắn với bảo vệ, phát triển rừng và bảo vệ môi trường sinh thái”, thời gian qua, nhiều hộ dân ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã có hướng đi mới trong lao động, sản xuất và ý thức rất cao trong việc tích cực thực hiện tốt giữ gìn, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương.

Đến từ một đất nước xa xôi nhưng các chuyên gia của Liên đoàn Hợp tác xã Cộng hòa Liên bang Đức (DGRV) có những hiểu biết sâu sắc về tình hình phát triển kinh tế tập thể của Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng. Đặc biệt, họ đã chia sẻ những kinh nghiệm rất thiết thực về phát triển kinh tế tập thể, nhất là khu vực hợp tác xã (HTX) nông nghiệp.

Sau khi đã tập huấn cho nông dân về kỹ thuật trồng và cách chăm sóc giống cây hoa phong lan, Trạm Khuyến nông huyện Lấp Vò vừa phối hợp UBND xã Bình Thạnh Trung tổ chức cấp phát cây giống hoa phong lan cho 20 hộ nông dân trên địa bàn xã, mỗi hộ được nhận 100 cây giống.